Chi gần 500 tỷ đồng chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh: Tiếp tục sai lầm?
Mới đây, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công với chiều dài toàn tuyến gần 3,2km để chống ngập với tổng kinh phí 472,9 tỷ đồng, song nhiều chuyên gia cho rằng, dự án này tiếp tục mắc sai lầm.
- 07-10-2019Rào đường để "cứu rốn ngập" Nguyễn Hữu Cảnh
- 25-08-2019Tháng 9 sẽ khởi công dự án đường Nguyễn Hữu Cảnh
- 13-06-2019Nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, “siêu máy bơm”…chưa biết về đâu
Nguyễn Hữu Cảnh được xem là con đường đau khổ nhất Sài Gòn khi lún, ngập suốt mười mấy năm qua. Tuyến đường được thi công từ năm 1997 và đưa vào khai thác năm 2002 với tổng vốn đầu tư gần 420 tỷ đồng. Theo kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định, năm 2004, độ lún lớn nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh là gần 60cm. Sang năm 2005, đường lún từ 70-80cm. Kết quả kiểm tra cho thấy có đoạn còn lún hơn 1m. Để giải quyết ngập lụt cho tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, TPHCM đã nhiều lần chi hàng chục tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp.
Ngày 5/10/2019, dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh được khởi công với chiều dài toàn tuyến gần 3,2km để chống ngập với tổng kinh phí 472,9 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (chủ đầu tư), dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh có chiều dài toàn tuyến gần 3,2km, sẽ nâng cấp, sửa chữa, cải tạo phần nền, mặt đường bị hư hỏng, trên cơ sở khôi phục cao độ thiết kế cũ từ năm 1997 để vừa đảm bảo chống ngập, đảm bảo giao thông và hài hòa các khu dân cư hai bên tuyến.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chống ngập không đồng thuận với phương án nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh. Theo TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC), dự án chia làm 2 phần, gồm đoạn đường từ giao lộ với đường Tôn Đức Thắng đến cầu Thủ Thiêm chỉ tổ chức tách bóc mặt đường, trải nhựa và chỉnh trang vỉa hè. Phần đường từ cầu Thủ Thiêm đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lún nặng phải xử lý nền đường và thay mới hệ thống thoát nước bị đứt gãy
. Nếu theo phương án này, sau khi dự án hoàn thành, sẽ có 63 hộ dân có nhà thấp hơn đường 15cm, 68 hộ dân có nhà thấp hơn mặt đường từ 30-50cm. Nếu dự án này được thực hiện, chắc chắn hàng trăm hộ dân sẽ chìm trong ngập lụt. “Chưa nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh dân đã khổ sở vì ngập lụt, nếu nâng cốt đường mà không có giải pháp thoát nước sẽ biến nhà thành hầm, nước từ các hẻm chảy ngược vào nhà dân gây ngập lụt nghiêm trọng”, ông Phi nói.
Trả lời Tiền Phong về vấn đề này, đại diện chủ đầu tư cho biết, đoạn đường từ hầm chui cầu Thủ Thiêm (đoạn phía trước tòa nhà The Manor) đến cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 500m sẽ nâng cao độ mặt đường lên từ 50 cm đến 1,2m, vì đây là đoạn bị lún nặng nhất. Các đoạn khác lún ít thì nâng đường thấp hơn. “Ban Quản lý dự án đã khảo sát, trao đổi ý kiến với người dân và chính quyền địa phương cũng đã chấp thuận việc nâng cao độ mặt đường ở những đoạn bị lún và ngập nước. Theo đó, phương án khắc phục là xây bậc tam cấp hoặc làm đường dốc để người dân đi lại dễ dàng”, đại diện chủ đầu tư nói.
TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM, đánh giá: “Các công trình chống ngập hiện nay của thành phố không có chiến lược rõ ràng, chưa đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý, mà phải xét theo từng lưu vực. Có một số khu vực nền đất bị lún so với các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy, vì vậy các dự án chống ngập có hiệu quả hay không trước tiên phải xem xét lại cấu trúc đường ống hệ thống đã đủ độ dốc chưa. Đồng thời cần chú trọng đến việc quản lý. Công ty Thoát nước môi trường đô thị phải có trách nhiệm khảo sát, kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hệ thống thoát nước, không nên đổ lỗi cho những hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây”.
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch đô thị, TPHCM cần xem lại từ việc quy hoạch dân cư đến kiểm tra kết cấu hạ tầng và phân cấp quản lý, bảo trì, sửa chữa. Việc khôi phục các không gian điều tiết nước mưa và lũ là điều cần phải thực hiện càng sớm càng tốt thông qua triển khai các giải pháp quy hoạch đô thị, giao thông, kiến trúc cần theo hướng giảm bớt dần tỷ lệ diện tích không thấm nước, tăng khả năng điều tiết tại chỗ.
"TPHCM làm đường nhưng lại không làm cống trước, đây là lỗi từ quy hoạch, từ quản lý đô thị. Bên cạnh đó, một số cống được xây dựng nhưng công tác bảo trì không được thực hiện thường xuyên, khiến tình trạng tồn ứ rác quá nhiều, nước không thoát được".
TS Phạm Sanh, Chuyên gia quy hoạch đô thị
Tiền Phong