Chỉ giao dịch một phiên mỗi tuần nhưng hàng loạt cổ phiếu “cọng hành” đã tăng bằng lần chỉ trong thời gian ngắn
Trên cả 3 sàn hiện có hàng loạt mã chứng khoán có thị giá “cọng hành” đã tăng mạnh từ đầu năm tới nay như NTB, CAD, ATA, SGO…
- 04-04-2017Cận kề nguy cơ phá sản và chỉ được giao dịch 1 phiên mỗi tuần nhưng cổ phiếu này đã tăng gấp đôi chỉ trong 1 tháng
- 11-02-2017Cổ phiếu ATA của Ntaco sẽ bị hạn chế giao dịch ngay từ ngày đầu lên UpCOM
- 22-12-2016SGO bị phạt 330 triệu đồng do tổ chức ĐHĐCĐ không minh bạch, CBTT chậm và không chính xác
Từ đầu năm tới nay, TTCK Việt Nam đã có những diễn biến hết sức sôi động với mức tăng 16% của chỉ số VnIndex. Đà tăng của thị trường không chỉ bó gọn trong một vài nhóm ngành, cổ phiếu Bluechips mà thậm chí ngay cả các cổ phiếu bị rơi vào diện hạn chế giao dịch và chỉ được giao dịch vào thứ 6 hàng tuần cũng thu hút dòng tiền khá tốt.
Trên cả 3 sàn, hiện có đến vài chục mã cổ phiếu đang ở diện hạn chế giao dịch. Nguyên nhân khiến các cổ phiếu kể trên chỉ được giao dịch một phiên mỗi tuần đến từ việc âm vốn chủ sở hữu, công bố thông tin không chính xác, vi phạm công bố thông tin, kiểm toán có ý kiến trái chiều…Với hàng loạt vấn đề phát sinh như vậy, hầu hết các cổ phiếu trong diện hạn chế giao dịch đều có mức giá “cọng hành” chưa tới 1.000 đồng.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư trên thị trường vẫn chấp nhận mạo hiểm đầu tư vào những cổ phiếu này và không ít cổ phiếu trong đó đã có mức tăng trưởng vượt trội, mang lại tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước.
Tiêu biểu là trường hợp NTB khi “bền bỉ” tăng mỗi phiên 100 đồng từ mức giá 300 đồng hồi đầu năm đến nay đã lên tới 1.200 đồng. Tương tự là trường hợp CAD, ATA khi thị giá hiện đang ở mức 1.000 đồng, tăng gần gấp đôi so với cách đây 1 tháng. Ngoài ra một số cổ phiếu “cọng hành” khác như GGG, HLA, SGO cũng có giao dịch khá tích cực. Trên một diễn đàn tài chính, topic về cổ phiếu các cổ phiếu này ngày càng thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Điều gì khiến các cổ phiếu “cọng hành” tăng mạnh?
Lý do đầu tiên là việc dòng tiền đổ vào TTCK trong nửa đầu năm 2017 khá dồi dào với hàng loạt những phiên giao dịch trên 5.000 tỷ đồng. Do đó, dòng tiền có xu hướng tìm đến mọi cổ phiếu trên thị trường, và nhóm cổ phiếu bị hạn chế giao dịch cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh đó, việc các cổ phiếu “cọng hành” tăng mạnh còn đến từ những kỳ vọng của giới đầu tư về việc doanh nghiệp sẽ có chuyển biến tích cực trong thời gian tới. Như trường hợp Năm Tám Bốn (NTB), sức nóng của cổ phiếu này gắn liền với kỳ vọng Sacombank được tái cấu trúc nợ. Kỳ vọng nằm ở chỗ, khối nợ xấu khổng lồ hơn 1.000 tỷ đồng của NTB tại Southernbank và giờ nằm ở Sacombank (sau vụ sáp nhập giữa 2 ngân hàng) có thể được xử lý theo hướng tích hơn, giúp giảm áp lực cho “ông lớn” BĐS một thời này.
Một trường hợp khác là Dầu thực vật Sài Gòn (SGO), việc cổ phiếu này có 4 phiên tăng trần liên tiếp có thể đến từ kỳ vọng của giới đầu tư sau khi công ty đã thay đổi các vị trí chủ chốt tại ĐHCĐ mới đây. Trong đó, ông Lý Đình Sang đã được bầu làm chủ tịch HĐQT, thay thế ông Trần Ngọc Bửu Trân.
Tương tự là trường hợp của NTACO (ATA) khi doanh nghiệp này đã thay thế Tổng giám đốc trong tháng 6 vừa qua. Bên cạnh đó, việc chủ tịch HĐQT đăng ký bán ra cổ phiếu cũng khiến không ít nhà đầu tư tin rằng đang có cuộc “thay máu” tại doanh nghiệp này.
Với Cadovimex (CAD), việc ban lãnh đạo công ty liên tục mua/bán cổ phiếu trong thời gian gần đây cũng thu hút sự quan tâm lớn của những nhà đầu cơ trên thị trường.
Chưa biết trong tương lai, những doanh nghiệp kể trên có hồi phục được hay không nhưng trong ngắn hạn nó đã thu hút dòng tiền đầu cơ khá tốt. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần lưu ý rằng các doanh nghiệp đang bị hạn chế giao dịch phần lớn đều đang hoạt động khá bết bát và thậm chí không ít trong đó cận kề nguy cơ phá sản.
Trong đầu tư chứng khoán, lợi nhuận luôn song hành với rủi ro. Do đó, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi “đánh đu” với cổ phiếu cận kề nguy cơ phá sản để tránh phải tay trắng trong Uptrend.
Trí Thức Trẻ