CPI lõi của Mỹ tăng mạnh cao nhất kể từ 1982, mối lo ngại lạm phát dâng cao
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, CPI nước này tăng 0,8% so với tháng trước, trong bối cảnh giá ô tô đã qua sử dụng tăng lên mức kỷ lục. CPI cốt lõi đã tăng 0,9% so với tháng 4. CPI thường niên tăng lên mức 4,2%, được so sánh theo cơ sở chỉ số giảm mạnh vào tháng 4/2020 do ảnh hưởng của đại dịch.
- 12-05-2021Giá quặng sắt tăng 'điên cuồng' lên mức kỷ lục, trader hàng hoá kỳ cựu dự đoán xu hướng này sẽ còn kéo dài lâu hơn nữa
- 12-05-2021Lạm phát nóng dần lên từng ngày, thị trường tài sản hứng chịu những 'cơn gió giật' mạnh
Chỉ số Giá Tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009. Diễn biến này khiến mối lo ngại về lạm phát càng trở nên căng thẳng hơn.
Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tháng 4, CPI nước này tăng 0,8% so với tháng trước, trong bối cảnh giá ô tô đã qua sử dụng tăng lên mức kỷ lục. Không bao gồm các loại thực phẩm và năng lượng thường chứng kiến tình trạng giá biến động, CPI cốt lõi đã tăng 0,9% so với tháng 4. Mức tăng này diễn ra trên diện rộng và là mức cao nhất kể từ năm 1982.
CPI cốt lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) và CPI của Mỹ so với tháng trước.
Ngoài ra, giá xe đã qua sử dụng tăng 10%, chiếm hơn 1/3 mức tăng của CPI và giá xe mới cũng cao hơn trong tháng trước.
Theo dự báo từ các nhà kinh tế học được Bloomberg khảo sát, CPI tăng 0,2% trong khi CPI cốt lõi tăng 0,3%. Sau khi số liệu mới được công bố, trái phiếu kho bạc đều sụt giảm, với lợi suất trái phiếu 10 năm tăng lên mức 1,647%, đồng USD tăng giá và hợp đồng tương lai S&P 500 giao dịch tiêu cực. CPI thường niên tăng lên mức 4,2%, được so sánh theo cơ sở chỉ số giảm mạnh vào tháng 4/2020 do ảnh hưởng của đại dịch.
Ngoài mức giá tăng lên, một trong những lý do chính khiến CPI tăng cao là do "hiệu ứng cơ sở", nghĩa là lạm phát ở mức rất thấp ở thời điểm này vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Mỹ đóng cửa trên diện rộng. Hiệu ứng này có khả năng sẽ ảnh hưởng đến số liệu trong tháng 5 và các cuộc thảo luận liên quan đến lạm phát.
Trước đó, các quan chức Fed và các nhà kinh tế thừa nhận mức giá chung đang tăng "tạm thời". Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu đây có phải là giai đoạn đầu của xu hướng diễn ra dài hơn đối với áp lực lạm phát hay không, trong bối cảnh giá hàng hoá tăng cao, nền kinh tế đón nhận hàng nghìn tỷ USD kích thích và những dấu hiệu ban đầu về chi phí lao động tăng cao.
CPI cốt lõi cũng có xu hướng tăng cao hơn bởi "hiệu ứng cơ sở", chỉ số này tăng 3% so với 1 năm trước. Trong năm ngoái, chỉ số này chỉ ở mức dưới 2%.
Số liệu mới công bố sẽ cung cấp thông tin chi tiết về áp lực giá đang gia tăng ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ. Mức lương cũng đang có dấu hiệu tăng lên và những vấn đề trong chuỗi cung ứng xảy ra trong thời gian dài đã khiến giá nguyên vật liệu tăng cao.
Trong khi các nhà sản xuất đối mặt với thách thức, nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên cũng giúp các công ty tự tin hơn về việc họ có thể "gánh chịu" một số chi phí mới. Nếu tiếp tục duy trì, tình trạng "nút thắt cổ chai" trong hoạt động sản xuất có thể sẽ tạo ra rủi ro lạm phát tăng cao.
Chủ tịch Fed Jerome Powell gần đây cho biết áp lực giá gia tăng đến từ sự hồi phục của chi tiêu và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung sẽ chỉ có tác động "nhất thời" đối với lạm phát. Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với nhận định này. Kỳ vọng của thị trường trái phiếu về tốc độ lạm phát giá tiêu dùng trong 5 năm qua đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006 vào đầu tuần này.