MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chi phí logistics tăng cao khiến nhiều ngành hàng gặp khó

Ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí logistics tăng cao là nguyên nhân chính gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí logistics không ngừng leo thang. Trong khi chi phí logistics là một yếu tố cấu thành quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp (DN) đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 155.000 tấn, trị giá 500 triệu USD, giảm 7% về lượng song tăng 41% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Lượng xuất khẩu hồ tiêu giảm ngoài yếu tố sản lượng và ảnh hưởng của dịch Covid-19, chi phí logistics là nguyên nhân chính gây ra nhiều khó khăn và thiệt hại cho xuất khẩu của các DN.

Phản ánh từ các DN hồ tiêu cho thấy, giá cước vận chuyển đi các thị trường trọng điểm nhập khẩu hồ tiêu từ tháng 1/2021 cho tới tháng 6/2021 luôn trong chiều hướng tăng với biên độ cao và không có dấu hiệu ngừng lại. Lý do chính các hãng vận chuyển đưa ra là hệ lụy từ dịch bệnh Covid-19 dẫn đến thiếu hụt container.

“Thời gian qua, Mỹ và EU là 2 thị trường chính và là thị trường quan trọng với lượng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là 2 tuyến vận chuyển đường biển có mức tăng giá cước phi mã và bất thường nhất với mức tăng khoảng 1.500-2.000 USD cho một container 40 feet sau mỗi 2 tuần”, đại diện VPA phản ánh.

Một trong những mặt hàng có giá tăng cao trong thời gian qua là phân bón, điển hình như phân DAP, Ure và Kali. Điều đáng nói là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, nhưng đầu ra cho nông sản gặp khó khăn, khiến người nông dân rơi vào cảnh sản xuất cầm cự; khó khăn chồng chất khó khăn.

Theo dự báo của ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao. “Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón của Việt Nam như DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container”, ông Ngọc cho biết.

Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản... cũng cho biết, chi phí logistics có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay, chủ yếu liên quan đến cước vận tải và tình trạng thiếu container. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi so với giá mấy tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Có thể thấy, chi phí logistics tăng cao thời gian qua đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù phải chịu tăng chi phí cho hoạt động này, nhưng nhiều đơn hàng của DN vẫn bị ảnh hưởng do chậm trễ, bị phạt hợp đồng. Nhiều DN phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do những lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển. Rất nhiều đơn hàng của DN đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến chồng chất khó khăn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ quý IV/2020 đến nay, tác động của dịch Covid-19 gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Do vậy, các chuyến tàu bị hạn chế, khả năng luân chuyển cũng bị hạn chế. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm chỗ trên tàu cũng như khan hiếm về phương tiện, đẩy giá cước vận chuyển lên cao.

Đối với hoạt động logistics trong nước, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 3/2021 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá cước tàu biển cũng như container. Về chi phí liên quan đến vận tải đường bộ, các vấn đề phát sinh trong thời gian vừa qua cũng như tại thời điểm này, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực phía Nam, Bộ Công Thương đã làm việc với UBND các tỉnh, các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, qua đó kiến nghị tạo “luồng xanh đặc biệt” cho lưu thông hàng hóa.

“Điều này nhằm tránh ùn tắc cũng như đưa ra các biện pháp quá mức cần thiết gây ảnh hưởng, đẩy chi phí lên cao. Trên thực tế, các biện pháp chống dịch phải áp dụng nghiêm, tuy nhiên ở mức xét thấy cần thiết và tạo ra sự linh hoạt đảm bảo cho mục tiêu kép”, ông Hải nêu rõ.

Thực tế cho thấy, yếu tố cơ bản làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam là hạ tầng logistics chưa được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, vẫn còn thiếu vắng các kho vận tập trung, cảng cạn (ICD) có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng sông, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, với khoảng 80% lưu lượng hàng hóa của DN được vận chuyển bằng đường bộ, tuy nhiên, tổng chiều dài đường cao tốc đang vận hành lại chưa đến 2.000km/ tổng số hơn 630.000km đường bộ của Việt Nam. Trong khi đó, các phương thức vận tải có giá thành rẻ như đường sắt trong nước khá lạc hậu, hệ thống đường thủy nội địa chưa được chú trọng khai thác hiệu quả.

Ông Trần Thanh Hải cho rằng, cơ hội phát triển logistics còn rất lớn vì Việt Nam là đất nước có tiềm năng sản xuất, xuất khẩu lớn, tạo ra nguồn hàng; có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm của các tuyến giao thương, có thể kết nối giống như Singapore hay Hong Kong, không cần xuất khẩu nhưng trở thành tâm điểm để trung chuyển hàng hóa. “Việt Nam cũng có thể làm được như vậy nếu có chính sách tốt. Dù cơ hội rất lớn, song việc có tận dụng được hay không còn phải phụ thuộc vào DN, con người, phải làm chuyên nghiệp mới có thể tận dụng được”, ông Hải nhận định.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên