MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số IQ cao là yếu tố số 1 dự đoán tiềm năng của một người, nhưng 5 đặc điểm này là chìa khóa quyết định sự thành bại

14-07-2022 - 21:35 PM | Sống

Người có chỉ số IQ cao có thể không trở thành người thành công nhất, nhưng họ chắc chắn có khởi đầu thuận lợi.

Gần đây, cô bé 2 tuổi Isla McNabb ở Kentucky (Mỹ) trở thành thành viên trẻ nhất từ trước đến nay của Mensa - cộng đồng gồm những người có chỉ số IQ cao nhất và lâu đời nhất thế giới. Thành viên của tổ chức này là những người có điểm 98% trở lên trong bài kiểm tra IQ được chuẩn hoá. 

Đặc biệt, Isla McNabb có điểm ở phần trăm thứ 99. Khi được khoảng 18 tháng tuổi, cô bé đã biết đọc bảng chữ cái và viết. Trí thông minh của cô bé khiến nhiều người kinh ngạc và dự đoán về những thành tựu ấn tượng trong tương lai.

Câu chuyện của Isla McNabb đã đặt ra câu hỏi: Liệu chỉ số IQ cao có giúp trẻ đạt được thành công trong sự nghiệp hoặc tài chính không? Theo nhà tâm lý kiêm giáo sư của Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) John Antonakis, câu trả lời về cơ bản là có. "IQ là yếu tố dự đoán quan trọng nhất về thành công trong công việc. Đó là công cụ dự đoán mạnh mẽ và đáng tin cậy", giáo sư John Antonakis cho biết.

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu tâm lý học của Đại học Vanderbilt (Tennessee, Mỹ) đưa ra phát hiện của họ. Những người với chỉ số IQ cao có mức thu nhập trung bình cao hơn những người với chỉ số IQ thấp hơn. Các nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng chỉ số IQ cao tương đối đáng tin cậy trong việc dự đoán thành tích học tập, hiệu suất công việc, tiềm năng nghề nghiệp và khả năng sáng tạo.

Giáo sư Antonakis cho biết chỉ số thông minh cao là yếu tố dự báo đặc biệt đáng chú ý cho sự thành công trong nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao như nhà vật lý, kỹ sư hoặc thậm chí là bác sĩ giải phẫu thần kinh.

Chỉ số IQ cao là yếu tố số 1 dự đoán tiềm năng của một người, nhưng 5 đặc điểm này là chìa khóa quyết định sự thành bại - Ảnh 1.

Cô bé thần đồng Isla McNabb. Ảnh: CourierJournal.

5 yếu tố ảnh hưởng đến sự thành bại

Tuy nhiên, một người vẫn có thể đạt được thành tựu lớn dù không phải thành viên của Mensa nhờ vào 5 kỹ năng và đặc điểm. Đó là khả năng hướng ngoại và thân thiện, sự tự tin, sự cởi mở với những trải nghiệm mới, khả năng tổ chức, kỹ năng giao tiếp. Chúng đóng vai trò quan trọng trong sự thành bại và hạnh phúc nói chung.

Giáo sư Antonakis nói: "Định nghĩa hiện đại của trí thông minh là khả năng học hỏi. Khả năng học hỏi của bạn càng lớn, bạn càng có nhiều khả năng thực hiện tốt công việc và thăng tiến trong sự nghiệp".

Mặt khác, chỉ số IQ thấp hơn không đồng nghĩa với việc bạn sẽ có cuộc sống không thành công hay viên mãn. Chỉ cần bạn cố gắng tối đa hóa các kỹ năng và thế mạnh của bản thân. 

Chỉ số IQ cao là yếu tố số 1 dự đoán tiềm năng của một người, nhưng 5 đặc điểm này là chìa khóa quyết định sự thành bại - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ: CNBC Make It.

 Chiếc chìa khoá không thể thiếu của bất cứ ai

Chỉ số IQ cao có thể là yếu tố dự báo thành công đáng tin cậy, nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Giáo sư Antonakis lưu ý rằng bối cảnh là điều quan trọng. Chẳng hạn, chỉ số IQ cao chưa chắc sẽ giúp một người phát triển mạnh khi  làm công việc ít đòi hỏi chuyên môn sâu. Đơn giản vì công việc không khiến họ cảm thấy hứng thú.

"Tất nhiên, nếu bạn đặt một người quá thông minh vào vị trí của một người gác cổng, họ sẽ cảm thấy nhàm chán vì không đủ thử thách", giáo sư Antonakis chia sẻ. Giáo sư cho rằng phải có sự phù hợp giữa yêu cầu công việc và đặc điểm của người sẽ đảm nhận công việc đó.

Trong trường hợp khác, các nhà lãnh đạo sẽ gặp trở ngại nếu chỉ số IQ của họ cao hơn đáng kể so với các nhân viên. Antonakis giải thích rằng khoảng cách IQ giữa người dẫn đầu và những người phía sau quá lớn sẽ khiến việc quản lý và lãnh đạo trở nên khó khăn. Khi ấy, khoảng cách giữa người với người sẽ tăng lên. Ngược lại, nhân viên cũng có thể gặp phải những trở ngại tương tự nếu họ thông minh hơn sếp. 

Lúc này, giao tiếp chính là chìa khoá tháo gỡ khúc mắc. Antonakis đã đưa ra ví dụ về nhà lãnh đạo tài ba như hai Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bill Clinton, hai Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Winston Churchill. Họ đã sử dụng kỹ năng giao tiếp và sự lôi cuốn của mình để trình bày các chiến lược phức tạp theo những cách dễ hiểu và thuyết phục được nhiều người.

Các nhà nghiên cứu đã mô tả khả năng này là trí thông minh cảm xúc hay EQ. Antonakis cho rằng EQ thực sự là một yếu tố của IQ. Nếu là nhà lãnh đạo đủ thông minh, bạn sẽ tìm ra cách truyền đạt ý tưởng của mình theo cách hấp dẫn nhất có thể. 

https://cafef.vn/chi-so-iq-cao-la-yeu-to-so-1-du-doan-tiem-nang-cua-mot-nguoi-nhung-5-dac-diem-nay-la-chia-khoa-quyet-dinh-su-thanh-bai-20220713172844145.chn

Lam Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên