MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ bằng một câu nói, Chủ tịch FED khiến thị trường dịch chuyển

18-07-2017 - 19:48 PM | Tài chính quốc tế

Một thay đổi nhỏ trong cách bà Yellen miêu tả lạm phát đã giúp thị trường chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới...

Chỉ bằng một câu nói, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen đã có thể khiến các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall, và thậm chí ở các thị trường khác trên thế giới biến động mạnh.

Theo trang Business Insider, trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần trước, bà Yellen thể hiện sự lo ngại gia tăng về lạm phát thấp và đi xuống của Mỹ. Sự lo ngại này của bà đã giúp đưa thị trường chứng khoán Mỹ lập những kỷ lục mới.

Qua hai ngày bà Yellen điều trần, Phố Wall đã nhận thấy đủ sự lo ngại rằng lạm phát khó có thể sớm đạt được mục tiêu 2% mà FED đề ra. Điều này đồng nghĩa với việc FED sẽ phải giãn tiến độ tăng lãi suất. Tâm trạng của giới đầu tư ở Phố Wall nhờ đó trở nên phấn khích.

Không khác những tuyên bố khác mà bà Yellen đưa ra trong thời gian gần đây, bà nói với các nghị sỹ Mỹ rằng bà kỳ vọng mức lạm phát thấp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ là tạm thời. “Những gì đang diễn ra có vẻ chỉ là những nhân tố tạm thời”, bà nói. “Còn quá sớm để đi đến đánh giá rằng chúng ta không đạt được mức lạm phát 2% trong 2 năm tới”.

Tuy nhiên, điều quan trọng đối với thị trường là việc bà Yellen nói rằng, “đó là điều mà chúng tôi đang theo dõi rất chặt chẽ, xét đến những rủi ro xung quanh triển vọng lạm phát”.

Ông Thomas Simons, một nhà kinh tế học thuộc Jefferies, cho rằng chỉ một câu nói thay đổi trong miêu tả lạm phát của bà Chủ tịch FED đã nói lên rất nhiều điều về việc ngân hàng trung ương này có thể sẽ tạm ngừng việc tăng lãi suất trong một thời gian.

Sau khoảng một thập kỷ không tăng lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trong và sau khủng hoảng tài chính, FED bắt đầu tăng lãi suất đồng USD trở lại vào tháng 12/2015. Sau lần tăng gần nhất vào tháng 6 vừa qua, lãi suất cơ bản của đồng bạc xanh đã được nâng lên khoảng 1-1,25%.

“Phát biểu của bà Yellen trước quốc hội Mỹ trong tuần trước mềm mỏng hơn nhiều về vấn đề lạm phát và bình thường hóa lãi suất nếu so với những gì bà ấy nói trong cuộc họp báo hôm 14/6 và trong báo cáo về chính sách tiền tệ được công bố vài ngày trước cuộc điều trần”, ông Simons nói.

“Sự thay đổi trong cách mà bà ấy miêu tả lạm phát… là một tín hiệu cho thấy bức tranh lạm phát đã chuyển từ một mối phiền toái thành một nguồn lo ngại khiến FED khó đi đến một sự đồng thuận chi tiết cho quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ”, ông Simons phát biểu.

Theo số liệu thống kê được công bố cách đây ít hôm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đi ngang trong tháng 6 nếu so với tháng 5, nhưng mức lạm phát trong vòng 1 năm tính đến tháng 6 chỉ đạt 1,6%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà FED đề ra. Chỉ số chi tiêu dùng cá nhân, thước đo lạm phát mà FED yêu thích hơn, thậm chí giảm còn 1,4%, thấp nhất trong 6 tháng.

“Sự kết hợp giữa phát biểu của bà Yellen và dữ liệu CPI ảm đạm khiến chúng tôi loại bỏ kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất trong tháng 9”, ông Simons cho biết. “Khả năng FED tăng lãi suất trong tháng 12 vẫn còn, nhưng cũng tùy thuộc vào sự ổn định của bức tranh lạm phát”.

Chủ tịch FED tại Dallas, ông Robert Kaplan, có vẻ như đang ngày càng đồng quan điểm với Chủ tịch FED tại Minneapolis, ông Neel Kashkari - người đã bỏ phiếu chống trong hai lần FED nâng lãi suất từ đầu năm đến nay. Ông Kashkari muốn chờ cho tới khi có thêm những bằng chứng về lạm phát tăng và tăng trưởng tiền lương đi lên mới tăng lãi suất.

Mới đây, ông Kaplan nói rằng triển vọng lạm phát hiện nay khiến ông không muốn tiếp tục tăng lãi suất. “Tôi muốn chờ đến khi có bằng chững rõ hơn về việc lạm phát đang tiến về mốc mục tiêu 2% trong trung hạn”, ông Kaplan nói trong một bài viết hôm thứ Năm tuần trước. “Việc thắt chặt chính sách nên được diễn ra với tốc độ từ tốn và kiên nhẫn”.

Trái với sự tăng điểm của Phố Wall, đồng USD đã liên tục giảm giá kể từ phiên điều trần của bà Yellen. Sáng 18/7, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống 94,773 điểm, gần mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016.

Ngoài triển vọng lãi suất, đồng USD còn đang chịu sức ép giảm giá từ những thách thức mà chính quyền Tổng thống Donald Trump phải đối mặt. Những thách thức này bao gồm tỷ lệ ủng hộ ông Trump suy giảm, những nghi vấn về quan hệ của ông Trump với Nga, việc ông gặp khó trong việc thúc đẩy một dự luật thay thế đạo luật y tế Obamacare…

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên