Chi gần 3 tỷ đô để trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter và đẩy cổ phiếu tăng 27% trong 1 phiên, Elon Musk đang 'ủ mưu' gì?
Thông báo mới này đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của Musk với Twitter là gì. Sau khi nắm giữ cổ phần của công ty này, ông chia sẻ "đang suy nghĩ nghiêm túc" về việc thành lập một nền tảng truyền thông xã hội của riêng mình.
- 04-04-2022'Người thành công thường có lối đi riêng': Nhà đầu tư này 'all in' dù người khác đang tháo chạy khỏi Nga, mạo hiểm liệu có được 'trái ngọt'?
- 04-04-2022Vốn hóa 'bốc hơi' hơn 70 tỷ đô dù từng được coi là 'next big thing' của giới công nghệ, chuyện gì đang xảy ra với Grab và Sea?
Mới đây, Elon Musk thông báo đã mua 9% cổ phần trong Twitter. Theo đó, vị tỷ phú đang là cổ đông lớn nhất của công ty truyền thông xã hội này.
Động thái đầy bất ngờ đã giúp cổ phiếu Twitter tăng tới 27% trong phiên 4/4, mức tăng trong 1 ngày lớn nhất từng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn chưa ai hiểu mục đích thực sự của Musk khi thực hiện khoản đầu tư này là gì. Trước đây, vị CEO của Tesla đã thu hút sự chú ý từ hơn 80 triệu người theo dõi với nhiều tuyên bố gây sốc và thậm chí còn chỉ trích mạng xã hội này.
Trong hồ sơ chứng khoán công bố hôm 4/4, Musk báo cáo ông sở hữu gần 73,5 triệu cổ phiếu Twitter tính đến ngày 14/3, tương đương số cổ phần trị giá 2,9 tỷ USD (tính theo giá đóng cửa phiên thứ Sáu). Theo đó, ông đang nắm giữ số cổ phần còn lớn hơn của Jack Dorsey - nhà sáng lập của Twitter, và các quỹ đầu tư lớn như Vanguard.
Sự xuất hiện của Musk với tư cách là một cổ đông mới đã tạo cú sốc mới cho một nền tảng mạng xã hội vốn đã phải chật vật để tăng trưởng. Vị doanh nhân này đầu tư mà không ngại với những vấn đề về giá trị của Twitter. Trong những tuần gần đây, ông đã công khai quan điểm của mình về quyền tự do ngôn luận và cho biết đang cân nhắc thành lập một mạng xã hội riêng.
Ngoài ra, thông báo mới này cũng đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của Musk với Twitter là gì. Sau khi nắm giữ cổ phần của công ty này, ông chia sẻ "đang suy nghĩ nghiêm túc" về việc thành lập một nền tảng truyền thông xã hội nhưng không tiết lộ thêm chi tiết. Ông cũng không giải thích liệu mình sẽ điều hành Tesla, SpaceX và những nỗ lực khác cùng lúc như thế nào.
Hôm 25/3, 11 ngày sau khi trở thành cổ đông lớn nhất của Twitter, ông đã đăng tải một cuộc thăm dò ý kiến với nội dung: "Tự do ngôn luận là điều cần thiết cho nền dân chủ đang hoạt động. Bạn có tin rằng Twitter cần tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này hay không?" Ông nói thêm: "Kết quả của cuộc thăm dò này sẽ rất quan trọng. Hãy bình chọn cẩn thận." Sau đó, hơn 70% người trả lời ấn nút "Không".
Trước đây, Twitter đã từng gặp áp lực tương tự. Nhà đầu tư chủ động Elliott Management Corp. đã mua cổ phần của Twitter cách đây 2 năm, đề cử 4 giám đốc vào HĐQT và khuyến khích 1 người khác thay thế Dorsey. Trong khi đó, Musk lại tweet ủng hộ Dorsey với một emoji hình trái tim.
Twitter và Elliott sau đó đã đạt được một thoả thuận để giữ nguyên vị trí giám đốc cho Dorsey dù ông lại từ chức. Năm ngoái, Parag Agrawal - trước đây là CFO, đã trở thành CEO mới của Twitter.
Theo Washington Post, một số nhân viên và chuyên gia của Twitter lo ngại tầm ảnh hưởng của Musk có thể đẩy công ty vào tình trạng hỗn loạn sau nhiều năm các nhà đầu tư chủ động can thiệp vào hoạt động và Dorsey đột ngột rời đi. Twitter chuẩn bị chứng kiến thời điểm quan trọng vào giữa năm 2022 khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra. Khi đó, họ sẽ phải kiểm soát gắt gao các thông tin sai lệch liên quan, có thể ảnh hưởng đến hoạt động bầu cử.
Trong những năm gần đây, Facebook và Instagram của Meta, cùng Twitter đã đối mặt với những lời chỉ trích về cách họ xử lý nội dung trên nền tảng của mình. Một số người đã cáo buộc các công ty này không kiểm duyệt một số lời phát biểu, trong khi số khác cho rằng họ vẫn có hành động quyết liệt để kiểm duyệt nội dung độc hại.
Các chuyên gia về thông tin cho biết, một số người đang tìm cách tác động đến các chiến dịch chính trị hay các mục tiêu bất chính bằng cách thực hiện những "thủ đoạn" mới, tinh vi hơn. Họ có thể làm hỏng các nỗ lực của những nhà khai thác nền tảng nhằm ngăn chặn hành vi đó.
Theo WSJ, Musk đã và đang nhắm mục tiêu đến các phần mềm mà những nhà cung cấp nền tảng lớn sử dụng để hiển thị nội dung cho người dùng. Các thuật toán này thường khuyến khích người dùng dành nhiều thời gian hơn trên nền tảng và cho hiển thị nhiều quảng cáo hơn. Một số nhà lập pháp cho biết, những thuật toán đó có thể ảnh hưởng đến cách mọi người hình thành suy nghĩ và đưa ra quyết định trong thế giới thực.
Dan Ives - giám đốc điều hành của Wedbush Securities, cho biết cổ phần thụ động của Musk có thể chỉ là bước khởi đầu. Thay vì thành lập một mạng xã hội để cạnh tranh như một số người dự đoán, thì "dường như Musk đã để mắt đến Twitter". Ives ước tính, Musk sẽ trở thành nhà đầu tư chủ động với Twitter và còn đóng vai trò tích cực hơn.
Vị tỷ phú này hoạt động rất tích cực trên Twitter với hơn 17.300 dòng tweet. Theo Socialtracker, tài khoản của ông nhận được trung bình 125.180 lượt thích trên mỗi dòng tweet.
Tham khảo WSJ; WP