MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cherry Bảo Lạc' cung không đủ cầu

04-07-2021 - 09:31 AM | Thị trường

'Cherry Bảo Lạc' cung không đủ cầu

Bảo Lạc - huyện phía Tây của tỉnh Cao Bằng, là địa bàn sinh sống của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ… Nơi đây là địa danh được dân “phượt” yêu thích, bởi cảnh sắc hoang sơ, đường đi thử thách. Chẳng những thế, Bảo Lạc còn có những loại quả ngon nức tiếng, như mận máu.

Nhiều người trẻ ở Bảo Lạc tự hào sánh mận máu với trái cherry của Tây, nhiều năm nay đang "hot" ở Ta. Họ gọi là "cherry Bảo Lạc". Không nổi tiếng như mận Tả Van của huyện Bắc Hà, Lào Cai, mận máu của Bảo Lạc vẫn như "cây quế giữa rừng", chỉ người địa phương hoặc trong tỉnh biết.

Nhưng ai được thưởng thức một lần đều nhớ hương vị đặc biệt của nó. Mận máu không không ngọt sắc, vị ngọt dễ chịu, kích thích vị giác, khiến người ta không thể cầm lòng chỉ ăn vài ba quả như những loại mận thường thấy trên thị trường. Cùng với trái lê thì mận máu xứng đáng là đặc sản của Bảo Lạc, Cao Bằng. Mận máu là cách gọi dân gian.

Chính người dân ở Bảo Lạc cũng không biết cái tên "mận máu" có từ bao giờ và vì sao lại gọi như thế. Họ cũng chỉ đoán, do cùi mận có màu đỏ thắm như máu, nên được gọi "mận máu" chăng?

Mận máu chín rộ vào khoảng tháng 6, quá trình này chỉ diễn ra trong 2 tuần. Đến nay, mận máu vẫn còn lác đác trên cây, song trái không còn thơm ngon như trong kỳ chín rộ.

Thạc sỹ Mông Thị Xuyến, Phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lạc cho biết: "Mận máu về hình thức không giống mận tam hoa, cũng không giống mận hậu. Mận tam hoa, mận hậu quả to hơn, tròn hơn. Mận máu Bảo Lạc quả vừa, hơi dẹt, ăn giòn, ngọt, thơm".

Mận máu khá kén đất. Không phải vùng đất nào của Bảo Lạc cũng trồng được mận máu cho chất lượng tốt. Theo thạc sỹ Mông Thị Xuyến chỉ có một số xã trong huyện trồng được mận máu như xã Phan Thanh, xã Xuân Trường, xã Khánh Xuân, xã Đình Phùng, xã Huy Giáp.

Thủ phủ mận máu chính là Phan Thanh. Nhưng trong xã Phan Thanh thì mận máu trồng trên đất của xóm Thẳm Thon lại được đánh giá thơm ngon hơn cả. Những xóm khác trong xã Phan Thanh cũng trồng mận máu song chất lượng không so được với Thẳm Thon.

Cán bộ Phòng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lạc chia sẻ: "Ngay cả lấy giống của xóm Thẳm Thon mang xuống thị trấn trồng đã cho kết quả khác". Cho nên, cùng mang mác "cherry Bảo Lạc" song độ thơm, ngon, ngọt của mận lại khác nhau, do sinh trên những mảnh đất khác nhau. Tiến sỹ Mông Thị Xoan, nghiên cứu văn hóa Lô Lô, một người con của Bảo Lạc cũng xác nhận: "Mận máu trồng ở thị trấn cho quả đắng ngắt".

Ngay tại Bảo Lạc, mận máu vẫn là một loại quả quí, hiếm. Thạc sỹ Mông Thị Xuyến thú nhận, 2-3 mùa mận máu trước, bà không được nếm một trái nào. Năm nay, mận máu được mùa, nên bà Xuyến cũng như nhiều người dân Bảo Lạc mới được dịp thưởng thức mận máu khá thoải mái.

So với những loại quả rừng khác, mận máu được bán với giá cao: 150 ngàn đồng/kg (mua tại gốc). Giá mận cao nhưng không lo "ế", người bán mận không cần đính kèm những quảng cáo: Mận tốt cho tim mạch, điều chỉnh huyết áp… thì thương lái năm nào cũng "đặt gạch" tận vườn.

Theo thạc sỹ Mông Thị Xuyến, từ năm 2017, huyện Bảo Lạc đã tổ chức nhân giống bằng cây ghép và trồng trên diện rộng: "Để bảo toàn 100% chất lượng giống thì phải nhân bằng rễ cây của cây mẹ. Còn nhân giống đại trà, bằng ghép mắt (mận hay ghép với gốc đào) thì thời gian cho quả nhanh hơn song có nhược điểm không bảo toàn 100% nguồn gen. Tuy nhiên vẫn có thể đạt tới 80% chất lượng".

Năm nay, người dân Bảo Lạc đã được nếm những trái mận đầu tiên từ những cây mận được trồng từ năm 2017. May mắn, nhiều người nhận xét: Những trái mận máu này cũng giòn, ngọt, không thua kém nhiều so với mận ở Thẳm Thon.

Dù năm 2021, được mùa mận máu song "cherry Bảo Lạc" cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân trong huyện. Một số thương lái vận chuyển mận máu ra thành phố Cao Bằng song nguồn cung vẫn còn rất hạn chế, chưa đủ để "cherry Bảo Lạc" về xuôi.

Theo bà Mông Thị Xuyến, đến nay mận máu Bảo Lạc cũng chỉ trồng ở những vùng truyền thống, chưa thử nghiệm ở những vùng đất xa lạ với mận máu. Thạc sỹ cũng cho biết: Đỉnh cao khai thác lấy quả của cây mận máu là từ 5 năm tuổi đến 8 năm tuổi. Mỗi cây cho khoảng 1,5 tạ quả.

"Mận máu được mùa hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ thời tiết, khí hậu, thậm chí ra hoa cách niên, năm nay rộ thì năm sau kém", thạc sỹ nói.

Để khắc phục sự thất thường này cần có sự tác động kỹ thuật tốt song người dân trồng mận máu ở Bảo Lạc không chuyên canh, chưa nhìn ra tiềm năng "xóa đói giảm nghèo" nên chưa thực sự chú trọng vào thứ quả đặc sản này. Muốn "cherry Bảo Lạc" hết thân phận "cây quế giữa rừng", hương thơm bay qua trùng điệp núi non, xuống đồng bằng, vẫn cần một "cú hích".

Theo Nông Hồng Diệu

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên