'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - bài 2: Mở thông cao tốc Bắc - Nam
Hơn 3 năm trước, ngay cả những người lạc quan nhất cũng phải băn khoăn, lo lắng với mục tiêu, đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Với những tác động “chưa từng có tiền lệ” từ đại dịch COVID-19, cộng với tình trạng “sợ sai, sợ trách nhiệm”, tâm lý “thủ thế an toàn” diễn ra ở một bộ phận cán bộ, khiến cho quá trình hiện thực 3.000 km đường cao tốc đã khó lại càng trở nên khó khăn hơn
- 11-06-2024Cầu vượt sông dài nhất cao tốc Bắc - Nam trước ngày thông xe
- 06-06-2024Tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn chậm
- 02-06-2024Phấn đấu thông xe 3 dự án cao tốc Bắc-Nam vào dịp 30/4/2025
Người mới, “đòn bẩy” mới
Giai đoạn 2021 - 2022, ngành GTVT đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động của đại dịch COVID-19, cùng với sự đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như biến động về giá nguyên vật liệu… Tháng 10/2022, trên cơ sở nguyện vọng cá nhân và được sự đồng ý của Bộ Chính trị, ông Nguyễn Văn Thể rời “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ GTVT để giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Thay vào vị trí của ông Thể là ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên.
Thừa hưởng những thành quả mà người tiền nhiệm để lại, nhất trong việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược, cũng như công tác chuẩn bị đầu tư, tân Bộ trưởng Bộ GTVT tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩ.y hoàn thành các dự án đường bộ cao tốc đang triển khai. Tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” được lãnh đạo Bộ GTVT liên tục quán triệt đến với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Vì thế, dù nhân sự ở một số vị trí “nóng” có biến động, song về tổng thể công việc không bị đình trệ, mà còn tạo ra cách làm mới, không khí mới.
Là đơn vị thực nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng, ở thời điểm đó, Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long (Bộ GTVT) đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư đối với 3 dự án cao tốc quan trọng. Vậy nhưng, khi các dự án trên đang cần vai trò “tư lệnh” nhằm đưa ra giải pháp hoặc “bấm nút” trước các đề xuất thúc đẩy tiến độ, thì đột nhiên tháng 12/2022, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long xin nghỉ hưu trước tuổi (?). Sau đó vào tháng 3/2023, Bộ GTVT đã phải phân công ông Đinh Công Minh đảm nhận vị trí “ghế nóng”.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhất là cơn “bão giá”, thiếu vật liệu san lấp, dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 có nguy cơ vỡ tiến độ thông xe. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, ông Minh đã cùng với các đơn vị, nhà thầu, tư vấn giám sát từng bước tháo gỡ các khó khăn, với chủ trương “chỉ bàn làm , không bàn lui”. Về vật liệu san lấp, ông Minh cho biết, đây được xem là khâu khó khăn nhất, vì khi thiết kế và triển khai dự án, cơ quan chức năng và chủ đầu tư đã có khảo sát, tính toán khối lượng đất cần đắp và trữ lượng cung cấp cho dự án. Tuy nhiên khi thực hiện thi công thì xảy ra tình trạng mỏ đất có, mỏ cát có nhưng không thể khai thác được. Sở dĩ có chuyện này, vì các địa phương thường cấp phép khai thác đất, cát làm vật liệu xây dựng theo “quota” được HĐND tỉnh thành phê duyệt từng năm, quá hạn mức là phải dừng khai thác.
Tại phiên họp thứ 11 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” của các cấp, ngành. Thủ tướng mong muốn các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần tích cực, chủ động, vào cuộc kịp thời; các nhà thầu, tư vấn, nhà thầu giám sát, nhà thầu thi công phát huy tinh thần vì nước, vì dân; nhân dân, doanh nghiệp cùng vào cuộc để ít nhất là đảm bảo tiến độ và phấn đấu vượt tiến độ các dự án từ 3 đến 6 tháng.
Từ thực tế này, Ban QLDA Thăng Long đã báo cáo với Bộ GTVT và lãnh đạo các tỉnh, thành để tham mưu, đề xuất với Chính phủ phương án tháo gỡ. Sau đó cả Chính phủ và liên Bộ GTVT - Xây dựng - TN&MT đã họp và có các văn bản “nóng” gửi UBND tỉnh Thanh Hóa (địa phương thi công dự án) để cấp phép khai thác các mỏ đất, mỏ cát theo cơ chế đặc thù, tức là khai thác theo khối lượng dự án cần chứ không theo “quota” cấp hằng năm. Theo ông Minh, quyết định quan trọng này đã khai thông vướng mắc, giúp dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 về đích vào tháng 4/2023.
Quyết liệt
Để hiện thực mục tiêu, đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000 km đường bộ cao tốc, tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư khoảng 729 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công), với nhiều cơ chế, đặc thù được áp dụng. Tuy nhiên, quá triển khai dự án giai đoạn đầu cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết định thành lập và trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để thúc đẩy tiến độ, cũng như siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Trong các cuộc họp, Thủ tướng luôn nhấn mạnh tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án. Chỉ sau vài tháng thành lập, Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư đã giải quyết được một khối lượng công việc lớn, từ khâu chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật và dự toán, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng. Tháng 1/2023, 12 dự án thành phần xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đồng loạt khởi công xây dựng, mở ra một bước tiến mới trong việc thực hiện các dự án.
Trên “dám”, dưới cũng “dám” theo
Theo thiết kế, cao tốc Mai Sơn - QL45 có 7 nút giao, tuy nhiên giai đoạn phân kỳ đầu tư 2017 - 2020 (giai đoạn 1) dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 chỉ có 5 nút giao được thực hiện. 2 nút giao còn lại là Thiệu Giang (tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) và nút giao Đồng Thắng (tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) sẽ được xây dựng khi cao tốc được đầu tư, mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe (giai đoạn 2). Tuy nhiên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất, để phát huy hiệu quả khai thác của cao tốc, sau khi đoạn Mai Sơn - QL45 được thông xe, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đề xuất, sau đó đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận cho tỉnh thực hiện 2 nút giao Thiệu Giang, Đồng Thắng ngay trong giai đoạn 1.
Trao đổi với PV Tiền Phong , Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Liêm cho biết, hiện nút giao Đồng Thắng đã thi công xong và đưa vào sử dụng dịp 30/4/2024. Với nút giao Thiệu Giang, các đơn vị thi công đã hoàn thành việc xây lắp và đang lắp đặt các thiết bị chiếu sáng, đảm bảo giao thông để đưa vào sử dụng trong thời gian tới.
Với việc chủ động đầu tư hạ tầng kết nối với cao tốc này, lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong các địa phương trên cả nước có cao tốc Bắc Nam đi qua đã chủ động đề xuất đầu tư, hoàn thiện các nút giao theo quy hoạch ngay từ giai đoạn 1.
(Còn nữa)
Tiền phong