MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp Mỹ 'ngấm đòn' lãi suất tăng, cuống cuồng tìm cách giảm nợ

15-06-2023 - 13:56 PM | Tài chính quốc tế

Doanh nghiệp Mỹ 'ngấm đòn' lãi suất tăng, cuống cuồng tìm cách giảm nợ

Những doanh nghiệp công nghệ như Apple và Verizon là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu sẽ thắt chặt cung tiền hơn nữa, những người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của các doanh nghiệp Mỹ đang chạy đua với thời gian để đối phó với các tác động mà lãi suất tăng gây ra. Họ buộc phải thực hiện các biện pháp như cắt giảm chi phí và trả bớt nợ.

Theo 1 khảo sát mới được công ty dữ liệu Calcbench thực hiện trên 1.700 công ty, trong quý I, chi phí lãi vay mà các doanh nghiệp Mỹ phải gánh đã tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những doanh nghiệp công nghệ như Apple và Verizon là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong trường hợp của Verizon, chi phí lãi vay đã tăng lên mức 1,21 tỷ USD trong quý I, so với con số 786 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái.

Lãi vay cùng với mọi loại chi phí từ tiền lương, nguyên liệu cho đến năng lượng đều tăng mạnh đang khiến các công ty phải tìm mọi cách để tiết kiệm. Ví dụ, Apple đã hoãn trả thưởng cho một số bộ phận và giảm tuyển dụng mới để kiểm soát chi phí tốt hơn. Chi phí lãi vay cao cũng sẽ dẫn đến đầu tư sụt giảm vì chi phí tăng kéo theo tỷ suất sinh lời giảm.

Đêm qua, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất lần đầu tiên trong 15 tháng, sau khi đã miệt mài thực hiện 10 lần tăng liên tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chưa thể ăn mừng bởi Fed vẫn phát đi tín hiệu rất mạnh mẽ về những đợt tăng tiếp theo. Các thành viên của FOMC dự báo đến cuối năm lãi suất sẽ tăng lên 5,6%, tăng mạnh so với dự báo 5,1% mà họ đưa ra hồi tháng 3.

Theo các chuyên gia phân tích của Morgan Stanley, động thái giữ lãi suất “cao hơn trong thời gian dài hơn” của Fed sẽ tăng áp lực lên những công ty có điểm tín dụng yếu. Còn đối với các công ty được xếp hạng cao hơn, chi phí đi vay duy trì ở mức cao trong thời gian dài sẽ buộc họ phải tập trung vào việc củng cố bảng cân đối kế toán và giảm thiểu nợ.

Trong đại dịch, Carnival, công ty du thuyền có trụ sở ở Florida hiện đang bị xếp hạng rác, đã huy động thêm 24 tỷ USD qua kênh trái phiếu. Giờ đây công ty đang nỗ lực giảm nợ, tối ưu hóa dòng tiền để giảm chi phí lãi vay. Quý trước, số lãi mà Carnival phải trả tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, từ 368 lên 539 triệu USD.

Bên cạnh giảm nợ, các công ty cũng tìm cách giảm tỷ trọng nợ có lãi thả nổi. Sau khi tái cơ cấu nợ, họ thực hiện các biện pháp bổ sung như xem xét lại lộ trình chi trả cổ tức và những quyết định chi tiêu quan trọng khác.

Tất nhiên lãi suất tăng cũng mang lại một số lợi ích khi tiền mặt và những khoản đầu tư ngắn hạn khác sinh lời tốt hơn. Theo dữ liệu thống kê của Fed, tính đến cuối quý I, lượng tiền mặt mà cac doanh nghiệp Mỹ nắm giữ lên tới 4.000 tỷ USD, tăng 47 tỷ USD so với cuối năm 2022 và tăng 10 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Nhưng vì hầu hết các công ty đều có nợ nhiều hơn tiền mặt, lợi ích mang lại thường không đủ để bù đắp thiệt hại, theo Barak Ravid, chuyên gia đang làm việc tại công ty tư vấn EY-Parthenon.

Tham khảo Bloomberg

Tú Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên