MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chi hàng trăm ngàn tỷ cho hạ tầng, Hà Nội vẫn tắc đường khủng khiếp, một ngày thiệt hại 41 tỷ đồng!"

Đây là ý kiến của ông Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra trong tham luận tại Hội thảo quốc tế về giao thông công cộng định hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng hiện có hàng trăm hội thảo, hội nghị được tổ chức ra để giải quyết “vấn nạn” tắc đường ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, nhưng hiệu quả vẫn chưa được bao nhiêu.

“Dù hàng trăm ngàn tỷ được đầu tư cho hạ tầng giao thông đô thị Hà Nội nhưng đến thời điểm này, ách tắc càng lúc càng khủng khiếp hơn, gây thiệt hại kinh tế cho Hà Nội mỗi ngày 41 tỷ đồng”, ông Tùng cho biết.

Theo ông, không đô thị nào của nước ta lại nhiều lần lập và điều chỉnh quy hoạch như Hà Nội. Cụ thể, trong 62 năm qua, Hà Nội đã 7 lần lập quy hoạch tổng thế, hàng trăm quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và đồ án quy hoạch xây dựng thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn 2050 vừa mới được Thủ tướng phê duyệt cách đây không lâu.

Trong tất cả các quy hoạch Hà Nội, dù thời kỳ nào, giai đoạn phát triển nào thì hệ thống giao thông đô thị cũng được vẽ rất đẹp, rất rõ ràng, mạch lạc từ đô thị trung tâm đến các tuyến vành đai 2,3,4 nối các đô thị vệ tinh, các khu đô thị mới, các vùng phát triển mở rộng với nội đô thành một hệ thống giao thông hoành tráng và hoàn chỉnh.

Các trục đường lớn như Láng Hạ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh... được cải tạo, mở rộng và xây dựng theo tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt Hà Nội. Kèm theo đó là một hệ thống đường bộ, cầu đường bộ, cầu qua sông Hồng đã và đang được thực hiện, đem đến cho Hà Nội một diện mạo mới.

Thế nhưng, theo KTS Thanh Tùng, ở đây lại tồn tại một vấn đề là hệ thống đường giao thông đô thị và hệ thống phương tiện giao thông lại không phát triển tương xứng với nhau.

“Đây là lỗi của các nhà quy hoạch, của chính quyền đô thị, hay giữa quy hoạch giao thông đô thị và quy hoạch xây dựng thiếu gắn kết, hay còn nguyên nhân nào khác?”, Ông đặt ra câu hỏi.

So sánh với thời Pháp thuộc, ông cho biết Hà Nội khi đó đã có 6 tuyến xe điện phục vụ khoảng 70.000 dân thời điểm bấy giờ. 6 tuyến xe này đã hoạt động an toàn trong 90 năm và vĩnh viễn dừng hoạt động vào năm 1990 để nhường chỗ cho những phương tiện khác, hiện đại hơn.

Tuy nhiên, đáng tiếc là hiện nay ngoài xe buýt, hiện tại Hà Nội đang không có một phương tiện giao thông công cộng nào khác trong khi Hà Nội là 1 trong 17 đô thị có diện tích lớn nhất thế giới với diện tích hơn 3.324 km2 với số dân 7,5 triệu người (thống kê 11/2015).

Ông chỉ ra trên thực tế, Hà Nội đang triển khai các tuyến đường sắt đô thị. “Mọi nguồn lực đều đang được tập trung vào phát triển hệ thống giao thông Hà Nội”, ông nói.

Tuy nhiên, 8 tuyến đường sắt đô thị với giá trị 2 tỷ USD dự kiến thì nay mới triển khai được 3 tuyến. Trong đó, tuyến Cát Linh – Hà Đông triển khai được 7 năm, vài lần đội vốn và giờ đã lên đến 800 triệu USD nhưng chưa biết khi nào hoàn thành. 2 tuyến khác theo tiến độ đến 2020 là đưa vào sử dụng.

“Các ga tàu điện ngầm thì chưa biết đến khi nào, nhà ga số 9 nằm ven hồ Hoàn Kiếm thì đang lấy ý kiến dân về cửa lên xuống. Còn dự án 8 tuyến xe buýt nhanh cũng triển khai được 10 năm nhưng tuyến đầu tiên từ ga Kim Mã đến ga cuối Yên Nghĩa dài hơn 14km cũng chưa biết khi nào hoạt động, trong khi đó nhiều chuyên gia cho rằng tuyến này bị vạch sai, vì nếu theo đúng như hiện giờ thì cứ mươi phút lại phải dừng xe vì đèn xanh đèn đỏ, chưa kể tắc đường thì xe buýt nhanh cũng không khác xe buýt chậm là bao nhiêu.”, ông Tùng nhận xét.

Xung đột trong phát triển là điều dễ dàng bắt gặp ở trên thế giới, tuy nhiên, theo KTS Thanh Tùng thì Hà Nội không nghiêng nhiều về quy luật phát triển mà bị gây ra bởi ý chí chủ quan.

“Đó là tính dự báo thiếu chính xác đến lãng mạn trong công tác lập quy hoạch. Quy hoạch giao thông và quy hoạch xây dựng thiếu kết nối, thậm chí có giai đoạn quy hoạch giao thông sau cả quy hoạch xây dựng. Quy hoạch lại rất hay bị điều chỉnh.”, KTS Phạm Thanh Tùng chỉ ra.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên