Chỉ cách TP. Huế 15km, "viên ngọc" vùng sông nước này có một thứ ngon bậc nhất Việt Nam
"Viên ngọc" của xứ Huế này còn đang nắm giữ kỷ lục của Đông Nam Á.
- 10-03-2024Tỷ phú Bill Gates: Tắt điện thoại sau 8 giờ tối, cuộc sống còn nhiều điều hơn là công việc
- 10-03-2024Hoa hậu Việt ở nhà dát vàng, lấy chồng giáo sư kể chuyện bị mẹ chồng "soi" học vấn khiến ai nấy "toát mồ hôi"
- 10-03-2024Lễ cưới diễn viên Kim Oanh: Nhã Phương - Lê Giang và dàn sao đổ bộ, cô dâu diện váy cưới 600 triệu
"Viên ngọc" của xứ Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế có một "viên ngọc" quý, nó không chỉ có cảnh đẹp trời cho còn mang lại cá tôm nuôi sống bao người dân sinh sống tại nơi đây. Đó chính là phá Tam Giang. Phá Tam Giang là một hệ đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á. Phá Tam Giang trải dài trên địa phận các huyện là Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 15km.
Theo sách Địa chí Thừa Thiên Huế: Vùng đầm phá Tam Giang dài 68km, rộng 216km2, phân chia thành ba khu vực. Riêng Phá Tam Giang từ cửa sông Ô Lâu đến cầu Thuận An dài 25km, rộng 52km2. Đầm Thủy Tú nối tiếp từ cầu Thuận An đến cồn Trai, dài 33km, rộng 60km2 (gồm cả đầm An Truyền, Thanh Lam, Hà Trung và Thủy Tú).
Phá Tam Giang có độ sâu từ 2m đến 4m, có nơi sâu tới 7m, là nơi hội tụ của 3 con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển qua cửa Thuận An.
Tên gọi Phá Tam Giang có ý nghĩa gì?
Từ trước tới nay có khá nhiều cách giải thích về tên gọi Tam Giang. Trong đó, nhiều người cho rằng do ba con sông lớn trên địa phận Thừa Thiên Huế đổ vào là sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu.
Sách Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức viết về phá Tam Giang: "Từ hạ lưu sông Lương Điền chảy xuống phá, về phía Tây Nam có dòng nước đổ vào một là cửa sông Tả, một là cửa sông Trung, một là cửa sông Hữu, mỗi dòng đều chảy những 2, 3 dặm mà vào nên gọi là "Phá Tam Giang". Lại chảy về phía Đông Nam 25 dặm, mà hợp với sông Hương để ra cửa Thuận An. Nước sông sâu rộng, thường có sóng gió bất trắc, thuyền đi nên đề phòng".
Phá Tam Giang từng có nhiều tên gọi như Hạc Hải hay Thiển Hải, tức biển cạn. Đầu triều Minh Mạng, năm 1821 vua từng đặt tên phá là Tam Giang Hải Nhi và Hà Trung Hải Nhi.
Khái niệm "phá", theo Từ điển tiếng Việt 1997 (Hoàng Phê chủ biên) là: "Vùng nước mặn có dải đất, cát ngăn cách với biển, thông ra cửa biển bởi một dòng nước hẹp". Cách giải thích này thiếu chính xác với phá Tam Giang, vì đây là vùng nước lợ. Trong khi nhiều thủy vực đúng nội hàm trên người ta lại gọi là đầm.
Trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS Tôn Thất Pháp, với sự nghiệp gần như gắn liền với việc nghiên cứu sinh học vùng đầm phá, nói rất tâm đắc với điều người xưa dùng chữ "phá" đặt cho vùng nước lợ như Tam Giang, phân biệt rõ với biển và đầm...
Phá Tam Giang đáng sợ thế nào?
Trong ca dao xưa ở Thừa Thiên - Huế có câu:
Thương anh, em cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang
Trong qua khứ, một số lý giải về ấn tượng "Sợ phá Tam giang" vì cho rằng "nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn" (Ðại Nam Nhất Thống Chí - trang 153) và đưa vào một số dẫn chứng về bài ca "Cửa biển Tư Hiền" với 3 ngọn sóng thần thường đánh đắm thuyền bè. Truyện kể Thái Tông hoàng đế từng đến đây chơi, trông thấy sóng yêu làm hại thuyền, nổi giận sai đem đại bác ra bắn, trúng được 2 ngọn sóng máu phun ra đỏ cả dòng nước, còn một sóng chạy ra biển cả trốn mất; từ đấy thuyền bè đi lại không lo gì nữa, đến nay người ta còn ca tụng. (Đại nam nhất thống chí trang 147).
Tương truyền, phá Tam Giang là nơi lòng sâu nước cả, thậm chí xuất hiện sóng thần nên thuyền bè qua đây thường gặp nạn. Thời xưa, nơi này khiến người ta đau đáu sợ cướp, sợ giết và sợ cả tình duyên cách trở:
"Phá Tam Giang chắn ngay nẻo nhớ
Truông nhà Hồ làm khổ lòng nhau".
"Viên ngọc" có nguồn thuỷ hải sản ngon nhất nhì Việt Nam
Phá Tam Giang không chỉ nổi tiếng với những truyền thuyết mà còn được mệnh danh là viên ngọc sinh thái với hệ động thực vật phong phú và đa dạng.
Các chuyên gia quốc tế nhận xét phá Tam Giang là "một viên ngọc sinh học quý giá". Thủy vực này là một hệ đệm giữa biển và lục địa, có vai trò cực kỳ quan trọng đối với cân bằng tự nhiên và sinh thái ven bờ, ảnh hưởng và tác động đến vi khí hậu khu vực cùng nhiều mặt quan trọng khác, gồm cả lưu giữ và cung cấp thức ăn lẫn nguồn giống tôm cá cho biển lẫn các loài chim...
Trên Thông tấn xã Việt Nam, theo số liệu do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thông báo thì: 'Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là nơi giàu tài nguyên động, thực vật, được đánh giá là phong phú nhất ở khu vực Đông Nam Á. Số liệu điều tra gần đây cho thấy, có tới 230 loài cá, 63 loài động vật đáy, 43 loài rong, 70 loại chim, 15 loại cò biển, 171 loài phù du thực vật, 37 loại phù du động vật; trong đó có 30 loại cá có giá trị kinh tế, chiếm 70% lượng khai thác hàng năm; có 34 loài chim di cư và 36 loại chim bản địa; chim nước thì tập trung ở các vùng cửa sông Ô Lâu, Đại Giang (thuộc hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai)".Theo nhà nghiên cứu Bảo Đàn trên Báo Thừa Thiên Huế, khu vực đầm phá là địa bàn cư trú của nhiều loài cá đặc thù, các loài rong tảo thủy sinh đa dạng và giữa chúng luôn có sự thay đổi, điền thế theo mùa, trong một chu kỳ với sự tăng giảm độ mặn ngọt của nguồn nước. Chính hệ sinh thái đa dạng này là nền tảng cho nguồn thực phẩm và ẩm thực phong phú. Khu vực đầm phá cũng chính là không gian của nhiều hệ món ăn riêng, mang bản sắc vùng miền.
Văn hóa ẩm thực đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa, bún bò, cháo cá dìa, trìa phá Tam giang và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tôm vùng nước lợ thì không có nơi nào phong phú hơn ở vùng đầm phá Tam Giang, ngay cả chim nước như le le, vịt nước hay các loài lưỡng thê cũng vậy.
Lập kỷ lục đầm phá ven biển nhất Đông Nam Á
Với khoảng 22.000 ha diện tích mặt nước, Tam Giang nằm trong hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được mệnh danh là hệ sinh thái đầm phá ven biển lớn nhất Đông Nam Á. Đây chính là vùng điều hòa khí hậu giữa 2 vùng cát, điều tiết lũ lụt và hạn chế nguy cơ ngập úng cho vùng đồng bằng.
Nếu xưa kia người ta e ngại một vùng Tam Giang hiểm trở, muốn đến thăm mà lại sợ, thì nay phá Tam Giang đã trở thành địa điểm du lịch lý tưởng của biết bao người. Nếu đến Huế mà không ghé phá Tam Giang một lần hẳn là nuối tiếc lắm.
Tổng hợp
Đời sống Pháp luật