Chỉ vì một sai lầm, nhiều cặp vợ chồng sau khi kết hôn không có tiền tiết kiệm, phải "cầu cứu" thẻ tín dụng và nợ khắp nơi
Vấn đề nan giải của nhiều cặp đôi sau khi mới kết hôn là tìm cách cân bằng giữa những khoản tài chính riêng (của mỗi cá nhân) với khoản tài chính chung (của cả gia đình).
- 04-09-2024Bay khắp thế giới với bộ đôi đặc quyền từ thẻ tín dụng VIB
- 03-09-2024Nhìn lại cách Agoda "chia sẻ" thông tin thẻ tín dụng của người dùng, chuyên gia đánh giá: Lộ thông tin thẻ là điều đương nhiên thôi
- 02-09-2024Không sử dụng thẻ tín dụng có phải đóng phí?
Bên cạnh những thay đổi về tâm lý và trách nhiệm, kết hôn còn đánh dấu việc cặp đôi phải đối diện với những thử thách mới. Trong đó, vấn đề nan giải là tìm cách cân bằng giữa những khoản tài chính riêng (của mỗi cá nhân) với khoản tài chính chung (của cả gia đình).
Vừa mới về chung một nhà, do đã quen với cuộc sống tự do - tự lo về tài chính khi còn độc thân nên nhiều cặp đôi chọn cách quản lý tiền bạc heo nguyên tắc "tiền ai nấy lo". Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận thấy cách quản lý thu nhập này "sai sai", ảnh hưởng đến cả cuộc sống và tài chính sau này.
Sai lầm trong những năm đầu kết hôn
Phương Ly (29 tuổi, nhân viên văn phòng) về chung một nhà với chồng đến nay đã 5 năm, Khi nói về thời điểm 1 năm sau kết hôn, cô cảm thấy tiếc nuối nhất là để vợ chồng quản lý tài chính theo cách "tiền ai người nấy giữ". Điều này khiến họ không rõ về thu nhập, khoản tiết kiệm hay vay nợ của đối phương, cũng như không có chuẩn bị trước tiền nong cho những tình huống bất ngờ.
Cô nhớ lại: "Khoảng một năm đầu sau khi cưới, lương mình 12 triệu/tháng, còn chồng thì kiếm được nhiều hơn chút. Về quỹ chung, anh chi nhiều hơn. Sau khi đóng góp vào quỹ chung hàng tháng, còn lại bao nhiêu tiền thì vợ chồng được tùy ý dùng. Chúng mình không biết đối phương dùng tiền thế nào, cũng không can thiệp. Khi cần huy động tiền để mua món đồ lớn, cả hai mới bàn bạc và thống nhất ai sẽ chi bao nhiêu".
Tuy nhiên, hệ quả là sau gần 1 năm kết hôn, cả hai vợ chồng gần như không còn đồng tiết kiệm nào. Cũng vì thế, có những thời điểm mà Phương Ly cực kỳ đau đầu với những khoản chi phí phát sinh bên ngoài.
Thường những tháng như vậy, gia đình Phương Ly sẽ bị "bội chi", phải vay nợ hoặc quẹt thẻ tín dụng ứng tạm tiền. "Thường thì mỗi lần vay nợ hoặc dùng thẻ tín dụng, chúng mình sẽ hoàn trả hết trong vòng 1-2 tháng. Tuy nhiên, nỗi lo hết tiền sinh hoạt, tìm kiếm ai đó để vay nợ khiến mình luôn cảm thấy đau đầu.
Mình cũng hiểu cả hai vợ chồng đều quản lý tài chính kém nên mới dẫn đến tình trạng này. Sau khi giai đoạn khó khăn tiền nong qua đi, mình luôn bắt bản thân phải trích ra một quỹ tiết kiệm hàng tháng để dự phòng cho những ngày bất trắc".
Một trường hợp khác, Huệ Nguyễn cho hay trong 2 năm đầu sau kết hôn, vợ chồng cô duy trì cách quản lý tiền bạc trong nhà là "tiền ai nấy tiêu, nợ ai nấy trả". Cả hai không biết rõ thu nhập của đối phương, cũng không lập kế hoạch tài chính cho tương lai hay ghi chép chi tiêu hàng tháng.
Huệ Nguyễn nhớ lại: "Lúc đó, mình phụ trách tiền mua thực phẩm và đồ linh tinh trong nhà, còn lại chi tiêu cho riêng mình. Mình hầu như không có tiết kiệm. Các khoản chi tiêu còn lại do chồng phụ trách. Tiền thưởng của công ty thì chúng mình góp vào đầu tư. Đây cũng là quỹ chung duy nhất mà cả hai có.
Hai năm đầu tiên, chúng mình vẫn đi chơi nhiều, ăn tiêu thoải mái. Đến cuối năm ngồi tổng kết lại thì cả hai mới giật mình vì lương ổn nhưng tiết kiệm không được bao nhiêu. Đó cũng là lúc chúng mình biết phải tiết chế lại trong chi tiêu, tìm cách quản lý tài chính hiệu quả hơn".
Lương quy về một mối: Vợ chồng không còn cãi nhau, tháng dư tiền tiết kiệm
Sau những trải nghiệm sai lầm về tài chính trong năm đầu tiên sau kết hôn, vợ chồng Phương Ly bắt đầu tỉ mỉ lên kế hoạch trong việc quản lý tài chính và tích lũy tiền bạc. Điều đầu tiên họ thay đổi là chọn gộp tiền lương của hai vợ chồng về chung một mối, không còn chuyện "tiền anh anh tiêu, tiền tôi tôi tiêu" nữa.
"Chồng mình nói: 'Trước kia cầm tiền thế nào thì không biết, nhưng giờ thì lương ai cũng là tiền chung'. Sau đó, vợ chồng thống nhất mình sẽ là người cầm quỹ chung, nắm giữ các khoản chi tiêu chính trong nhà.
Sau khi nhận lương, chồng chủ động chuyển khoản vào tài khoản của vợ, chỉ giữ lại 4 triệu để chi tiêu cá nhân, chẳng hạn ăn sáng, mua đồ, giao lưu cùng bạn bè,... Nếu có khoản đầu tư và mua sắm lớn thì vợ chồng sẽ cùng ngồi xuống bàn bạc, thống nhất dùng bao nhiêu tiền cho khoản chi tiêu này".
Cô nàng cho biết, từ khi phân công trách nhiệm tài chính như vậy, vợ chồng ít cãi nhau, tư tưởng thoải mái hơn vì đều nắm rõ đối phương kiếm được bao nhiêu, tiết kiệm ra sao.
Tương tự là Huệ Nguyễn, thay vì duy trì "tiền ai nấy tiêu" như trước thì giờ lương tháng của cặp đôi đều được quy về một mối. Cô nhận định với những cặp đôi mới kết hôn, cách quản lý tài chính này có thể tháo gỡ những ngại ngùng ban đầu của cả hai khi nói về tiền nong. Bên cạnh đó, bạn cần thấu hiểu tài chính của bạn đời thì mới thuận lợi cùng nhau lên được các kế hoạch tiền nong về lâu dài.
"Mới đầu, sự thay đổi trong cách quản lý tài chính có thể khiến bạn thấy không thoải mái. Nhưng quan trọng nhất là vợ chồng nên hướng tới một mục đích lâu dài là xây dựng tài chính bền vững.
Cả hai còn có cả một quá trình lâu dài, đó là mua nhà, sinh con, giáo dục con cái, mua thêm tài sản hoặc đầu tư. Để có thể đảm bảo cuộc sống trong mức tốt nhất có thể, mình nghĩ cần hiểu và có niềm tin về tài chính của bạn đời. Nếu trong gia đình phân chia quá rạch ròi về tiền nong thì cả hai khó tìm được tiếng nói chung, về lâu dài ảnh hưởng đến việc xác định trách nhiệm và chi tiêu hợp lý trong gia đình" , cô nàng bày tỏ.
Nhịp sống thị trường