Chiếc bánh mì thời… lạm phát
Lạm phát tăng phi mã, giá lương thực tăng cao đang trở thành vấn đề không của riêng bất kỳ quốc gia nào.
Tại Philippines, trong bối cảnh giá lúa mì tăng cao và đồng nội tệ yếu đi, nhiều cửa hàng bánh mỳ đang thu nhỏ kích thước của bánh Pandesal - món ăn sáng phổ biến ở nước này.
Bánh Pandesal là loại bánh mì mà người Philippines thường chấm với cà phê hoặc trộn với phô mai. Loại bánh này được được gọi là "bánh mì của người nghèo" tại đất nước Philippines. Mức giá chỉ từ 5 Pesso, tương đương 2.000 đồng.
Matimyas Bakery - một tiệm bánh ở ngoại ô Manila, từng bán loại bánh này với khối lượng 35g. Tuy nhiên, khi chi phí nguyên liệu và các mặt hàng nhập khẩu tăng cao trong những tháng gần đây, cửa hàng này đã giảm dần kích thước của bánh xuống còn khoảng 25g. Đây là cách duy nhất để tránh việc tăng giá khi lạm phát vẫn còn tiếp tục leo thang.
"Để đối phó với sự gia tăng giá nguyên liệu thô, chúng tôi phải giảm khẩu phần để tồn tại. Chúng tôi không muốn tăng giá bởi các tiệm bánh mì ở đây gần nhau. Nếu tăng giá, khách hàng sẽ không mua bánh mì của chúng tôi", cô Jam Mauleon, chủ cửa hàng bánh Matimyas Bakery cho hay.
Bánh Pandesal được được gọi là "bánh mì của người nghèo" tại đất nước Philippines.
Kể từ cuối năm ngoái, giá nguyên liệu làm bánh đã tăng đáng kể. Giá bột mì tăng hơn 30%, giá đường tăng 25% và giá muối tăng 40%.
Không thể giữ giá mãi, một số cửa hàng đã bắt đầu tăng giá bán bánh nhưng không phải khách hàng nào cũng dễ đón nhận mức tăng giá mới này.
Cô Guarino - người dân Philippines cho hay: "Chúng tôi sẽ phải tính toán lại túi tiền của mình. Giá bánh tăng thêm cũng là một điều khó với những người nghèo như chúng tôi".
Chiếc bánh Pandesal đang được coi như một ví dụ điển hình nhất của "lạm phát thu nhỏ". Thuật ngữ này chỉ kích thước của một sản phẩm nhỏ hơn nhưng giá vẫn giữ nguyên.
Lạm phát ở Philippines chạm mức 6,1% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 4 năm qua.
VTV.VN