MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ còn 2 tuần nữa lệnh cấm sẽ có hiệu lực, Nga đã mất tới 90% thị trường dầu thô quan trọng này

22-11-2022 - 13:54 PM | Thị trường

Chỉ còn 2 tuần nữa lệnh cấm sẽ có hiệu lực, Nga đã mất tới 90% thị trường dầu thô quan trọng này

Lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga sẽ có hiệu lực vào tháng tới, trong khi lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2022. Tương lai đánh mất hoàn toàn thị trường châu Âu của Nga đang ngày càng tới gần.

Hai tuần nữa là các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu có hiệu lực, Nga đã mất hơn 90% thị trường tại các quốc gia phía bắc của EU. Trước đây, các nước này là trụ cột của các chuyến hàng từ những bến cảng Baltic và Bắc Cực.

Nga hiện chỉ vận chuyển 95.000 thùng mỗi ngày đến Rotterdam trong bốn tuần tính đến ngày 18/11. Đây là điểm đến duy nhất còn lại ở châu Âu để giao hàng bằng đường biển bên ngoài lưu vực Địa Trung Hải/Biển Đen. Con số này giảm so với hơn 1,2 triệu thùng mỗi ngày được gửi đến các cảng của khu vực mỗi ngày vào đầu tháng 2. Các quốc gia như Litva, Pháp và Đức đã ngừng nhập khẩu như vậy vài tháng trước, trong khi Ba Lan dừng lại vào tháng 9.

Ba phần tư lượng dầu thô tại các cảng Baltic của Nga hiện đang hướng đến châu Á. Trong đó, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ cố gắng chớp lấy thời cơ mua dầu Nga để tận dụng thời gian giới hạn do Mỹ và Anh đưa ra và dự kiến sẽ được EU thông qua.

Điều đó sẽ miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với các hàng hóa được chất lên trước khi lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 5/12, miễn là chúng được giao trước ngày 19/1. Các quốc gia G7 dự kiến ​​sẽ sớm công bố áp giá trần đối với các lô hàng dầu thô của Nga. Hàng hóa được mua với giá trên mức đó sẽ mất khả năng tiếp cận với các tàu, bảo hiểm và các dịch vụ khác của Châu Âu và Vương quốc Anh.

Châu Á

Việc chuyển hướng xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Á đang làm thay đổi dòng chảy thương mại và mang lại một luồng sinh khí mới cho các tàu chở dầu cũ kỹ mà lẽ ra có thể đang hướng đến phế liệu.

Các chuyến hàng đến những khách hàng châu Á, cộng với những chuyến hàng trên các con tàu không có điểm đến cuối cùng, thường kết thúc ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, đã tăng tuần thứ tư trong bảy ngày tính đến ngày 18/11.

Khối lượng dầu thô đến châu Á đạt 2,1 triệu thùng/ngày trên cơ sở trung bình luân phiên trong bốn tuần, với thêm 75.000 thùng/ngày đối với các tàu chở dầu có điểm dỡ hàng không rõ ràng. Tổng cộng con số này đã thiết lập một mức cao mới trong năm cho đến nay.

Tất cả các tàu chở dầu thô đến các điểm đến không xác định ở châu Á đều đang báo hiệu là Cảng Port Said hoặc Kênh đào Suez, với các điểm dỡ hàng cuối cùng khó có thể rõ ràng cho đến khi chúng đi qua đường thủy vào khu vực Biển Đỏ. Hầu hết những con tàu đó kết thúc ở Ấn Độ, một số hướng đến Trung Quốc và đôi khi tàu đến các điểm đến khác như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hoặc Sri Lanka.

Chỉ còn 2 tuần nữa lệnh cấm sẽ có hiệu lực, Nga đã mất tới 90% thị trường dầu thô quan trọng này - Ảnh 1.

Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những người mua tích cực nhất dầu Nga.

Châu Âu

Xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga sang các nước châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm cho đến nay, trung bình 569.000 thùng/ngày trong 28 ngày tính đến ngày 18/11. Lưu lượng đã giảm 131.000 thùng/ngày, tương đương 19%, từ giai đoạn này đến 11/11. Những con số này không bao gồm các chuyến hàng đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Chỉ còn 2 tuần nữa lệnh cấm sẽ có hiệu lực, Nga đã mất tới 90% thị trường dầu thô quan trọng này - Ảnh 2.

Các chuyến hàng vận chuyển dầu Nga sang châu Âu giảm mạnh trong tháng 11.

Khối lượng vận chuyển từ Nga đến các nước Bắc Âu đã giảm xuống mức thấp mới, với Rotterdam là điểm đến duy nhất để giao hàng đến khu vực này. Lưu lượng đến đây giảm từ hơn 1,2 triệu thùng/ngày xuống còn 95.000 thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 18/11.

Xuất khẩu sang các nước Địa Trung Hải trung bình giảm xuống còn 631.000 thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 18/11, giảm từ mức 693.000 thùng/ngày trong cùng kỳ tính đến ngày 11/11.

Các chuyến hàng đến Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức trên 300.000 thùng/ngày trong tuần thứ sáu. Con số này cao gấp ba lần so với khối lượng thường thấy trước khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra và quốc gia này dự kiến ​​sẽ vẫn là điểm đến quan trọng đối với dầu thô của Nga sau khi lệnh trừng phạt của EU có hiệu lực vào 5/12.

Dòng chảy kết hợp đến Bulgaria và Romania không thay đổi ở mức 146.000 thùng/ngày, chưa bằng một nửa khối lượng cao nhất được thấy vào tháng 6. Hầu như toàn bộ khối lượng hàng hóa hướng đến các khách hàng ở Biển Đen đều kết thúc ở Bulgari. Quốc gia này được miễn trừ một phần khỏi lệnh cấm của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga. Như vậy, điều này sẽ hỗ trợ doanh thu Nga sau khi lệnh cấm dòng chảy vào các nước EU khác có hiệu lực.

Doanh thu xuất khẩu

Dòng tiền đổ vào ngân quỹ của Điện Kremlin từ thuế xuất khẩu dầu thô đã giảm 9 triệu USD xuống còn 109 triệu USD trong bảy ngày tính đến 18/11. Thu nhập trung bình trong bốn tuần cũng giảm xuống, giảm 3 triệu USD còn 127 triệu USD. Mức trung bình trong bốn tuần là thấp nhất kể từ hồi tháng 2.

Chỉ còn 2 tuần nữa lệnh cấm sẽ có hiệu lực, Nga đã mất tới 90% thị trường dầu thô quan trọng này - Ảnh 3.

Doanh thu ghi nhận mức giảm dù có nhiều người mua đẩy mạnh tích trữ dầu trước khi lệnh cấm có hiệu lực.

Lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga sẽ có hiệu lực vào tháng tới, trong khi lệnh cấm đối với tất cả các sản phẩm dầu mỏ sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2022. Giới phân tích cảnh báo rằng EU sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn dầu thay thế, đặc biệt là diesel vì mặt hàng đang trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn, trong khi sản xuất dầu diesel nội địa của châu Âu không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của khu vực này.

“EU sẽ phải đảm bảo khoảng 500.000 đến 600.000 thùng dầu diesel mỗi ngày để thay thế nguồn của Nga. Các nguồn thay thế sẽ đến từ Mỹ cũng như phía Đông Suez, chủ yếu là Trung Đông và Ấn Độ”, nhà phân tích thị trường Eugene Lindell tại công ty tư vấn năng lượng FGE cho hay.

Tham khảo: Bloomberg

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên