Bi kịch của thủ khoa đại học 12 năm đi nhặt rác kiếm sống: Khi trường đời không giống trường học, nhà vô địch "biến mình" thành kẻ vô gia cư, bị xã hội bỏ quên
Muốn có được thành công chúng ta phải đánh đổi bằng sự nỗ lực không ngừng của bản thân và vượt qua những áp lực trong cuộc sống. Tuy nhiên, điều đáng buồn rằng hiện nay, mức sống vật chất ngày càng tăng cao nhưng chỉ số hạnh phúc vẫn không được cải thiện, thậm chí còn tụt lùi. Chỉ vì một lựa chọn sai lầm hay không thể vượt qua mọi rào cản thôi, mọi thứ mà chúng ta có cũng có thể “một đi không trở lại”. Cũng giống như cuộc đời của Diêu Viễn – Học giả hàng đầu của Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Trung Quốc.
Diêu Viễn sinh năm 1971 trong một gia đình thuần nông nghèo ở vùng nông thôn Hồ Bắc, Trung Quốc. Từ nhỏ, anh đã thông minh, sáng dạ và ham học hỏi.
Với nỗ lực không ngừng của bản thân, anh giành được ngôi vị quán quân trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 1990 và được nhiều trường đại học hàng đầu "chiêu mộ". Cuối cùng, anh đã chọn Học viện Công nghệ Bắc Kinh (BIT) để gửi gắm sự nghiệp của mình.
Tự tạo áp lực nhằm thúc đẩy bản thân để rồi vội vã tìm lối thoát nơi chân trời mới
Sau khi vào học ở BIT, Diêu Viễn phát hiện các bạn cùng lớp của mình đều rất thông minh. Những thành tích mà anh từng tự hào đã bị "xóa sổ" và sự xuất sắc của các bạn xung quanh khiến anh cảm thấy khó thở.
Vì không muốn tụt lại phía sau, Diêu Viễn cố gắng học tập chăm chỉ để bắt kịp bạn bè và tìm kiếm tương lai tươi sáng cho bản thân. Bằng cách này, 4 năm đại học của Diêu Viễn, vốn tương đối dễ dàng, đã kết thúc dưới áp lực mà anh tự đặt ra. Lúc này, anh chỉ có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng lại không cảm thấy thoải mái, bởi vì anh phải bước vào một xã hội cạnh tranh hơn.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, Diêu Viễn được nhận vào vào một đơn vị nghiên cứu khoa học ở Bắc Kinh và trở thành nhà nghiên cứu. Anh đã làm việc ở đó trong 9 năm dưới sự tự hào và hài lòng của cha mẹ. Thế nhưng, đúng lúc bố mẹ anh ở quê nhà nghĩ rằng con trai mình sắp có được chỗ đứng vững chắc ở thành phố lớn thì Diêu Viễn lại thông báo bản thân từ chức để đến Thượng Hải tìm kiếm cơ hội mới.
Mặc dù bố mẹ không hiểu quyết định của anh nhưng vẫn không ngăn cản, chỉ khuyên Diêu Viễn "nên suy nghĩ kỹ trước khi làm" để không phải hối tiếc trong tương lai.
Thượng Hải những năm 90
Diêu Viễn chia sẻ: "Bản thân tôi đến giờ cũng không biết mình từ bỏ công việc ở Bắc Kinh là đúng hay sai? Thế nhưng, bạn biết không, ở Bắc Kinh, sự cạnh tranh khốc liệt gấp mấy lần khi thi đại học. Do đó, nếu bạn không có gì nổi bật bạn sẽ mãi giậm chân tại chỗ. Nếu bạn dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn, có thể bạn sẽ tìm được chân trời mới."
Trước khi tốt nghiệp, anh phải cạnh tranh với những tài năng cùng tuổi. Sau khi tốt nghiệp, anh không chỉ cạnh tranh với chính bạn bè của mình, mà hàng năm, anh còn phải đối mặt với những "mầm non thiên tài" khác. Chính vì thế, Diêu Viễn lại ra sức làm việc chăm chỉ thế nhưng mọi thứ lại không được như ý muốn. Anh dần tụt lại phía sau trong khi các bạn lại luôn tiến về phía trước. Điều này khiến Diêu Viễn kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần và thích trốn tránh quá khứ hơn là tìm kiếm cơ hội mới khi đến Thượng Hải.
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của "bạo chúa học đường: Từ thiên đàng rơi xuống vực thẳm vì cái tôi của bản thân
Tuy nhiên, Diêu Viễn vào thời điểm đó không thể ngờ rằng sự lựa chọn này lại là bước ngoặt lớn trong cuộc của mình.
Lần đầu tiến đến Thượng Hải, Diêu Viễn đã phải chịu đòn giáng chí mạng. Với học vấn tuyệt vời và nhiều năm kinh nghiệm, đáng lẽ những điều đó sẽ giúp anh trở nên nổi bật. Tuy nhiên, ở thành phố lớn như Thượng Hải, đây dường như chỉ là một giọt nước trên sa mạc.
Trong các cuộc phỏng vấn, anh dần hiểu rằng Thượng Hải với nhiều cơ hội hơn đồng nghĩa với sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Trên thực tế, với trình độ học vấn và lý lịch của mình, anh vẫn có thể tìm được việc làm. Nhưng Diêu Viễn là một người có lòng tự trọng cao và dám cạnh tranh, đương nhiên anh sẽ không làm việc cho công ty mà mình không thích.
Lúc đó là năm 2008 và Diêu Viễn, người đang tìm kiếm cơ hội để "tỏa sáng" lại không biết rằng một cơn bão đang đến gần. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm khắp thế giới , hầu như tất cả các công ty đều bận rộn sa thải nhân viên. Những người thất nghiệp chỉ có thể tìm kiếm việc làm trong tuyệt vọng.
Sau một thời gian dài không tìm được công việc như ý, số tiền tiết kiệm của anh cũng dần cạn kiệt. Anh bắt đầu lang thang trên đường phố Thượng Hải cho đến khi tiêu hết đồng xu cuối cùng.
Cuộc sống của Diêu Viễn khi trong người không còn một đồng nào…
Vì nợ nần và sợ xấu hổ, Diêu Viễn không dám gọi cho gia đình mà một mình lang thang nơi xứ người, sống bằng nghề nhặt rác và ăn xin. Bố mẹ anh ở nhà thấy con lâu không gọi về cũng lo lắng. Thế nhưng họ lại không biết địa chỉ của Diêu Viễn ở Thượng Hải, vì vậy họ chỉ có thể chờ đợi ở nhà.
Sau một thời gian dài không có hồi âm. Họ báo con trai mất tích và lên Thượng Hải tìm kiếm nhưng dù có tìm kiếm thế nào vẫn không có manh mối. Cha mẹ chỉ có thể trở về quê nhà trong tuyệt vọng, dán thông báo mất tích khắp nơi, chờ đợi tin tức và tưởng tượng một ngày nào đó con trai họ sẽ xuất hiện trước cửa nhà.
Cho đến năm 2020, kỳ tích xuất hiện trong gia đình họ Diêu. Cảnh sát Thượng Hải thông báo đã tìm được Diêu Viễn. Ông bà Diêu sững người, vừa vui lại vừa buồn. Vui vì đã tìm được con, nhưng buồn vì con đã thay đổi quá nhiều. Diên Viễn trông gầy yếu và mệt mỏi, với mái tóc hoa râm, ở độ tuổi 40 trông giống như một ông già 60.
Sau khi cảnh sát tìm thấy anh, Diêu Viễn gần như không thể nói và biểu cảm. Hiện, anh đang điều trị ở bệnh viện Thượng Hải. May mắn thay, được sự giúp đỡ của các nhân viên y tế, tinh thần của Diêu Viễn đã hồi phục rất nhiều.
Nhìn vào bức ảnh này, không ai có thể tin được người trong ảnh là thủ khoa đầu vào của kỳ thi tuyển sinh đại học, thủ khoa một trường có tiếng
Có người hỏi: "Tại sao anh lại không quay về quê nhà?"
Điều này phải bắt đầu từ tính cách và nhận thức của anh. Trước đây, Diêu Viễn chưa bao giờ chấp nhận mình là một người bình thường, anh luôn coi bản thân là thiên tài và là người chủ động đưa ra lựa chọn. Khi gặp khó khăn ở Thượng Hải, anh đã không chấp nhận mà luôn nghĩ rằng một ngày nào đó có thể tạo dựng được chỗ đứng vững chắc ở mảnh đất này. Sau đó có thể trở về quê hương trong danh dự để chứng minh rằng lựa chọn của mình là đúng đắn.
Tuy nhiên, cú đánh của thực tế không chỉ phá hủy hoàn toàn ước mơ thành công mà còn hủy hoại niềm tự hào còn sót lại của anh. Không còn mặt mũi nào để về nhà, vì vậy anh đã chọn cách trốn tránh.
Buông bỏ quá khứ, chấp nhận hiện tại và hòa giải với chính mình mới là cách sống đúng đắn
Diên Viễn ở hiện tại
Bây giờ, anh đã thay đổi. Khi nói chuyện với mọi người, anh có thể vui vẻ chia sẻ mọi chuyện. Bởi vì anh đã học được cách chấp nhận thất bại trong quá khứ, chấp nhận bản thân không còn xuất sắc, hạ cái tôi của mình xuống và sống cuộc đời yên bình trong phần đời còn lại. 12 năm lưu lạc cuối cùng có thể đã cho anh ấy món quà cuối cùng.
Quả thật, trong thế giới người lớn, không bao giờ có từ "dễ dàng". Hôm nay chúng ta vẫn đang có tất cả, nhưng ngày mai có thể chúng ta chẳng còn lại gì.
Nếu con người luôn ganh đua để vượt lên trên người khác, họ có thể đánh mất cuộc sống bình thường của mình. Nếu Diêu Viễn không chọn đến Thượng Hải, anh vẫn là người xuất sắc và là niềm ghen tỵ của mọi người.
Do đó, con người luôn phải biết bằng lòng và chấp nhận hiện tại. Nếu bạn mù quáng đi theo những thứ viển vông, không chắc chắn, bạn sẽ chỉ lạc lối và trở thành một kẻ thất bại.
Nguồn và ảnh: Toutiao