MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chia cổ tức 10%, OCB làm yên lòng nhà đầu tư

20-04-2017 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

"OCB trở thành 1 trong 2 ngân hàng thương mại tại TP.HCM có mức chia cổ tức cao nhất 10% và là số ít ngân hàng có mức chia cổ tức 5% tiền mặt” là lời khẳng định của đại diện Ngân hàng Nhà nước tại đại hội cổ đông thường niên vừa mới được nhà băng này tổ chức.

Những con số “biết nói”

Năm 2016, OCB đã có những thành công vượt bậc khi các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt những con số “biết nói”: tổng huy động thị trường đạt hơn 57,7 ngàn tỷ đồng, trong đó, huy động thị trường 1 đạt hơn 46 ngàn tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng đạt hơn 39,6 ngàn tỷ đồng, tăng 35%; tỷ lệ nợ xấu của OCB tiếp tục có sự cải thiện, giảm 0,43% so với cùng kỳ, xuống còn 1,51%.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế đạt 484 tỷ đồng, tổng tài sản đạt hơn 63,8 ngàn tỷ đồng, tăng 29,1% so với 2015; vốn điều lệ cũng tăng 12,8%, đạt hơn 4.000 tỷ đồng; số lượng khách hàng tăng hơn 28%. Đặc biệt tỷ suất sinh lời ROE đạt 9,8% cho thấy hoạt động hiệu quả của Ngân hàng trong năm 2016.

Đây là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất toàn thị trường, gấp đôi so với trung bình ngành và là mức tốt nhất của OCB trong 5 năm trở lại đây. Với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2016, tỷ lệ chia cổ tức OCB năm nay là 10% trong đó 5% chi trả bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu, tăng đáng kể so với 4,5% bằng tiền mặt năm ngoái. Đây là mức khá cao trong bối cảnh nhiều ngân hàng vẫn nói không với cổ tức hoặc chỉ chi trả bằng cổ phiếu... Điều này, thể hiện nỗ lực của OCB trong việc đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.

Những nỗ lực của OCB đã được ghi nhận khi mới đây, một trong 3 hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới Moody's vừa công bố kết quả xếp hạng tín nhiệm cho OCB đạt mức B2, mức cao nhất trong các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam và chỉ dưới một bậc so với mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia B1 của Việt Nam.

Nền tảng cho những bứt phá mới

Thành công của năm 2016 là “quả ngọt” cho hàng loạt các biện pháp đã và đang được OCB “âm thầm” thực hiện để xây dựng nền tảng cho giai đoạn tăng tốc và bứt phá, chinh phục những đỉnh cao mới. Cụ thể, OCB đã cơ bản tạo lập được một hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn quốc tế. Dự án Basel II cũng đã được OCB triển khai quyết liệt, dự kiến sẽ hoàn tất tuân thủ Basel II vào quý IV/2017. Đồng thời, trung tâm dữ liệu dự phòng đáp ứng các tiêu chuẩn của Ngân hàng Nhà nước cũng được đầu tư, nâng cấp hệ thống an toàn bảo mật nhằm tăng cường khả năng phòng tránh các rủi ro phát sinh.

Mới đây, nhà băng này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thành lập Công ty chuyển tiền quốc tế hoạt động trong lĩnh vực kiều hối. Theo OCB, dịch vụ kiều hối sẽ gia tăng nguồn thu dịch vụ phi tín dụng, phát triển nguồn khách hàng cá nhân, định vị dịch vụ chuyển tiền OCB tại thị trường Việt Nam và đưa thương hiệu OCB ra quốc tế.

Chủ tịch Hội Đồng Quản trị OCB, Ông Trịnh Văn Tuấn, cho biết: “Năm 2017 mở ra một chặng đường mới của OCB với mục tiêu tăng tốc và bứt phá trong hành trình thực hiện chiến lược phát triển đến 2020 trở thành ngân hàng đa năng dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam; đảm bảo hoạt động quản trị ngân hàng hiệu quả hướng theo chuẩn mực quốc tế; tăng năng lực tài chính, đồng thời xây dựng mô hình kinh doanh mới và phương thức bán hàng hiện đại, phấn đấu duy trì Top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam”.

OCB cũng cam kết tỷ lệ cổ tức duy trì ở mức cao hơn trung bình ngành để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng và các cổ đông, động viên cổ đông cùng gắn kết đồng hành, tin tưởng và sự phát triển của Ngân hàng trong những năm tới.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên