Chi phí sản xuất ôtô tại Việt Nam cao hơn khu vực đến 20%
Phần lớn các linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất xe ôtô phải nhập khẩu cùng với chi phí đóng gói, hậu cần và thuế nhập khẩu khiến chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn từ 10-20% so với Thái Lan hay Indonesia. Chính điều này đã làm giảm khả năng cạnh tranh của xe lắp ráp trong nước so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, nhất là khi thuế suất ưu đãi còn 0% từ năm 2018.
- 17-06-2017Năm 2018, chi phí sản xuất ô tô ở Việt Nam có thể tăng thêm 20% so với Thái Lan, Indonesia?
- 14-06-2017Ràng buộc chặt hơn đối với nhà sản xuất ô tô
- 08-04-2017'Các nhà sản xuất ô tô sẽ không rời Việt Nam'
Đây là thông tin mà Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô-xe máy đưa ra tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF 2017).
Ông Sumito Ishii, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn General Motors Việt Nam, Trưởng Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô-xe máy VBF chia sẻ theo quan điểm của cả các nhà sản xuất ôtô và các nhà cung cấp linh kiện, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam thực sự vẫn còn rất nhỏ. Vì thế, hiện nay không có sự gia nhập đầy đủ của các công ty cung cấp linh kiện ôtô toàn cầu vào thị trường Việt Nam. Đáng chú ý, các nhà cung cấp toàn cầu không thể đầu tư mà không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng.
Trên 90% các nhà cung cấp linh kiện hiện nay là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phần lớn các linh kiện, nguyên vật liệu để sản xuất xe ôtô và phụ tùng ôtô phải nhập khẩu. Các nhà sản xuất xe ôtô trong nước phải chịu thêm chi phí đóng gói, logistics và thuế nhập khẩu, làm cho các chi phí sản xuất xe trong nước cao hơn xe lắp ráp tại Thái Lan hoặc Indonesia. Khoảng cách về chi phí sản xuất này có thể lên tới 10-20% sau khi loại bỏ thuế quan trong khối ASEAN vào năm 2018.
Để mở rộng sản xuất xe ôtô trong nước, Nhóm công tác Công nghiệp ôtô-xe máy của VBF đề xuất Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô hiện tại của Chính phủ cần có sự tham gia của cả các nhà lắp ráp ôtô và các nhà cung cấp linh kiện để hiểu rõ hơn về tình hình hiện nay của ngành. Đồng thời hằng tháng, nhóm tổ chức các cuộc họp để cùng thảo luận các dự thảo chính sách cho ngành ôtô và báo cáo tiến độ lên Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, các nhà xây dựng chính sách cũng nên tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp để xây dựng các giải pháp thu hẹp khoảng cách về chi phí sản xuất nhằm giảm áp lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất xe trong nước từ năm 2018, cùng với đó là phát triển các chương trình phù hợp để hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trong ngành ôtô với nhau.
Ông Sumito Ishii cũng cho rằng hiện nay, mối liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước chưa thực sự hiệu quả bởi không có các cơ sở dữ liệu sẵn có liên quan về doanh nghiệp cung cấp linh kiện phụ tùng trong nước. Nếu có được các cơ sở dữ liệu, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tham chiếu và liên hệ với các nhà cung cấp linh kiện trong nước.
Mặt khác, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng nên cung cấp danh sách các linh kiện ôtô cần nội địa hóa với các chi tiết cụ thể hơn. Điều này giúp các nhà cung cấp trong nước có thể có được sự chuyển giao công nghệ hoặc bí quyết kỹ thuật.
Trong khi đó, các nhà cung cấp linh kiện trong nước cần tập trung đáp ứng các yêu cầu về sản xuất như chất lượng, chi phí, giao hàng và nên hợp tác với các nhà cung cấp nước ngoài.
Đặc biệt, đối với ngành công nghiệp ôtô, ưu tiên số một là phải đảm bảo có một thị trường ôtô tăng trưởng bền vững, các chính sách liên quan đến ngành cần được ổn định trong thời gian dài để doanh nghiệp xây dung kế hoạch của mình, ông Sumito Ishii, Trưởng Nhóm Công tác Công nghiệp ôtô-xe máy khẳng định.
Đề xuất các giải pháp phát triển ngành trong bối cảnh hội nhập khu vực từ năm 2018, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) Phạm Văn Tài nhìn nhận ngành công nghiệp ôtô là ngành công nghiệp công nghệ cao và là động lực kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ khác như cơ khí, điện, điện tử, nhựa, cao su, kính, tin học, tự động hóa...
Tuy nhiên, muốn phát triển công nghiệp hỗ trợ, cần một sản lượng đủ lớn mới có thể đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất, góp phần thúc đẩy công nghiệp ôtô phát triển, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản xuất trong nước. Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ không chỉ là nền tảng phát triển ngành công nghiệp ôtô mà còn phát triển ở các ngành khác như cơ khí, nông nghiệp, ngư nghiệp, góp phần tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, việc làm cho người lao động và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Để phát triển ngành ôtô trong bối cảnh hội nhập, Phó Tổng Giám đốc Thaco Phạm Văn Tài cũng như nhiều doanh nghiệp khác kiến nghị Chính phủ cần có những chính sách bảo vệ thị trường ôtô trong nước phù hợp để công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ được tiếp tục duy trì, phát triển ổn định trong thời gian dài. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể tích lũy tài chính, công nghệ và đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Các chính sách liên quan đến công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ ngành ôtô cần được nhất quán và đồng bộ tối thiểu 10 năm, phù hợp với xu thế hội nhập để tạo sự yên tâm cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ.
Ông Tài cũng nhấn mạnh đến các đề xuất của Bộ Công Thương gần đây nếu được thông qua sẽ tạo thêm động lực mới cho ngành công nghiệp ôtô và công nghiệp hỗ trợ trước thềm hội nhập khu vực ASEAN. Đó là thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc giảm còn 0% từ đầu năm 2018, Chính phủ sớm giảm thuế nhập khẩu linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được và đang áp dụng khoảng 15-20% về 0%, đồng thời áp dụng thuế nhập khẩu ở mức trần cam kết đối với linh kiện đã sản xuất được trong nước để hỗ trợ sản xuất, giúp tạo việc làm ổn định cho hơn 120.000 lao động trực tiếp trong ngành ôtô.
Bên cạnh đó, để khuyến khích công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ cũng cần miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện phụ tùng đã được nội địa hóa, góp phần giảm giá xe ôtô xuất xưởng tại Việt Nam.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ có các biện pháp kiểm soát chống gian lận thương mại, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chứng nhận xuất xứ C/O trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% đối với các xe nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Việt Nam rất quan tâm tới ngành công nghiệp ôtô cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ cho ôtô. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Quyết định số 68/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2016 đến năm 2025.
Cùng với các nhóm giải pháp của Bộ và những đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương sẵn sàng bàn bạc để phát triển ngành công nghiệp ôtô ở Việt Nam một cách ổn định, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và thuế nhập khẩu ôtô từ nội khối về 0% từ đầu năm tới. Đặc biệt, Bộ cũng lưu ý đến vấn đề chống gian lận thương mại, bảo đảm môi trường cạnh bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước và nước ngoài.
Trước đó, đánh giá về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sau hơn 20 năm phát triển, Bộ Công Thương thẳng thắn thừa nhận hoàn toàn không đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, mục tiêu đề ra đối với xe đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hóa là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010, nhưng đến nay, tỷ lệ này mới đạt bình quân từ 7-10%. Không dừng lại ở đó, chất lượng xe dù có cải tiến nhưng không bằng xe nhập khẩu, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, sản xuất ôtô mới dừng ở mức độ lắp ráp đơn giản với 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra.
Theo Bộ Công Thương, ngoài dung lượng thị trường thấp, thời gian qua chính sách cho ngành này như thuế, phí, hạ tầng... thiếu ổn định và chưa có sự đồng thuận cao giữa các cơ quan quản lý nhà nước nên chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư./.
Vietnam+