Chia sẻ tính ăn cắp của trẻ, mẹ Hà Nội: "Đừng nuôi con trong thừa thãi nhưng cũng đừng nuôi con trong thiếu thốn"
Với bà mẹ này, nuôi con cũng cần có những quy tắc riêng để trẻ tự đối chiếu với những nhu cầu của bản thân.
01
Hồi bé, tôi có duy nhất một lần ăn cắp. Bố mẹ đi làm công trình và tôi được đi theo. Ngày nào mẹ đi chợ mua đồ nấu ăn cho thợ, tôi cũng được đi theo nên tôi biết mẹ có tiền, tiền để ở đâu mà tôi thì lại HOÀN TOÀN không bao giờ có tiền, có tài sản riêng của bản thân. Lần đó, tôi rất thèm món ô mai đất nên tôi có lấy của mẹ một số tiền vừa đúng đủ mua gói ô mai rồi đi mua ô mai ăn. Lúc mẹ về, tôi cũng nói con đã lấy tiền của mẹ đi mua ô mai. Bố tôi chỉ nói đúng hai điều:
- "Nếu con thèm bất cứ thứ gì hãy nói với bố, bố sẽ mua cho con trong khả năng của mình. Nếu không mua được, bố sẽ giúp con vượt qua cơn thèm".
- "Lấy thứ không phải của mình là xấu. Nếu ai đó lấy của con thì con vừa giận vừa rất tiếc món đồ đó. Ngay cả khi không ai biết thì con tự biết với mình rằng con đã lấy vì thế con sẽ luôn thấy xấu hổ."
Tôi không bao giờ ăn cắp, không bao giờ lấy bất cứ thứ gì không phải là của mình kể cả nó không của ai mà chỉ cần là không phải của mình, tôi cũng không bao giờ tơ hào nữa. Bởi vì bố đã dạy tôi rất kĩ về lòng tự trọng. Ông rất đề cao lòng tự trọng và thứ đó tự ngấm vào con người tôi.
02
Câu chuyện trong quá khứ nhắc nhở tôi về vài điều:
- Con người ai cũng có tính tham, muốn cái gì, thích cái gì thì đều mong muốn sở hữu nó. Vì thế, rất dễ nảy sinh ham muốn lấy cái không phải của mình về cho bản thân. Muốn vượt qua ham muốn ấy không dễ, khống chế ham muốn ấy không dễ (vì thế mới có hành động vô lý như kiểu rất thích đồ chơi của bạn, mượn bạn không chịu trả...).
Vì thế đừng vội kết tội con, đừng vội nhìn con như đó là một tội ác, một cái gì xấu xí. Cái cần là bao dung và cho con hiểu rằng làm thế là sai, giúp con học được cách kiềm chế những ham muốn (càng lớn cái này sẽ càng nâng dần lên). Thực chất đó chính là quá trình tự chiến đấu với bản thân để tốt hơn, để vượt qua những ham muốn của phần CON trong mỗi người. Bé dạy từ điều nhỏ lớn sẽ có TỰ TRỌNG và khả năng vượt qua cám dỗ.
- Đừng nuôi con trong thừa thãi nhưng cũng đừng nuôi con trong thiếu thốn. Thứ người ta thiếu thì sẽ khát khao. Các bạn cũng vậy thôi. Nếu thiếu tiền lúc nào cũng xoay sở trong chi tiêu rất khó để các bạn từ chối tiền bạc, rất dễ để các bạn tặc lưỡi làm cả những việc mình không muốn/không thích... để tăng thêm thu nhập.
Thế nên tôi rất ít cấm con. Ví dụ, ăn bim bim, gà rán không tốt nhưng sẽ không cấm tuyệt đối không được ăn, lâu lâu cho ăn chút con sẽ không có cảm giác tò mò hay muốn dối mẹ mà thử như các bạn. Quần áo không cầu kì, không cần nhiều nhưng đủ mặc để không mặc cảm với bạn bè, để luôn gọn gàng sạch sẽ hay chính là một cách tôn trọng bản thân, chú ý chăm sóc bản thân từ bé.
Thời thiếu thốn gian nan rèn luyện con người qua rồi. Giờ thiếu một chút cho có động lực nhưng thiếu quá nhiều thì luôn thèm khát. Người ta chỉ thèm thứ không có thôi chứ ai thèm thứ mình đã có, phải không?.
- Cần dạy con về tiền, cho con tự quản lý một số tiền nhỏ phù hợp theo lứa tuổi. Với số tiền ấy nên thỏa thuận với con tiêu thế nào? Nên tiêu vào những việc gì sau đó đừng can thiệp. Có thể bổ sung số tiền đó bằng cách nào để con có thêm động lực tiết kiệm. Các bài học về quản lý tiền và tài chính rất tốt cho sự phát triển kĩ năng của con. Đừng sợ con còn bé đã tiếp xúc tiền.
- Tôi không biết với người khác thế nào nhưng tôi rất ít nhu cầu vật chất, do đó tôi thấy bản thân tự do hơn, ít giằng buộc và phải lao động quá sức để đáp ứng nhu cầu vật chất cho bản thân. Tôi cũng dạy con mình điều đó, làm sao để cái cảm giác biết đủ, biết hài lòng, biết vui và rất ít ham muốn vật chất.
Con nhà tôi chưa bao giờ nhắc nhở tới chuyện quần áo con chưa bao giờ mong có quần áo mới ngày Tết. Cho tới giờ con cũng không để ý mấy chuyện phải có quà vào dịp 1/6, trung thu, giáng sinh hay sinh nhật. Luôn vui nếu được tặng quà và không quá quan tâm tới việc bố mẹ phải tặng cho mình...
Con nhà tôi có thể tận dụng mọi thứ có trong nhà thành đồ chơi... Đặc biệt con rất ít quan tâm bạn có gì và mình cần có gì. Thỉnh thoảng con có hỏi kiểu: "Mẹ ơi các bạn trong lớp có đồng hồ thông minh nên rất tiện liên lạc với bố mẹ". Tôi thường hỏi lại: "Giờ con không có như các bạn nhưng khi cần con có liên hệ được với bố mẹ không?".
Con tự suy nghĩ và cảm thấy à lúc nào có việc gì con vẫn tìm được cách liên hệ với mẹ. Và tôi nói như thế có nghĩa là mình chưa thực sự CẦN con ạ. Dần dần vậy con luôn tìm cách Xử lý tình huống với những thứ mình có thay vì mong muốn có thêm cái này cái kia...
Tôi nghĩ nuôi dạy con nói ít, bao dung nhiều, thấu đáo rất quan trọng.
Có điều này tôi chia sẻ thêm với các bạn, tôi hầu như không bao giờ dọa con làm thế này sẽ bị trừng phạt ra sao... Tôi nghĩ vì sợ mà không làm không phải là mức giáo dục mình mong con có. Tôi dạy con với mong muốn con tự biết đúng/sai để quyết định làm hay không làm. Nếu vì sợ mà không làm thì sẽ có lúc đủ mạnh để không sợ, hay bất cần, hay không nhìn thấy sự trừng phạt sẽ làm. Còn tự thấy con đúng/sai để quyết định thì chính là cái chuẩn để ngăn hành động trong mọi hoàn cảnh.
Trí thức trẻ