Chi vài nghìn tỷ nhưng REE vẫn "lép vế" trước Bitexco trong cuộc đua thâu tóm các công ty thuỷ điện
Cả REE và Bitexco đều đang có những động thái rất mạnh mẽ để gia tăng "bộ sưu tập" các khoản đầu tư ngành điện của mình.
- 29-05-2017Bất đồng giữa REE, Perfetto với EVN, các nội dung trình Đại hội cổ đông của Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) đều bị phủ quyết
- 23-03-2017Rót 6.000 tỷ vào điện nước nhưng bất động sản vẫn là mảng kiếm tiền "ngon" nhất của REE
- 05-09-2016Các dự án thủy điện của Hoàng Anh Gia Lai tại Việt Nam đã về tay Bitexco
Trong xu hướng các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào lĩnh vực điện năng, CTCP Cơ điện lạnh (REE) nổi lên như là một trong những nhà đầu tư tích cực nhất. Với tiềm lực tài chính dồi dào, REE đã đầu tư khoảng 4.400 tỷ đồng vào 12 công ty sản xuất điện lớn nhỏ.
Theo báo cáo tài chính của REE, công ty đã đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào 8 công ty thủy điện như Thác Bà, Vĩnh Sơn Sông Hinh, Thủy điện miền Trung, Thác Mơ… cùng 1.300 tỷ đồng đầu tư vào 3 công ty nhiệt điện gồm Phả Lại, Quảng Ninh, Ninh Bình và khoản đầu tư nhỏ vào công ty phong điện Thuận Bình.
Hiện tại, tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư này vào khoảng gần 6.500 tỷ - tức tăng hơn 2.000 tỷ so với giá vốn đầu tư.
Tuy nhiên, hiện tại REE mới chỉ nắm quyền kiểm soát (trên 50% cổ phần) tại duy nhất Thác Bà, công ty thuỷ điện có công suất 120MW tại Tuyên Quang. Xét một cách tổng thể, REE như một "quỹ đầu tư" đầu tư vào ngành điện với tỷ lệ nắm giữ tại các công ty mục tiêu từ 20-40% cổ phần và ghi nhận là công ty liên kết.
Danh mục đầu tư ngành điện của REE tính đến giữa năm 2017
Không được biết đến nhiều như REE nhưng CTCP Năng lượng Bitexco (Bitexco Power) – nhánh phụ trách đầu tư ngành điện của Tập đoàn Bitexco cũng đã và đang có hàng loạt thương vụ lớn để gia tăng vị thế của mình trong ngành.
Trong khi REE chỉ đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần thì Bitexco vừa trực tiếp đầu tư dự án cũng như mua lại một số dự án có tiềm năng. Một điểm khác biệt nữa là Bitexco chỉ đầu tư vào thuỷ điện và nắm quyền kiểm soát đối với hầu hết các công ty trong danh mục của mình.
Xét riêng trong lĩnh vực thủy điện thì Bitexco đã đầu tư mạnh tay hơn REE rất nhiều. Theo thông tin trên website của Bitexco, tập đoàn này đầu tư vào 10 công ty Thuỷ điện đang vận hành và sở hữu 18 nhà máy thủy điện trên khắp cả nước với tổng công suất đạt gần 1.000 MW. Phần lớn các dự án thủy điện của Bitexco Power có công suất nhỏ, những dự án có công suất lớn nhất gồm có Đak Mi 4 hay Nho Quế 3.
Với công suất 208MW, Thuỷ điện Đak Mi 4 (bao gồm các nhà máy 4A, 4B và 4C) là một trong số những dự án thuỷ điện lớn nhất bên ngoài EVN. Năm 2016, Bitexco thông qua CTCP Thuỷ điện Đak Mi 4 đã nhận chuyển nhượng các dự án thuỷ điện này từ Tổng công ty Idico với tổng giá trị sổ sách hơn 5.800 tỷ đồng, bao gồm cả vốn góp và nợ.
Bitexco Power cũng chính là công ty đã mua lại 6 dự án thuỷ điện của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tại Việt Nam. Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2013, HAGL đã chuyển giao 6 dự án thủy điện với tổng công suất 212MW sang cho Công ty TNHH Thủy điện Tây Nguyên.
Sau một số lần sang tên đổi chủ đến cuối năm 2015, Bitexco Power cùng các công ty liên quan đã chính thức tiếp quản Thủy điện Tây Nguyên. Giá trị của thương vụ này vào khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2015, Bitexco đã mua lại 50% cổ phần của Thủy điện Văn Chấn (Yên Bái, công suất 57MW) từ CTCP Cơ điện Xây dựng (MCG).
Với hàng loạt dự án thuỷ điện lớn nhỏ đang sở hữu, đầu năm 2017, Bitexco đã chào bán thành công 12,2% cổ phần phát hành mới cho Ngân hàng UOB của Singapore và Orix Corporation của Nhật Bản. Theo báo Straits Times của Singapore, giá trị của thương vụ này vào khoảng 50 triệu USD - tương ứng với việc định giá Bitexco Power lên đến 410 triệu USD (hơn 9.300 tỷ đồng).
Sau khi cổ phiếu đã tăng gấp rưỡi từ đầu năm đến nay, hiện vốn hóa thị trường của REE cũng mới chỉ ở mức 500 triệu USD, tức nhỉnh hơn không nhiều so với Bitexco Power. Điều đáng nói là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng chỉ là 1 trong số nhiều nguồn thu của REE, bên cạnh một số mảng kinh doanh quan trọng khác như nước sạch, bất động sản và cơ điện.
Trí Thức Trẻ