MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ với 5 dấu hiệu này, chắc chắn bạn sẽ biết nên tiếp tục đi làm hay nộp đơn nghỉ việc!

09-01-2018 - 10:00 AM | Sống

Làm việc 8 tiếng/ngày, 6 ngày/tuần, có khi nào bạn đã tự hỏi rằng bản thân chọn đúng công việc hay chưa?

Có một sự thật phũ phàng là hiện nay có rất nhiều người đang làm sai nghề nghiệp trong một thười gian dài trước khi tìm thấy một môi trường thực sự dành cho mình. Thậm chí, không ít người còn không biết là mình có đang làm đúng nghề hay không. Xin bạn hãy nhớ cho, khiên cưỡng không mang lại hạnh phúc, nhất là khi công việc chiếm hơn một phần ba thời gian cuộc đời bạn.

1. Thay vì than thở là những suy nghĩ tích cực

Công việc giống như người yêu vậy, phải yêu công việc thì làm việc mới tốt được. Chắc chắn khi yêu, bạn có thể nói đi nói lại về những điểm đáng yêu của người ấy, đến mức người nghe dù có chán ngán nhưng vẫn phải lặng im lắng nghe. Công việc cũng vậy, bạn chỉ có thể gắn bó khi bạn yêu mà yêu rồi thì nên cho cả thế giới biết.

Tìm thấy một công việc mà bạn yêu thích, bạn hài lòng là mỗi buổi sáng thức dậy, bạn cảm thấy có hứng thú muốn đi làm sớm và đến văn phòng thật nhanh để tiếp tục công việc hoặc là khi công việc không hoàn thành theo đúng ý muốn của bạn, bạn sẽ thấy bứt rứt. Thay vì than thở như mọi ngày, bạn bắt đầu thấy những người đồng nghiệp xung quanh thật dễ mến hay nhận được những dòng chia sẻ, cảm ơn thật lòng từ khách hàng và muốn khoe ngay với bạn bè. Những dấu hiệu này cho thấy mối quan hệ giữa bạn và công việc đang tiến triển tốt đẹp.

2. Đương đầu với sai lầm, không trốn chạy

Dù bạn là một thực tập sinh mới bắt đầu công việc được 2 tháng hay là lão làng đã chinh chiến trong nhiều năm thì bạn vẫn có thể gặp sai lầm. Vốn dĩ trên đời này không có điều gì là hoàn hảo, quan trọng vẫn là ở thái độ của chúng ta khi thử thách ngáng đường. Nhất là trong giai đoạn chuyển giao công việc hoặc bước vào lĩnh vực mới, "sai lầm" bỗng chốc trở thành người quen.

Nếu sau mỗi cú ngã, bạn lại vỡ ra được nhiều điều, lại khai phá được những khả năng tiềm ẩn của bản thân; nếu như sai lầm cho bạn những bài học quý giá và tiếp tục lạc quan thì chẳng có lý do gì để không yêu công việc của mình cả. Còn nếu như sau mỗi lần vấp ngã, bạn cảm thấy bản thân đang lạc hướng, suy nghĩ mông lung thì có lẽ bạn nên thay đổi công việc càng sớm càng tốt để đỡ lãng phí thời gian của bản thân.

3. Thể chất có thể rã rời nhưng tinh thần thì không được phép mệt mỏi

Bởi lẽ, thể chất mệt mỏi suốt 8 tiếng bám trụ trên văn phòng có thể giải quyết bằng một giấc ngủ hay một cuộc hẹn với bạn bè, nhưng tinh thần mệt mỏi thì ngay cả đến nghỉ lễ, bạn cũng sẽ chẳng thể bỏ qua mà không nghĩ đến.

Suy cho cùng, hành động của chúng ta đều xuất phát từ trong suy nghĩ. Suy nghĩ tích cực, công việc tiến triển. Suy nghĩ tiêu cực, công việc trì trệ. Động lực để bạn làm việc cũng hình thành như vậy. Nếu như tìm kiếm giải pháp không phải là lựa chọn thì có lẽ công việc này không dành cho bạn rồi.

4. Khả năng hòa đồng với đồng nghiệp cũng là một dấu hiệu không nên bỏ qua

Công việc mà bạn yêu nên là nơi có những người mà bạn quý mến. Quan hệ giữa các đồng nghiệp không nên chỉ dừng lại ở trao đổi công việc. Đồng nghiệp tốt là những người biết truyền cảm hứng, dù là cấp trên hay cấp dưới thì đôi bên vẫn có thể học hỏi lẫn nhau, chia sẻ tầm nhìn và hơn cả là nguồn năng lượng không bao giờ cạn.

5. Tự hào về công việc hơn là mức lương nhận được

Có khi nào bạn tự hỏi rằng tại sao có rất nhiều người sẵn sàng đi làm thiện nguyện mà chẳng nhận được một đồng nào không. Đó là bởi họ biết rằng mình đang cống hiến, là một phần của một cộng đồng đang phát triển. Công sức dù ít hay nhiều nhưng chẳng có gì gọi là vô nghĩa hết. Tiền quan trọng thật nhưng đó không phải là động lực duy nhất để bạn để bạn gắn bó với công việc lâu dài. Hãy đi tìm nguồn cảm hứng, tiền cạn thì làm thêm, nhưng cảm hứng cạn thì cỗ máy kiếm tiền sẽ chẳng buồn chạy nữa.

Theo Sinh Hồng

Trí thức trẻ

Trở lên trên