Chỉ là thuê nhà để làm co-working space, nhưng WeWork đã biến nó thành mô hình trị giá 47 tỷ USD
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, WeWork đã vươn lên trở thành startup giá trị nhất thành phố New York, vượt qua các tên tuổi như Airbnb, SpaceX, Ford … và chỉ chịu thua “đại kỳ lân” Uber.
Những quyết định "sáng suốt"
Adam Neumann quyết tâm lập nghiệp tại New York vào năm 2001 sau khi hoàn tất nghĩa vụ quân sự tại Israel. Nhận ra thị trường "bỉm sữa" tiềm năng, Neumann thành lập Krawlers - startup chuyên bán quần áo có đệm đầu gối cho các bé tập bò.
Trong lúc Neumann đang "đau đầu" với Krawlers thì Miguel McKelvey cũng miệt mài với vị trí kiến trúc sư tại một công ty trong cùng tòa nhà với Neumann.
Vào thời gian rảnh, Neumann thường đi dạo đây đó và để tìm hiểu các khu vực bỏ hoang, anh mạnh dạn liên hệ chủ một căn nhà lớn đang bỏ trống tại Water Street. Người chủ nhà lập tức từ chối khi nghe Neumann giới thiệu bản thân: "Anh kinh doanh quần áo trẻ em thì biết gì về bất động sản."
Neumann ngay lập tức phản pháo: "Tòa nhà đang trống thế kia. Ông thì biết gì về bất động sản?"
Mẫu đối thoại trên đã cho ra đời Green Desk vào năm 2008, mô hình "co-working xanh" với nội thất tái chế, cà phê thương mại bình đẳng, văn phòng phẩm không nguy hại tới môi trường …
Green Desk nhanh chóng trở thành một nơi "hoàn hảo" cho các freelancer và startup với nội thất, phòng họp, máy in, internet tốc độ cao, nhà bếp… Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu ập đến, Green Desk đã trở thành một "phao cứu sinh" cho các doanh nhân thất thời, một cộng đồng đã được thành lập tại đây để trao đổi, hợp tác và cùng nhau đứng lên sau khủng hoảng.
Một ý tưởng lóe lên trong đầu Neumann và McKelvey, khách hàng không cần "không gian xanh", điều họ cần là một cộng đồng. Đến năm 2010, cả hai quyết định bán toàn bộ hoạt động của Green Desk để bắt đầu lại với WeWork.
Không còn khách hàng, đối tác lẫn bất động sản, hai nhà sáng lập dồn hết số tiền 300.000 USD để thuê tầng trệt của một căn hộ cũ kỹ tại khu trung tâm New York. Không còn tiền để quảng cáo, Neumann và McKelvey treo bảng "Tìm người thuê" khắp tòa nhà và liên tục đăng tin trên internet, chính vì thế, những "thành viên" đầu tiên của WeWork làm đủ mọi ngành nghề, từ phim ảnh, công nghệ, kiến trúc cho đến cả luật sư.
Mỗi khi số thành viên gần lắp đầy phòng, WeWork dồn hết số tiền mới nhận được để mở thêm một tầng mới.
Sau khi thuê được toàn bộ tòa nhà đầu tiên, WeWork tiến hành mở rộng và nhanh chóng mở thêm 4 địa điểm mới chỉ trong vòng 2 năm. Với tốc độ phát triển ấn tượng, Benchmark - hãng đầu tư mạo hiểm đã hỗ trợ Twitter và Uber ngay những ngày đầu, đã quyết định đổ 17 triệu USD vào WeWork.
Với số vốn trên, WeWork tăng tốc để nắm trong tay gần 140.000 mét vuông văn phòng và 10.000 thành viên vào năm 2014.
Đến năm 2019, WeWork chuyển thành WeCompany với 1,82 tỷ USD doanh thu, duy trì mức độ "lấp đầy" trên 80% cả năm, với doanh thu trên mỗi thành viên khoảng 6.360 USD/ năm và đạt kỷ lục 400.000 thành viên đăng ký vào cuối năm 2018.
Với những kết quả trên, SoftBank đã mạnh dạn đổ vào WeWork hơn 10 tỷ USD, đẩy tổng giá trị của công ty lên tới 47 tỷ USD, một kỷ lục trên toàn thế giới.
WeWork hoạt động như thế nào?
Không đơn giản chỉ là cho "thuê chỗ", WeWork luôn chủ động cung cấp nhiều gói dịch vụ hấp dẫn như:
* 45 USD/ mỗi tháng để trở thành thành viên WeWork.
* 50 USD/ ngày nếu muốn thuê bàn riêng để làm việc.
* 220 USD/ tháng để đảm bảo một chỗ làm việc trong danh sách các địa điểm cho thuê phổ biến.
* 350 USD/ tháng cho một chỗ làm việc cố định suốt 30 ngày.
* Từ 400 USD – 600 USD / tháng cho một phòng làm việc riêng.
Nhưng dù có sử dụng gói dịch vụ nào, khách hàng vẫn luôn được đảm bảo chỗ để xe đạp, mạng internet ổn định, máy in, cà phê, nước uống, tiếp tân, văn phòng phẩm, dịch vụ dọn dẹp …
Một môi trường làm việc lúc nào cũng "sẵn sàng" chính là giá trị mà WeWork hướng tới, hóa đơn luôn được thanh toán đúng hạn, máy in luôn đầy mực và ít hư hỏng, đối tác đến thăm luôn được chào đón … đội ngũ WeWork luôn đảm bảo tòa nhà hoạt động một cách "hoàn hảo" 24 giờ mỗi ngày, cho phép khách hàng có thể tập trung 100% vào công việc.
WeWork cũng rất thông minh trong kế hoạch chọn địa điểm của mình, đa phần là những tòa nhà trong khu vực lâu đời hoặc có phần xuống cấp với mức giá thuê khá mềm.
Với thương hiệu đã được khẳng định, WeWork chủ động yêu cầu một hợp đồng dài hạn với nhiều chiết khấu và ưu đãi, cam kết với chủ nhà rằng những cải tạo của WeWork chắc chắn sẽ gia tăng giá trị của tòa nhà.
Không những thế, nhiều chủ bất động sản còn được WeWork "mời gọi" hợp tác, hỗ trợ startup này 50% chi phí cải tạo để đổi lại giá thuê tốt hơn. Hướng đi trên không chỉ giúp hai bên hợp tác toàn diện, mà còn giảm khoản tiền đầu tư ban đầu, giúp WeWork có thể mở rộng thêm nhiều địa điểm khác.
Thêm vào đó, một tòa nhà WeWork luôn có thêm khu vực ăn uống, thư giãn, và cả khu vực "vui chơi" với bàn bóng bàn, phòng chiếu phim, phòng trò chơi …
WeWork liên tục tạo cơ hội cho các thành viên gặp gỡ với nền tảng trực tuyến WeWork Commons và hàng loạt sự kiện xã hội, tiệc ăn mừng và các buổi thuyết trình cũng như hội thảo …
Lấy "Phát triển cộng đồng" là mục tiêu, WeWork luôn kết nối cách thành viên với dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp về pháp lý, gọi vốn, tư vấn hoặc đơn giản hơn là các khóa học để cải thiện kỹ năng, nâng cao thể lực với mức giá ưu đãi. Với thương hiệu và số lượng người dùng của mình, WeWork đứng ra làm trung gian quảng cáo cho các gói bảo hiểm, gym, nhân sự và dịch vụ in ấn.
Nhưng mô hình của WeWork cũng bị nhiều chuyên gia chỉ trích khi "cầm dao đằng lưỡi" cả về cung và cầu. Về mặt cung, WeWork không sở hữu một bất động sản nào, vẫn còn đó rủi ro chủ nhà phá hợp đồng để giành lại kinh doanh. Còn về mặt cầu, phần lớn người dùng WeWork vẫn là các công ty startup và những freelancer, các đối tượng với nhu cầu hoàn toàn không ổn định.
Nhanh chóng tiếp thu chỉ trích, kể từ năm 2016, WeWork đã liên tục thay đổi để trở thành một mô hình "ổn định" hơn.
CEO Neumann đã bắt đầu trước khi bỏ tiền túi ra mua một tòa nhà khu trung tâm để cho WeWork thuê lại. Không lâu sau đó, WeWork cũng chủ động "mua đứt" nhiều bất động sản khác để biến thành nhà trọ thông minh với tên gọi "WeLive". Tương tự như WeWork, WeLive cung cấp không gian sống với Internet, dịch vụ dọn phòng và hoạt động nhóm.
Và để bảo vệ mình khỏi một sự kiện tương tự như "bong bóng dotcom", WeWork đã chủ động thành lập những tòa nhà dành riêng cho các thương hiệu lớn như Amazon, Microsoft và IBM … các tập đoàn có nhân viên rải rác ở nhiều thành phố khác nhau.
Ngay trong năm 2016, Microsoft đã chuyển toàn bộ hơn 300 nhân viên sales tại New York vào văn phòng WeWork. Đến năm 2017, IBM cũng đã ký hợp đồng "thuê trọn" một tòa nhà WeWork cũng tại New York. Cho đến ngày nay, hơn 1/4 doanh số của WeWork đến từ các tập đoàn lớn, không chỉ đảm bảo nguồn thu mà còn đảm bảo luôn tương lai của WeWork.
Rất tự tin vào mô hình của mình, WeWork đã và đang chuẩn bị cho một cuộc "IPO kỷ lục", bất chấp khoản lỗ tỷ đô mỗi năm và bất chấp thất bại của hàng loạt "kỳ lân" đàn anh khác.