MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ còn 1 tháng là hết năm 2021, nhìn lại toàn cảnh tăng trưởng ASEAN-6

Chỉ còn 1 tháng là hết năm 2021, nhìn lại toàn cảnh tăng trưởng ASEAN-6

Trong quý 3/2021, cả 6 nền kinh tế hàng đầu ASEAN đều chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn nhiều so với quý 2.

Tăng trưởng quý 3

Chỉ còn 1 tháng là hết năm 2021, nhìn lại toàn cảnh tăng trưởng ASEAN-6 - Ảnh 1.

Việt Nam

Quý 2/2021, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,6%. Con số tăng trưởng này của Việt Nam thấp hơn tương đối với các nước, nhưng dựa trên mức nền quý 2/2020 vẫn tăng trưởng dương 0,4%. Song trong quý 3, dưới tác động của làn sóng Covid-19 thứ tư, GDP giảm tới 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Malaysia

Quốc gia thứ hai chứng kiến mức tăng trưởng âm trong khu vực là Malaysia. GDP Malaysia giảm 4,5% trong quý 3/2021, phần lớn là do tác động các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đặc biệt là vào tháng 7, trong Giai đoạn 1 của Kế hoạch Phục hồi Quốc gia (NRP). 

Các thành phần kinh tế của Malaysia đều ghi nhận sự suy giảm. Lĩnh vực xây dựng giảm nhiều nhất do hạn chế về năng lực hoạt động. Về mặt chi tiêu, nhu cầu trong nước giảm tới 4,1% (quý 2/2021 tăng 12,4%), chủ yếu bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy yếu của hoạt động tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trong khi chi tiêu tiêu dùng của khu vực công vẫn đóng vai trò hỗ trợ tăng trưởng. 

Trước đó, ngày 13/8, Ngân hàng Trung ương Malaysia đã công bố, quý 2/2021, nền kinh tế quốc gia này đạt mức tăng trưởng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Quý 2/2020, GDP Malaysia ghi nhận sự suy giảm mạnh ở mức 17,1%. 

Thái Lan

GDP Thái Lan giảm 0,3% trong quý 3, mức giảm nhẹ hơn so với mức dự báo -0,8%. Gareth Leather, nhà kinh tế cấp cao khu vực châu Á tại Capital Economics, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng GDP sẽ phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối cùng, khi các ca Covid-19 giảm xuống, các hạn chế đang được dỡ bỏ và việc triển khai vaccine đang đạt được đà tăng trưởng".

Quý 2/2021, GDP Thái Lan tăng 7,5%, lần tăng đầu tiên sau 6 quý, Cơ quan Kế hoạch Kinh tế Thái Lan cho biết. Nền kinh tế Thái Lan đã tăng trưởng âm 2,6% trong quý 1 so với cùng kỳ. Tăng trưởng quý 2 phần lớn là do phục hồi từ việc sụt giảm mạnh trong năm trước.

Indonesia

Tăng trưởng kinh tế Indonesia chậm hơn dự kiến ​​trong quý 3, cũng do các hạn chế nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19. Dữ liệu của Thống kê Indonesia cho thấy, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tăng trưởng 3,51% trong quý 3.

Trước đó, với GDP tăng 7,1% trong quý 2, Indonesia đã thoát khỏi suy thoái và đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 17 năm. Cơ quan thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng cao này cũng đến từ cơ sở thấp vào quý 2 năm ngoái do đại dịch.

Singapore

Trong quý 3/2021, nền kinh tế Singapore tăng trưởng 7,1% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP trong ba quý đầu năm 2021 của Singapore đạt 7,7%. 

Trước đó, GDP Singapore đã tăng trưởng tới 15,2% so với cùng kỳ trong quý 2/2021. Đây là mức tăng cao nhất kể từ quý 2/2010. Khi được công bố, con số này không gây quá nhiều bất ngờ, do quý 2/2020, GDP Singapore tăng trưởng âm 13,3% so với cùng kỳ 2019 vì đóng cửa nền kinh tế hàng tháng, hầu hết các cơ sở làm việc đều đóng cửa.

Philippines

GDP của Philippines tăng với tốc độ 7,1% trong quý 3. Con số này thấp hơn quý 2 do sự lan rộng của biến thể Covid-19 Delta, buộc chính phủ phải thực hiện lại các biện pháp phong tỏa chặt hơn. Tuy nhiên, mức tăng này cũng vượt quá mong đợi của các nhà phân tích, những người từng kỳ vọng tăng trưởng GDP quý 3 của quốc gia này chỉ dưới 4%.

Tốc độ tăng trưởng quý 2 đạt 12% ở Philippines, đánh dấu sự kết thúc của cuộc suy thoái kéo dài 15 tháng do đại dịch gây ra. 

Dự báo năm 2021

Theo dự báo trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (World Economic Outlook) mới cập nhật ngày đầu tháng 10 của IMF, nhiều khả năng trong năm 2021, Việt Nam sẽ đứng thứ 6 Đông Nam Á về quy mô kinh tế, với mức tăng trưởng 3,8%, đạt 353,77 tỷ USD. Trong khi đó, Malaysia sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực với mức tăng trưởng 6,5% và đạt 358,19 tỷ USD.

Còn theo dự báo mới nhất của ADB, Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ 5. Trong khi Singapore giành lại vị trí thứ 4 về quy mô kinh tế với mức tăng trưởng 6,5%, đạt 359,38 tỷ USD. Malaysia được ADB dự báo mức tăng trưởng 4,7%, thấp hơn so với mức dự báo 6,5% của IMF. Nên theo ADB, vị trí của Malaysia về GDP vẫn chưa được cải thiện trong năm nay.  

Mức dự báo của World Bank cho tăng trưởng kinh tế của Malaysia thấp hơn thấp hơn hẳn so với IMF và ADB với 3,3%. Đồng thời, tổ chức này cũng lạc quan hơn so với IMF và ADB về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, khiến thứ hạng giữa các nền kinh tế không có sự thay đổi so với năm 2020.

Hoàng Hà

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên