Chỉ đề nghị 'xóa' 12 nghìn tỷ nợ không còn khả năng thu hồi thuộc 7 nhóm
Tổng cục Thuế cho biết, trong số khoảng 30 nghìn tỷ đồng nợ thuế không còn khả năng thu hồi, chỉ đề nghị xóa 12 nghìn tỷ đồng tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn số nợ gốc không được xóa.
- 26-08-2019Xoá nợ thuế: Phải lập Hội đồng tư vấn và kiểm toán vì tiền không phải ít
- 24-08-2019Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng
- 22-08-2019Cục Thuế Hà Nội: Doanh nghiệp nợ thuế lên tới 1.547 tỷ đồng
Liên quan đến bài viết Xử lý doanh nghiệp nợ thuế: Nguy cơ mất trắng hơn 30 nghìn tỷ đồng đăng trên Tiền Phong, ngày 27/8, ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến và bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp cuối năm nay theo trình tự thủ tục rút gọn.
Dự thảo Nghị quyết (bản mới nhất) gồm 8 điều, quy định về xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực thi hành (1/7/2020).
Cụ thể, dự thảo đề xuất khoanh nợ và chỉ xóa tiền phạt chậm nộp, tiền nộp thuế đối với 7 nhóm đối tượng (người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gặp khó khăn bất khả kháng…).
Theo Tổng cục Thuế, tổng số nợ đọng của các nhóm đối tượng này đến nay khoảng 30 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ tiền thuế hơn 17.000 tỷ đồng, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp gần 12.000 tỷ đồng.
Tổng cục Thuế cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Trước hết, có 2.635 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, có 24.113 doanh nghiệp (DN) tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể DN theo quy định với số tiền thuế nợ là 2.072 tỷ đồng. Ngoài ra, có 216 DN mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền thuế nợ 398 tỷ đồng.
Đáng chú ý, có khoảng 731.696 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế; cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ là 23.889 tỷ đồng...
“Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp. Quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp cơ quan quản lý thuế đã tính và quản lý của các đối tượng nêu trên đến ngày 31/12/2018 gần 12.000 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi”, Tổng cục Thuế cho hay.
Như vậy, theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền nợ không có khả năng thu hồi sẽ được xóa khoảng 12.000 tỷ đồng. Đây là tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, còn số nợ gốc không được xóa.
“Các trường hợp đã được xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, nếu phát hiện việc xóa nợ không đúng quy định hoặc người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thì phải hủy quyết định xóa nợ và nộp vào ngân sách khoản nợ đã được xóa”, Tổng cục Thuế cho hay
Được biết, Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020 và được thực hiện trong thời hạn 3 năm kể từ ngày có hiệu lực.
Tiền phong