Chỉ số nộp thuế và áp lực cải thiện môi trường kinh doanh
Sự thăng hạng của chỉ số nộp thuế trên Bảng xếp hạng toàn cầu về Môi trường kinh doanh của Việt Nam hay các con số thủ tục hành chính được cắt giảm trong lĩnh vực thuế là kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó, trước hết, đến từ thay đổi nhận thức, cải cách tư duy về quản lý nhà nước.
- 16-12-2020Kinh tế trưởng Mekong Economics: Chiến thắng của Việt Nam trước Covid-19 có thể mang lại lợi ích lâu dài
- 16-12-2020Xuất khẩu máy vi tính, dệt may tăng hàng trăm triệu USD trong 15 ngày cuối tháng 11
- 16-12-2020ADB hỗ trợ vốn sản xuất thuốc gốc ở Việt Nam
Phía sau những con số báo cáo
Suốt nhiệm kỳ Chính phủ từ 2016-2020, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở cải thiện các thứ bậc của Việt Nam trong các bảng xếp hạng toàn cầu được Chính phủ đặt lên hàng ưu tiên, với việc phân giao nhiệm vụ, trách nhiệm rốt ráo, mục tiêu cụ thể cho từng bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, yêu cầu đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước có môi trường kinh doanh hấp dẫn ASEAN đã tạo áp lực thay đổi tư duy quản lý nhà nước cho các bộ ngành, địa phương, cho từng công chức nhà nước.
Nếu năm 2020 diễn ra như nhiều năm trước, chỉ số về nộp thuế của Việt Nam trên Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2021 của Ngân hàng Thế giới (WB) - thường được công bố cuối tháng 10 hàng năm – nhiều khả năng sẽ lần đầu vượt qua mức trung bình toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến 31/10/2020, tổng số thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ này là 979 thủ tục. Trong số này, 60% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Bộ cũng đã tích hợp 294 thủ tục hành chính dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia...
Riêng lĩnh vực thuế, ngành thuế cũng đã phối hợp với 55 ngân hàng thương mại để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử, với khoảng 98% doanh nghiệp tham gia. Tính đến tháng 10/2020, đã có 208.647 tài khoản được cấp để cung cấp dịch vụ nộp thuế điện tử cho cá nhân…
Đặc biệt, đầu tháng 10/2019, Tổng cục Thuế đã ra mắt Hệ thống eTax, từ đó đã thiết lập 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế trong toàn ngành, đảm bảo tất cả doanh nghiệp, người nộp thuế đều được hỗ trợ qua kênh thông tin điện tử này. Ngành thuế cũng đã thực hiện thí điểm dịch vụ hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế đối với 255 doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM, tiến tới mở rộng trên toàn quốc...
Nhưng kịch bản đáng được chờ đợi trên đã không thể diễn ra. COVID-19 khiến bối cảnh kinh doanh toàn cầu thay đổi bất thường, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các kết quả đánh giá, buộc WB quyết định không thực hiện xếp hạng Môi trường kinh doanh 2021.
Dù vậy, với nhiều chuyên gia, các thứ hạng cao hơn của chỉ số nộp thuế không còn là mục tiêu quá khó. Phải nhắc lại, năm ngoái, chỉ số này của Việt Nam là 109/190, tăng 22 bậc do với lần xếp hạng trước đó.
Điều đáng nói, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM) - một trong những người tham gia xây dựng các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nộp thuế cũng là một trong số ít chỉ số được ghi nhận vừa thăng hạng, vừa có cải cách liên tục trong 5 năm qua, tính từ Bảng xếp hạng Môi trường kinh doanh 2016.
"Trong 5 năm, chỉ số nộp thuế tăng 58 bậc, chỉ đứng sau chỉ số tiếp cận điện, nhưng năm nào cũng được ghi nhận có cải cách. Năm ngoái, chỉ số này được ghi nhận cải cách trong nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin ngành thuế, đăng ký và nộp thuế điện tử", bà Thảo phân tích.
Bộ Tài chính cho biết, 60% thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4
Những đòi hỏi của cải cách
Tuy nhiên, bảng xếp hạng chỉ là một khía cạnh, và là khía cạnh chưa hẳn đã quan trọng nhất. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Na - VCCI), "doanh nghiệp được hưởng lợi rất lớn từ những cải cách này".
Khảo sát của VCCI về thủ tục hành chính trong ngành thuế năm 2019 cho thấy rõ điều này. 80% doanh nghiệp nói thuận lợi khi thực hiện các nghĩa vụ thuế, đa số đánh giá quy trình thủ tục dễ làm hơn trước, cụ thể là thủ tục nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thủ tục mua đăng ký, báo cáo sử dụng hóa đơn.
Sự dễ dàng này đồng nghĩa với chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, gồm cả chi phí thời gian, tiền bạc, nhân lực, giảm đi đáng kể.
Chẳng hạn, với thủ tục đăng ký thuế, với việc thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành 1 mã số doanh nghiệp duy nhất và thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, đã giúp rút ngắn được thời gian cấp mã số thuế từ 30 ngày xuống còn không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ của người nộp thuế…
Hay như trong trong lĩnh vực hải quan, kể từ khi Hải quan Việt Nam sử dụng hệ thống hải quan tự động (VNACCS/VCIS) vào năm 2014 đến nay, thời gian tiếp nhận, xử lý, trả kết quả trong thời gian chỉ từ 1-3 giây. Thời gian thông quan hàng xuất, nhập khẩu giảm đáng kể. Với khoảng 11 - 12 triệu tờ khai/năm, hệ thống thông quan điện tử đã giúp tiết kiệm hàng trăm triệu USD...
Môi trường kinh doanh Việt Nam, năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể đột phá nếu chỉ trông vào nỗ lực cải cách ở một vài chỉ số, một vài bộ, ngành, một vài địa phương. "Vấn đề ở đây là tư duy, nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thực sự muốn thay đổi, thật lòng muốn cải cách, kết quả sẽ khác với cách làm theo phân công, chỉ vì nhiệm vụ mà phải làm", bà Nguyễn Minh Thảo nhận định.
Do đó, theo các chuyên gia, nâng cao hơn nữa chất lượng phối hợp giữa các bộ, ngành sẽ là một trong những nội dung trọng tâm trong số các giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
VGPnews