Chỉ là một công cụ gửi email marketing, vì đâu MailChimp được định giá tới 12 tỷ USD?
Ngày nay, việc quảng cáo trở thành một phần không thể thiếu của doanh nghiệp trong việc quảng bá thương hiệu tới người dùng. Có rất nhiều phương pháp quảng cáo, trong đó gửi email được xem là có tính hiệu quả tốt, tiếp cận được nhiều khach hàng với tốc độ cao. Trong số các ứng dụng quảng cáo bằng email, Mailchimp được coi là người dẫn đầu với số lượng khách hàng đông đảo nhận được thông tin quảng cáo từ ứng dụng này. Nhờ vào vị thế của mình mà mới đây, Mailchimp đã được mua lại với giá 12 tỷ USD, một con số khổng lồ nhưng đầy xứng đáng dành cho họ.
Mailchimp là nền tảng thuộc sở hữu cùa Rocket Science Group – một công ty được thành lập từ năm 2001. Ban đầu, ứng dụng này chỉ là một dự án phụ của công ty với mức doanh thu chỉ vài ngàn USD một tháng. Tuy nhiên kể từ năm 2009, khi Mailchimp bắt đầu dịch vụ trả phí của mình, số lượng người dùng đã tăng một cách phi mã, từ 85,000 lên thành 450,000 người. Tính tới tháng 6/ 2014, MailChimp đã thay mặt khách hàng gửi tới hơn 10 tỷ email mỗi tháng để quảng cáo và cách hoạt động của họ tỏ ra khá hiệu quả. Năm 2016, họ được xếp hạng 7 trong danh sách Forbes Cloud 100 – bảng xếp hạng 100 công ty điện toán đám mây tư nhân hàng đầu thế giới. Một năm sau, tính trung bình mỗi ngày, công ty có thêm khoảng 14,000 khách hàng mới, với hàng trăm triệu email được gửi mỗi ngày. Mặc dù hoạt động tốt như vậy, song công ty không hề huy động thêm vốn từ các quỹ; toàn bộ hoạt động vẫn nằm dưới sự quản lý của những thành viên sáng lập.
Cách thức hoạt động của MailChimp chủ yếu tập trung vào ba điểm: xác định và tìm kiếm khách hàng phù hợp với yêu cầu, tạo website và email để quảng cáo, thống kê và phân tích hiệu quả từ việc sử dụng các công cụ quảng cáo. Trong việc xác định và tìm kiếm phân khúc khách hàng phù hợp, MailChimp sử dụng các dữ liệu sẵn có để xác định được đâu là những người mà công ty cần tìm tới để quảng bá sản phẩm. Thông qua tính cách, sở thích, thói quen, độ tuổi.... các công cụ từ MailChimp sẽ đưa ra tệp khách hàng phù hợp với sản phẩm mà doanh nghiệp muốn quảng bá. Sau khi đã xác định được danh sách này, MailChimp sẽ thực hiện những quảng cáo thông qua mạng xã hội (Facebook, Twitter...), website và đặc biệt là email. Những email gửi bởi Mailchimp sẽ được thiết kế sao cho thể hiện được những điểm độc đáo nhất về công ty cũng như sản phẩm cần quảng cáo. Những email tương đối cầu kỳ này sẽ gửi cho các khách hàng được xác định gần như đồng thời, sao cho các thông tin này tới được tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Email thiết kế bởi Mailchimp vừa chuyên nghiệp, vừa độc đáo (Ảnh: Behance)
Cuối cùng, MailChimp sẽ hỗ trợ thống kê mức độ hiệu quả từ việc quảng cáo, bao gồm số lượng email gửi thành công, số lượng khách hàng theo dõi công ty được quảng cáo tăng giảm ra sao, doanh thu tăng lên bao nhiêu sau khi quảng cáo bằng email... Thông qua những thống kê này, doanh nghiệp sẽ nắm bắt được mức độ tương tác, hành vi của khách hàng sau khi nhận được email, qua đó cải thiện hơn cách thức quảng cáo các loại sản phẩm.
Một bảng thống kê của Mailchimp (Ảnh: Mailchimp)
Với cách thức làm việc vô cùng chuyên nghiệp và hiệu quả như vậy, Mailchimp ngày càng thu hút nhiều khách hàng hơn. Tính đến hết năm 2019, doanh thu của họ được dự kiến đạt tới 700 triệu USD, thông qua 4 gói dịch vụ có giá từ 0 USD đến 299 USD/ tháng và sở hữu khoảng 13 triệu người dùng. Mặc dù vậy, công ty tiếp tục không quan tâm đến việc nhận đầu tư hay đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán, đồng thời nói không với hầu hết những lời đề nghị mua lại từ các doanh nghiệp lớn.
Song cuối cùng tới tháng 8 năm nay, họ đã chấp nhận bán mình. Công ty sẽ sở hữu Mailchimp là Intuit, một doanh nghiệp lớn chuyên về phần mềm tài chính. Intuit nổi tiếng với phần mềm TurboTax và dịch vụ QuickBook dành cho khách hành doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). Công ty này hi vọng sẽ tận dụng được nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ và bán được nhiều dịch vụ hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mua lại Mailchimp. Thương vụ này được dự kiến rơi vào khoảng 12 tỷ USD, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu. Mức giá mua lại này tương đương với 10% giá trị thị trường hiện tại của Intuit, cho thấy họ đánh giá Mailchimp cao như thế nào trong tham vọng trở thành trung tâm cung cấp dịch vụ tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặc dù khá kiên định, song cuối cùng Mailchimp cũng bán mình cho Intuit (Ảnh: Intuit)
Sau nhiều năm phát triển mạnh mẽ với doanh thu và số lượng khách hàng tương đối lớn, từ chối rất nhiều lời đề nghị đầu tư, góp vốn và mua lại, cuối cùng Mailchimp đã chấp nhận trở thành một phần của Intuit. Với việc sở hữu lượng dữ liệu cũng như tệp khách hàng rất lớn tới từ Mailchimp, Intuit dự kiến sẽ mở rộng các dịch vụ hiện có đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó thống trị phân khúc phần mềm dành cho những công ty này. Sở hữu Mailchimp chính là nước đi quan trọng nhất của họ trong việc thực hiện tham vọng khổng lồ của mình.