Chỉ số đồng USD liên tục trượt giảm, đâu sẽ là đáy?
Theo giới phân tích, vùng đáy của chỉ số đồng USD kể từ năm 2015 là quanh mức 89 điểm, một vùng quan trọng các nhà giao dịch cần theo dõi.
Chỉ số đồng USD tiếp tục có phiên trượt giảm vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (4/12) sau khi báo cáo cho thấy số lượng việc làm mới tạo ra trong tháng 11 thấp hơn dự báo.
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, chỉ số đồng USD giảm 0,25%, xuống còn 90,51 điểm, khi báo cáo việc làm của Mỹ công bố cho thấy nước này chỉ tạo ra 245 nghìn việc làm mới trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với con số dự báo trước đó là 432 nghìn việc làm và thấp hơn báo cáo trước đó là 610 nghìn việc làm.
Tính chung cả tuần, chỉ số đồng USD đã giảm 1,6%. So với đồng euro, đồng USD đã giảm 2,4% và giảm 0,76% so với đồng nhân dân tệ.
Thời gian gần đây, các số liệu kinh tế yếu đi cùng hàng loạt các đợt phong tỏa mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Covid-19 đã gây áp lực lên sự phục hồi nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư chứng khoán dường như không mấy quan tâm đến điều này khi S&P 500 đã tăng tới 1,5% trong tuần qua.
Theo giới phân tích, thị trường chứng khoán có những bước nhảy vọt trong thời gian qua chủ yếu là nhờ kỳ vọng sẽ sớm xuất hiện thêm các gói kích thích tài khóa mới, cùng với đó, vắc xin cũng sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Theo đó, nền kinh tế sẽ sớm được phục hồi.
Dù vậy, việc đồng USD yếu đi dường như là sự phản ánh sự phục hồi kinh tế Mỹ sẽ yếu hơn so với sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số đồng USD đã giảm 12% kể từ mức đỉnh hôm 20/3/2020 - thời điểm cả thế giới đổ xô vào đồng bạc xanh, đi tìm sự an toàn khi đại dịch bùng phát.
Sự suy giảm đã duy trì trong vài tháng gần đây. Chỉ số đồng USD đã giảm 3,2% kể từ hôm 3/11, không chỉ là ngày đánh dấu bắt đầu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mà còn là thời điểm quan trọng khi dữ liệu công bố cho thấy hai loại vắc xin Covid-19 có tỷ lệ hiệu quả tới gần 100%.
Theo các nhà kinh tế, vắc xin mới sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và làm suy yếu đồng USD. Capital Economics vào cuối tháng 11 đã đưa ra dự báo đồng nhân dân tệ sẽ tăng hơn 5% so với đồng USD trong thời gian tới.
Theo giới phân tích, vùng đáy của chỉ số đồng USD kể từ năm 2015 là quanh mức 89 điểm, một vùng quan trọng các nhà giao dịch cần theo dõi. Nếu rơi xuống dưới ngưỡng này, có thể đồng USD sẽ bước vào một thời kỳ mới, với sự yếu thế hơn so với các tiền tệ khác.
Trong vòng 5 năm qua, mức thấp nhất của đồng USD so với đồng euro là 80. Chỉ số Wall Street Journal Dollar Index đang được giao dịch quanh ngưỡng thấp nhất kể từ tháng 3/2018. Chỉ số này đang có tuần giảm thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 7/2020.
Những chuyển động của đồng bạc xanh có rất nhiều ý nghĩa đối với các nhà đầu tư chứng khoán. Đồng USD suy yếu sẽ mang tính tích cực đối với các cổ phiếu vốn hóa lớn hơn là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn có xu hướng hướng tới thị trường nội địa nhiều hơn.
Trong khi đó, các công ty lớn thường có một phần doanh thu lớn từ nước ngoài, theo đó, việc chuyển đổi tiền tệ từ nguồn doanh thu nước ngoài sẽ được hưởng lợi khi đồng USD yếu đi.
Ngoài ra, các cổ phiếu giá trị cũng có thể được hưởng lợi. Đồng USD yếu phản ánh một môi trường kinh tế toàn cầu mạnh mẽ, điều này thường có lợi hơn cho các cổ phiếu có giá trị chu kỳ.
Với Việt Nam, nằm trong đà trượt mạnh của chỉ số đồng USD nói trên, cuối tháng 11 vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã giảm mạnh giá mua vào USD (giảm từ 23.175 VND xuống 23.125 VND), tạo "cú hích" điều chỉnh tỷ giá USD/VND trên các thị trường thời gian gần đây.
BizLIVE