MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi 1.100 tỷ, đi 14,7 km buýt nhanh Hà Nội hơn buýt bình thường 5 – 10 phút

Ông Vũ Văn Viện, GĐ Sở GTVT cho biết, theo tính toán, so với xe buýt thông thường, tuyến xe buýt nhanh (BRT) từ Yên Nghĩa đến Kim Mã, dài 14,7 km sẽ chạy nhanh hơn từ 5 – 10 phút.

10 năm cho 1 dự án

Theo thông tin được đưa ra tại buổi họp báo cáo về chương trình xe buýt nhanh (BRT) từ bến xe Yên Nghĩa đến bến xe Kim Mã (dài 14,7 km), kinh phí để thực hiện dự án này là 53,6 triệu USD, khoảng 1.100 tỷ đồng (giá trị dự toán là 41,6 triệu USD) và tuyến xe này sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2017.

Dự án này được coi là bước đi quan trọng trong việc hoàn thiện mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội.

Theo tìm hiểu, dự án BRT này được phê duyệt chính thức từ năm 2007. Như vậy, tính đến thời điểm chính thức đi vào vận hành (1/1/2017) dự án này kéo dài gần 10 năm.

Giải thích cho sự chậm trễ này, đại diện Sở GTVT, GĐ Sở Vũ Văn Viện đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, đây là dự án BRT đầu tiên của Việt Nam nên dù nhận được nhiều sự tư vấn nhưng nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam chưa có nên phải vừa làm vừa xây dựng, vừa trình lên các cấp có thẩm quyền, dẫn đến mất thời gian.

Thứ hai, theo đại diện này thì đây là dự án ODA của World Bank (WB) nên các quy trình phê duyệt rất chặt chẽ, quá trình triển khai cũng tốn thời gian.

Nguyên nhân cuối cùng là bởi trong quá trình triển khai dự án, tuyến giao thông này trùng với tuyến đường sắt trên cao 2A Cát Linh – Hà Đông nên phải chờ cho tuyến 2A thi công trước.

Tuy nhiên, ông Viện cũng cho rằng dù dự án có bị chậm, kéo dài trong 10 năm nhưng việc triển khai không vượt quá tổng mức đầu tư.

Phương tiện công cộng thời kỳ “quá độ”, tiết kiệm được 5 – 10 phút

Ông Viện nhận định BRT là phương tiện bắt buộc, là quá trình “quá độ” trước khi tiến lên được những hình thức phương tiện giao thông công cộng khác hiện đại hơn như đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm.

“BRT phù hợp với quy hoạch của TP Hà Nội, ngoài tuyến này, còn 7 tuyến nữa, trong đó 3 tuyến trùng với đường sắt đô thị, dùng trong thời kỳ quá độ khi chúng ta chưa triển khai được tuyến đường sắt đô thị”, ông cho biết.

Ông cũng chỉ ra giá trị đầu tư “quá độ” này chỉ bằng 1/10 hay 1/20 đầu tư vào đường sắt trên cao hay tàu điện ngầm, thời gian thi công cũng tiết kiệm hơn rất nhiểu.

Nhận định về tính hiệu quả của dự án, vị GĐ Sở khẳng định đây BRT sẽ rất hiệu quả, ông cũng tự tin rằng khi chính thức vận hành tuyến, lượng phương tiện cá nhân chắc chắn sẽ giảm đi.

Mặt khác, nhờ có những đoạn đường được chạy riêng, lộ tình tuyến không phải ra vào đón khách,...BRT được khẳng định là sẽ đảm bảo thời gian chạy xe tốt hơn, an toàn hơn xe buýt thông thường. Theo tính toán là từ 5 – 10 phút, và thời gian này sẽ được tiết kiệm hơn nữa trong tương lai.

Dù vậy, theo vị đại diện sở GTVT lẫn GĐ Ban QL&ĐH GTĐT, ông Nguyễn Hoàng Hải, điều kiện hiện hành đang khiến cho dự án BRT sẽ không thể vận hành đầy đủ theo đúng nghĩa của nó, nhiều hạng mục so với dự kiến vẫn còn thiếu. Tuy nhiên, những vị này cũng hứa là sau 6 tháng đến 1 năm vận hành sẽ tiến hành đánh giá, để hướng đến một tuyến xe buýt nhanh đúng chuẩn trong tương lai.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên