Chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận
Cơ hội phá bỏ những rào cản lớn nhất cho dự án "cao tốc rùa" Trung Lương – Mỹ Thuận đã đến gần hơn bao giờ hết, sau khi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp ngày 18/2/2019.
Sau rất nhiều chỉ đạo quyết liệt, kể cả "tối hậu thư" của lãnh đạo Chính phủ về thời hạn không thể lùi: Thông tuyến vào năm 2020, ngày 18/2/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục triệu tập cuộc họp nóng bàn về việc tháo gỡ nhiều vướng mắc cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp thị sát hiện trường dự án tới 2 lần để yêu cầu thúc đẩy tiến độ. Tại hiện trường dự án, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã khẳng định: "Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định việc đầu tư tuyến đường này là yêu cầu cấp thiết".
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi thị sát hiện trường Dự án. Ảnh PLO
Cuộc họp triệu tập lãnh đạo tất cả các bộ ngành có trách nhiệm trực tiếp hoặc có cai trò thúc đẩy tiến độ dự án: Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, lãnh đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng nhà nước, UBND tỉnh Tiền Giang, đại diện Bộ Tư Pháp, Tài Chính, Xây dựng, nhà đầu tư.
Tại cuộc họp, Bộ Trưởng CNVP Chính Phủ Mai Tiến Dũng đã nêu rõ một số đề xuất của Bộ GTVT là thiếu tích cực đối với việc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kết luận: Dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với TP. HCM và các khu vực trọng điểm phía Nam…
Tuy nhiên dự án đang bị chậm tiến độ so với yêu cầu đề ra: Khởi công từ 2009 nhưng sau 10 năm (đến 2019) mới đạt 15,8% khối lượng công việc). Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn, do thay đổi cơ chế chính sách pháp luật liên quan, do năng lực của nhà đầu tư dự án.
Để có thể thực hiện lời hứa thông xe kỹ thuật vào năm 2020 trước QH và nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông, UBND Tiền Giang, nhà đầu tư và các cơ quan liên quan phải có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ những vấn đề rất quan trọng:
Một, làm rõ nguyên nhân của việc chậm trễ tiến độ dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị có liên quan.
Hai, đề nghị tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Đồng bằng sông Cửu Long.
Ba, thống nhất với UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông về UBND tỉnh Tiền Giang.
Bốn, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về lãi xuất vay vốn cũng như các vướng mắc khác đối với dự án, rà soát xây dựng lại phương án tài chính theo quy định của pháp luật để tiếp tục đầu tư Dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn, Lãnh đạo Chính phủ còn yêu cầu xem xét nghiêm túc trách nhiệm các bên có liên quan khiến dự án chậm tiến độ nghiêm trọng, thậm chí có lúc rơi vào bế tắc, đe dọa đổ bể.
Và như vậy, tinh thần cuộc họp, một lần nữa đã kiên quyết nói không với những phương án, vì lý do nào đó muốn dừng dự án để làm dự án mới; nói không với tư duy muốn kéo dài việc thực hiện dự án thêm nhiều năm nữa, để vắt trách nhiệm nhưng người liên quan sang nhiệm kỳ mới.
Trí Thức trẻ