Chi phí vốn đi xuống giúp VPBank tối ưu lợi nhuận trong năm 2024
Chi phí vốn của VPBank được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức thấp so với năm 2023, qua đó giúp ngân hàng cải thiện NIM, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2023 của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) ghi nhận chi phí vốn (COF) của nhà băng có xu hướng suy giảm rõ nét. Theo đó, chi phí vốn trong quý 4 ở mức 5,6%, giảm đáng kể so với mức 6,4% quý trước đó.
Tại hội thảo gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân, ban lãnh đạo VPBank chia sẻ, chi phí vốn giảm mạnh trong quý 4 khi danh mục cho vay cũ của ngân hàng với kỳ hạn từ 6 tháng đến 1 năm bắt đầu đáo hạn và dần thay thế bằng các khoản vay mới có lãi suất thấp hơn. Đây là các khoản vay được giải ngân trong giai đoạn lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Chi phí vốn giảm mạnh là yếu tố quan trọng giúp biên lãi ròng (NIM) của ngân hàng cải thiện tích cực trong quý 4 vừa qua, đạt mức 6,2% so với mức 5,6% của 2 quý liền trước đó. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy lợi nhuận của VPBank sẽ có nhiều cơ hội cải thiện trong năm 2024, đặc biệt là khi mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp, tạo điều kiện để chi phí vốn có thể sẽ giảm sâu hơn nữa.
"Chi phí huy động của toàn thị trường cũng như của VPBank trong năm 2024 sẽ được duy trì ổn định ở mức thấp hơn năm 2023", một đại diện của VPBank chia sẻ trong cuộc họp tổ chức cuối tuần qua.
Theo vị đại diện này, chi phí vốn đi xuống sẽ là yếu tố chính để cải thiện NIM của VPBank trong năm 2024. Hiện tại, nhiều yếu tố vĩ mô thuận lợi giúp các nhà băng huy động được nguồn vốn giá rẻ. Đầu tiên có thể là các biện pháp từ phía NHNN. Kể từ đầu năm 2023, NHNN đã có nhiều lần hạ lãi suất liên tiếp kết hợp với các biện pháp ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát hiệu quả.
Những chính sách hỗ trợ nền kinh tế của NHNN càng được củng cố từ tình hình vĩ mô toàn cầu khi các ngân hàng trung ương thế giới gần đây cũng bắt đầu kế hoạch cắt giảm lãi suất. Song song với đó, thanh khoản toàn hệ thống thời gian qua cũng đang dư thừa, không tạo áp lực gia tăng chi phí vốn cho các ngân hàng.
Với VPBank, ngân hàng đang nỗ lực tận dụng những lợi thế mà môi trường vĩ mô mang lại. Lãi suất tiền gửi kì hạn 12 tháng của VPBank hiện đã xuống mức 5,3%/năm, tương đương lãi suất huy động giai đoạn cuối năm 2021 - giai đoạn ngân hàng có chi phí vốn thấp nhất.
Tính đến cuối năm 2023, ngân hàng mẹ ghi nhận tăng trưởng huy động lên tới 37,1% trong khi tăng trưởng tín dụng mới ở mức 31,8%. Sự chênh lệch này phản ánh thanh khoản dồi dào của VPBank, tạo điều kiện để nhà băng duy trì môi trường lãi suất huy động thấp.
Mặt khác, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng là một lợi thế của VPBank để giảm thiểu chi phí vốn. CASA được cải thiện rõ rệt với mức tăng 33% so với thời điểm đầu năm, giúp nâng tỷ lệ CASA trong tổng cơ cấu nguồn vốn huy động của VPBank lên mức 17,6%.
Ngoài ra, VPBank cũng nỗ lực giảm thiểu chi phí vốn trong trung - dài hạn khi không ngừng khai thác nguồn vốn ngoại với kỳ hạn dài và chi phí hợp lý. Có thể kể tới khoản vay 300 triệu USD kỳ hạn 7 năm với Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) hay nguồn lực từ đối tác chiến lược SMBC.
Với những yếu tố thuận lợi kể trên, kết hợp với những khoản huy động lãi suất cao giai đoạn cuối năm 2022 cũng sẽ sớm đáo hạn trong thời gian tới, ban lãnh đạo VPBank kỳ vọng chi phí vốn của VPBank trong năm 2024 có thể giảm tối thiểu từ 1% so với năm trước. Ngân hàng cũng đang đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, thu hồi lãi treo (lãi tính trên khoản nợ quá hạn) và kiểm soát chính sách tín dụng, từ đó hạ tỷ lệ chuyển dịch nợ quá hạn của ngân hàng.
"Kết hợp 2 yếu tố chi phí vốn và kiểm soát chất lượng nợ, VPBank kỳ vọng NIM sẽ cải thiện so với năm 2023. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng cũng sẽ được xem xét để cân bằng với hoạt động cho vay, công tác quản trị chất lượng nợ đối với các khoản nợ của danh mục cũ mà ngân hàng đã giải ngân", vị đại diện của VPBank nhận định.
Tổ Quốc
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- Cuộc đua CASA ngân hàng: Từ “thách thức kép” 2023 sang “thuận lợi kép” 2024
- Sẽ sớm có ngân hàng Việt Nam cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD
- Chạy đà ấn tượng, Techcombank sẽ “bay cao” trong năm “rồng”?
- Cuộc đua tăng vốn ngân hàng: Từ một nhà băng vắng tên trong Top 10, sau 10 năm vọt lên dẫn đầu và bỏ xa Big 4
- Cuộc đua hút tiền gửi: Những ngân hàng nào được người dân gửi nhiều tiền nhất?