MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi hơn 6,5 tỷ USD M&A tại Việt Nam "năm Covid" 2020, nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin giảm gánh nặng thủ tục sáp nhập, nới hạn mức sở hữu

22-12-2020 - 11:24 AM | Doanh nghiệp

Chi hơn 6,5 tỷ USD M&A tại Việt Nam "năm Covid" 2020, nhiều nhà đầu tư nước ngoài xin giảm gánh nặng thủ tục sáp nhập, nới hạn mức sở hữu

M&A là chủ đề được nhiều nhà đầu tư mong tháo gỡ vướng mắc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2020. Tính đến 20/11, Việt Nam ghi nhận có gần 6.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cải thiện môi trường nhằm thúc đẩy M&A" là nội dung được ông Tetsu Funayama - đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2020.

Ông Tetsu bày tỏ hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ nới lỏng giới hạn đối với "Giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết".

"Chúng tôi hy vọng rằng trong Nghị định mới của chính phủ hiện đang soạn thảo sẽ nới lỏng hơn nữa tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài", ông Tetsu nói.

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong chính phủ xem xét lại "Phương pháp định giá cổ phiếu và phương pháp chào bán cổ phiếu của công ty Nhà nước".

"Chúng tôi mong muốn chính phủ cải thiện tính minh bạch về thủ tục hành chính bao gồm việc quy định rõ trong các văn bản pháp luật các nguyên tắc, hình thức đấu thầu công khai, quy trình và yêu cầu trong việc Thẩm định chi tiết doanh nghiệp", ông Tetsu kiến nghị.

M&A cũng là chủ đề được nhà đầu tư các nước quan tâm.

Đề cập đến thủ tục đăng ký sáp nhập, nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại VBF mong muốn được làm rõ một số vấn đề liên quan đến Nghị định số 35/2020/NĐ-CP, có hiệu lực vào ngày 15/5/2020, quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh, cụ thể liên quan đến chế độ đăng ký sáp nhập.

Cụ thể, theo chế độ đăng ký sáp nhập mới, các hình thức tập trung kinh tế (tức là sáp nhập, hợp nhất, mua lại, và liên doanh) đều phải thông báo và phê duyệt trước nếu một số ngưỡng thông báo nhất định được kích hoạt.

"Những thay đổi theo luật mới giờ đây khiến cho càng nhiều giao dịch M&A phải chịu sự điều chỉnh của quy định này. Vì vậy, điều quan trọng đối với nhà đầu tư và các doanh nghiệp là có thể tự xác định được những hoạt động M&A nào phải chịu sự điều chỉnh và những hoạt động nào nằm ngoài phạm vi dự kiến của chế độ đăng ký sáp nhập", đại diện nhóm công tác cho biết.

Nhóm công tác nêu ra một số điều chưa rõ gồm:

- Các giao dịch tái cấu trúc nội bộ/giao dịch giữa các công ty trong tập đoàn có thuộc phạm vi khái niệm "tập trung" hay không;

- Ngưỡng thị phần có được áp dụng trong trường hợp không có sự trùng lặp trong các hoạt động của các bên hay không, và nếu có, ngưỡng này nên được tính như thế nào;

- Số liệu về tài sản sở tại, doanh thu hoặc thị phần của bên bán có được cân nhắc khi xác định xem ngưỡng thông báo có được kích hoạt hay không, đặc biệt là trong trường hợp sau khi giao dịch, bên bán sẽ không còn có quyền sở hữu trong công ty mục tiêu.

Nhóm công tác cho rằng tập trung kinh tế theo chế độ sáp nhập mới vẫn nhấn mạnh vào đánh giá thị phần.

Liên quan đến quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường/độc quyền trong Luật Cạnh tranh, nhóm công tác Đầu tư và Thương mại VBF cho rằng nghị định mới chưa có hướng dẫn về cách diễn giải/áp dụng các hành vi cụ thể theo các điều khoản này trong thực tế.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/11, Việt Nam ghi nhận có gần 6.000 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn đạt 6,5 tỷ USD, giảm 41,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài cùng kỳ năm 2018 và 2019 lần lượt là 7,64 tỷ USD và 11,2 tỷ USD.

Đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế Việt Nam và thế giới. Các lĩnh vực du lịch và lưu trú quốc tế đều bị ảnh hưởng rất lớn, và nói chung hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài, mua bán và sáp nhập (M&A) và xuất khẩu cũng phải đối mặt với những thách thức từ những bất định của thị trường và những khó khăn về di chuyển.

Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng và thái độ lạc quan thận trọng nhờ sự quản lý năng động của Chính phủ Việt Nam trong việc giữ an toàn cho cả nước, cũng như quyết tâm thích nghi của các doanh nghiệp và người dân - ví dụ các nhà máy chuyển sang sản xuất thiết bị bảo hộ cá nhân thay vì hàng may mặc, xuất khẩu sản phẩm điện tử và đồ nội thất (hỗ trợ xu hướng làm việc tại nhà), giáo dục tại nhà và trực tuyến, thương mại điện tử và các dịch vụ trực tuyến khác, tăng trưởng về năng lượng tái tạo, và thu hút đầu tư trong chuỗi cung ứng và cơ sở hạ tầng kho vận (logistics) phục vụ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và hỗ trợ thương mại điện tử trong nước.

Tình hình cũng được khích lệ khi Việt Nam ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại quốc tế (trong đó EVFTA là hiệp định mới nhất).

Theo Bảo Bảo

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên