Chí Linh triển khai hàng loạt giải pháp phát triển đô thị du lịch xanh
Tận dụng thế mạnh địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa loại hình sản phẩm, hợp tác cùng phát triển là tư duy chiến lược phát triển du lịch của Hải Dương nhằm thúc đẩy du lịch.
Vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch
Yên Dũng (Bắc Giang), Đông Triều (Quảng Ninh) và Chí Linh (Hải Dương) có nhiều điểm tương đồng khi đều sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đồi núi xen kẽ cùng văn hóa lịch sử lâu đời.
Đặc biệt, cả 3 địa phương đều sở hữu một phần quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử với các khu vực chính đó là: khu đông Yên Tử ở thành phố Uông Bí và khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều; khu di tích danh thắng Tây Yên Tử gồm 4 huyện Sơn Động, Yên Dũng, Lục Nam và Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang; khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai của tỉnh Hải Dương.
Quần thể này có cảnh quan thiên nhiên, không gian văn hóa gắn kết hài hòa với các kiến trúc nghệ thuật đặc biệt trải dài nối mạch trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương. Với những giá trị lịch sử văn hóa, nghệ thuật kiến trúc đặc biệt, quần thể di tích danh thắng Yên Tử đã có nhiều di tích được công nhận là di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt. Trong đó có 4 di tích được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Thành phố Chí Linh còn sở hữu nhiều cảnh đẹp tự nhiên như núi Ngũ Nhạc, Côn Sơn, Phượng Hoàng, Ngũ Đài Sơn - Cổng trời - Hàm Long, Phật tích, Nam Tào - Bắc Đẩu... Núi non ở đây tạo tứ linh quần hội, thế rồng chầu hổ phục, cùng hàng nghìn ha rừng thông, bãi rễ, rừng lim cổ, rừng phong lá đỏ... Thực tế đó bảo đảm Chí Linh có thể trở thành vùng du lịch đặc sắc, hấp dẫn và đa dạng.
Chiến lược phát triển du lịch nhanh và bền vững
Định hướng quy hoạch phát triển thành phố Chí Linh tầm nhìn 2040 xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. UBND tỉnh Hải Dương đã thực hiện hàng loạt các giải pháp đồng bộ và toàn diện từ đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, mở rộng các loại hình sản phẩm du lịch, thu hút đầu tư hạ tầng đô thị du lịch.
Hệ thống hạ tầng giao thông liên kết vùng Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh với thành phố Chí Linh có thể kể đến như tuyến Tỉnh lộ 398 nhánh Côn Sơn kết nối Quốc lộ 37 qua chùa Côn Cơn, đường từ Quốc lộ 37 qua phường Cộng Hòa, Hoàng Tiến sang tỉnh Quảng Ninh, đường đấu nối Tỉnh lộ 398B đi qua xã Hoàng Hoa Thám kết nối với đường 345 tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường cao tốc kết nối Bắc Giang thị xã Đông Triều (đấu nối Cao tốc CT04)…
Các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh được mở rộng như "Con đường khoa cử Việt" (làng Tiến sĩ Mộ Trạch, huyện Bình Giang kết nối với Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng - đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, huyện Nam Sách - đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, TP Chí Linh); Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng danh thắng Phượng Hoàng, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai, rừng phong lá đỏ, quần thể di tích đền Cao (An Lạc), chùa Ngũ Đài...
Tỉnh cùng đồng thời phát triển, quy hoạch các khu du lịch sinh thái như Khu du lịch sinh thái Hồ Thanh Long 1502 ha với vốn đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng thuộc xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hoà; khu du lịch sinh thái Hồ Bến tắm…
Bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, Chí Linh cũng có những chiến lược để thu hút nhà đầu tư với các dự án khu đô thị thương mại – du lịch cao cấp nhằm thu hút ngày càng nhiều hơn những du khách dừng chân lưu trú và chi tiêu mua sắm, mang lại nguồn thu cho thành phố.
Ảnh phối cảnh.
Ghi nhận từ các chuyên gia đều cho rằng du lịch thành phố Chí Linh tuy đi sau nhưng biết đón đầu, tránh những hệ lụy của những địa danh du lịch đã phát triển, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa loại hình du lịch, tập trung thu hút khách đến lưu trú dài ngày, đến nhiều lần, chi tiêu nhiều hơn.
Tổ Quốc