Chi phí thiết kế chưa đầy 1%, Việt Nam khó có công trình xanh đúng chuẩn
Đây là khẳng định của Kiến trúc sư Trần Thành Vũ - Chuyên gia Chương trình năng lượng sạch Việt Nam tại Hội thảo “Phát triển khu đô thị cân bằng năng lượng đầu tiên tại Việt Nam” vừa được tổ chức vào sáng 7/3 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Thành Vũ, các chứng chỉ xanh của nước ngoài, chẳng hạn của Mỹ, có quy trình giám sát cực kì chặt chẽ. Nó đòi hỏi chủ đầu tư phải lượng hóa được năng lượng tiết kiệm, quy ra chi phí là bao nhiêu thì mới cấp. Còn ở Việt Nam, việc giám sát để cấp chứng chỉ xanh không chặt, cứ gần đạt được thì châm chước để cấp cho nhau."
Cũng theo ông Vũ, lý do chúng ta chưa có những công trình xanh chuẩn mực là trong khi ở nước ngoài, chi phí thiết kế chiếm tới 10% tổng vốn đầu tư thì tại Việt Nam chi phí này chỉ vỏn vẹn 1% của giá trị xây lắp (loại trừ chi phí thiết bị. Bên cạnh đó, thời gian làm thủ tục quá lâu cũng là yếu tố khiến việc tiết kiệm năng lượng trở nên xa vời.
Đồng quan điểm với ông Vũ, ông Poul E. Kristense, chuyên gia kỹ thuật cấp cao của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tại Việt Nam cho biết lĩnh vực sản xuất công nghiệp sử dụng khoảng 50% năng lượng của cả nước, tiếp theo là các công trình xây dựng với hơn 36%. Tại các công trình xây dựng, năng lượng chủ yếu sử dụng để làm mát, chiếu sáng...
Ông Poul E. Kristense cho rằng, để xây dựng khu đô thị cân bằng năng lượng tại Việt Nam, trước hết phải giảm mức sử dụng năng lượng, giảm sử dụng điện vào giờ cao điểm. Đồng thời, dần thay thế điện từ điện lưới quốc gia bằng các nguồn năng lượng tái tạo khác như năng lượng mặt trời.
Là một tronh những tập đoàn đang hướng đến mục tiêu xây dựng khu đô thị cân bằng năng lượng tại Việt Nam, chia sẻ bên lề hội thảo, ông Trần Như Trung - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường thừa nhận, “công trình zero energy” vẫn chỉ là một mục tiêu hướng tới chứ chưa phải là điều có thể thực hiện được. “Xây dựng một tòa nhà tiết kiệm được 20% năng lượng đã là thành tựu, đã là một thử thách rất khó khăn cho cả công tác thiết kế, thi công, đầu tư và vận hành chứ không hề đơn giản”.
Do vậy, ông Trung cho biết trước mắt Nam Cường sẽ tập trung lấy bằng được chứng xanh EDGE của IFC cho các dự án Anland 1, Anland 2… rồi tiến tới lấy chứng chỉ xanh cho toàn bộ sản phẩm thấp tầng.
Theo tính toán của ông Trung, chi phí xây dựng công trình xanh hiện nay dao động 2 – 19%. Tuy nhiên không phải cứ đổ nhiều tiền là sẽ có công trình xanh. Điều đó phụ thuộc vào độ thông minh trong thiết kế, lựa chọn vật tư, vật liệu. Với Nam Cường, ông Trung tự tin khẳng định chỉ cần 2% là đã có công trình đạt chuẩn xanh.