Chỉ số ngành, công cụ hỗ trợ quản trị cho nhà đầu tư chứng khoán
Bên cạnh 3 nhóm ngành chính là tài chính, bất động sản và tiêu dùng đang chi phối VN-Index, các nhóm ngành công nghiệp, năng lượng và đặc biệt là dầu khí cũng có thể trở thành nhóm ngành tiềm năng để xây dựng chỉ số ngành để đầu tư.
Chỉ số chứng khoán trung bình đã ra đời từ 1884 và tới nay đã có những bước phát triển vượt bậc. Các chỉ số chứng khoán, Chỉ số ngành đều là các chỉ số thống kê phản ánh thực trạng, diễn biến tình hình thị trường cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết của nhiềm nhóm ngành hoặc cùng ngành. Nhìn chung, các chỉ số chứng khoán có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư cá nhân và đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức và các quỹ hoán đổi danh mục ETFs.
Trong những năm gần đây, đã có hàng loạt quỹ đầu tư đẩy mạnh đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam thông qua mua cổ phiếu hoặc trái phiếu. Theo thống kê của Bloomberg có tới gần 100 quỹ đang đầu tư vào thị trường Việt Nam, hầu hết các quỹ đầu tư chỉ đang sử dụng chỉ số cơ sở (benchmark) là MSCI Emerging Markets (EM) Index hoặc chỉ số VN30. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài đang có khá ít lựa chọn để mô phỏng theo chỉ số cơ sở, chính vì lẽ đó mà Sở giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã và đang xây dựng thêm các bộ chỉ số VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select dành cho cổ phiếu hết room và ngành tài chính.
Nhu cầu về xây dựng chỉ số ngành
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành quỹ ETF – Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM), việc ra đời các bộ chỉ số ngành là một bước tiến lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm chỉ số ngành mà hiện tại mới chỉ có chỉ số ngành dầu khí PVN-Index đang được UBCK và HoSE nghiên cứu xem xét. Nhìn chung với một số ngành quanh trọng, cần phải có một bộ chỉ số riêng bởi chúng đóng vai trò là thước đo để nhà đầu tư có thể sử dụng để so sánh và phân tích hiệu suất đầu tư danh mục của mình so với thị trường. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể sử dụng chỉ số ngành để biết được nhà quản lý sử dụng tiền của mình đầu tư hiệu quả như thế nào.
Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc điều hành quỹ ETF – Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM)
Đối với các thị trường chứng khoán phát triển trên thế giới, các chỉ số chứng khoán, chỉ số công nghiệp hay chỉ số ngành đặc thù như năng lượng, công nghệ đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ thì ở TTCK Việt Nam, ông Hạnh cho rằng trong tương lai sẽ xuất hiện nhiều bộ chỉ số ngành như xây dựng, chỉ số ngành năng lượng bên cạnh bộ chỉ số ngành dầu khí PVN-Index. Các nhà đầu tư đều coi chỉ số ngành là một công cụ để nhà đầu tư có thể dự đoán xu hướng thị trường, có thể đem đến cho các nhà đầu tư cái nhìn rõ ràng hơn về từng ngành như đang đắt hay rẻ, hấp dẫn hay rủi ro trước khi giải ngân.
Bên cạnh 3 nhóm ngành chính là tài chính, bất động sản và tiêu dùng đang chi phối VN-Index, các nhóm ngành công nghiệp, năng lượng và đặc biệt là dầu khí cũng có thể trở thành nhóm ngành tiềm năng để xây dựng chỉ số ngành để đầu tư. Khảo sát nhu cầu nhà đầu tư nước ngoài của cho thấy, các nhà đầu tư có xu hướng thích các cổ phiếu bán lẻ, công nghệ và dầu khí hơn, ngoài ngành dầu khí thì 2 nhóm ngành kia có số lượng công ty khá ít và khó đủ để lập chỉ số.
Các quỹ ETF mô phỏng chỉ số tài chính, chỉ số công nghiệp, năng lượng đều có sức hấp dẫn cao đối với nhà đầu tư, đặc biệt khi các tổ chức đầu tư luôn phân bổ một phần vốn vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, tiêu dùng hay các cổ phiếu dầu khí. Các chỉ số mới và các sản phẩm tài chính dựa trên các chỉ số này sẽ tạo ra nhiều lựa chọn đầu tư đa dạng hơn. Ðiều này đặc biệt hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, những người khá ưa thích thị trường Việt Nam bởi sự ổn định của tình hình vĩ mô và thực tế thặng dư thanh toán cao.
Dòng tiền ETFs đổ mạnh vào thị trường Việt Nam
Một trong các sản phẩm tài chính dựa trên chỉ số cổ phiếu đang lên ngôi mạnh mẽ trên thế giới và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng phân bổ tài sản toàn cầu là quỹ hoán đổi danh mục dựa trên các bộ chỉ số (quỹ ETF). Kênh huy động vốn này ngày càng trở nên phổ biến và tiện lợi với chi phí thấp và hiệu quả đầu tư khá tốt. Theo thống kê, 9 quỹ ETFs hiện diện trên TTCK Việt Nam đã hút ròng lượng tiền lên tới 203 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, trong đó lượng giải ngân ròng vào thị trường Việt Nam khoảng 200 triệu USD (khoảng 4.700 tỷ đồng).
Dòng vốn ETFs đổ mạnh vào TTCK Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019
Trong thời gian tới, việc ra đời các bộ chỉ số VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select được dự báo sẽ giúp dòng tiền từ các quỹ ETF đổ mạnh hơn nữa vào Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, ngoài 3 bộ chỉ số mới đang được các nhà đầu tư tổ chức quan tâm thì chỉ số PVN-Index nhiều khả năng cũng sẽ được UBCK, sở GDCK TP. HCM xem xét trong tương lai không xa. Thực tế cho thấy, ngành dầu khí có đóng góp trung bình hàng năm khoảng 10 -13% vào tổng GDP của cả nước. Dầu khí là ngành lớn với trên dưới 40 doanh nghiệp đứng top 3 nhóm ngành vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam và không có lẽ gì chúng ta lại không có bộ chỉ số ngành riêng – đây cũng là nhu cầu mong mỏi của các quỹ đầu tư nói chung khi làm việc thông qua SSIAM.
Vận hành chỉ số gắn kết với hoạt động IR
Bên cạnh việc theo dõi chỉ số ngành, các nhà đầu tư, công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ như Bản việt, HSC, BSC, SSIAM, PVIAM, DC, Mekong Capital, Vinacapital đều rất quan tâm đến các hoạt động, các chương trình kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp nằm trong bộ chỉ số. Chương trình Hành trình Năng lượng tổ chức hàng năm gắn liền với bộ chỉ số PVN-Index là sự kiện để các nhà đầu tư có thể trao đổi thông tin với các lãnh đạo PVN, các lãnh đạo doanh nghiệp về các dự án dầu khí trọng điểm, kết quả và triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Theo ông Nguyễn Minh Hạnh, nếu có thể được chỉ số ngành nên gắn kết với hoạt động quan hệ nhà đầu tư, đi thăm doanh nghiệp, nhà máy cần được triển khai đa dạng hơn để các CTCK, quỹ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức không chỉ được tham gia các hội thảo chuyên đề mà còn được đi thăm doanh nghiệp "tai nghe mắt thấy" hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thành viên.