Chiếm gần 1/5 thương mại toàn cầu, hai tuyến hàng hải huyết mạch gặp ‘khủng hoảng kép’, giáng đòn mạnh vào vận tải biển
Hạn hán ở Panama và các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ đang khiến việc giao hàng bị trì hoãn và đẩy chi phí lên cao.
- 11-03-2024Áp lực "đè nát xương" tại hố sâu nhất châu Á Trung Quốc vừa khoan được: Chẳng trách thấy kho báu đắt giá
- 11-03-2024Bất động sản tiếp tục gặp khó, quan chức Trung Quốc tuyên bố động thái cứng rắn đối với các chủ đầu tư
- 11-03-2024Khủng hoảng ngành y Hàn Quốc chưa tìm được lối thoát: Bộ Y tế gửi thông báo đình chỉ tới 5.000 bác sĩ đình công, học sinh 10 trường y tẩy chay lớp học
Hơn 50 tàu xếp hàng để di chuyển qua kênh đào Panama trong một ngày gần đây. Hạn hán kéo dài đã khiến đơn vị điều hành kênh phải cắt giảm số lượt qua kênh, dẫn đến thời gian chờ đợi lâu hơn. Phí đường biển mà tàu phải trả hiện đắt hơn bình thường khoảng 8 lần.
Cách đó hơn 7.000 dặm, các tàu vận chuyển container qua kênh đào Suez của Ai Cập đang chờ được hải quân hộ tống hoặc tránh hoàn toàn tuyến đường này và vòng qua Nam Phi. Các nhà khai thác tàu lo ngại rằng thủy thủ đoàn có thể gặp nguy hiểm trong hành trình qua Biển Đỏ bởi các cuộc tấn công của Houthi.
Vấn đề của Suez là địa chính trị, còn vấn đề ở Panama là do khí hậu. Cả hai đều đang làm xáo trộn thương mại toàn cầu. Khối lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh đào Suez và Panama đã giảm hơn 1/3. Hàng trăm tàu đã chuyển hướng sang các tuyến đường dài hơn, dẫn đến việc giao hàng bị chậm trễ, chi phí vận chuyển cao hơn và gây thiệt hại kinh tế.
Các nhà khai thác tàu đang phải đối mặt với nhiều tháng bất ổn trên hai tuyến đường thủy này – nơi khoảng 18% khối lượng hàng hóa toàn cầu được vận chuyển qua vào năm 2023.
Kênh đào Panama đang phải đối mặt với một trong những đợt khô hạn nhất trong thế kỷ. Các quan chức hy vọng đợt hạn hán – bắt đầu vào giữa năm 2023, sẽ giảm bớt vào cuối mùa khô vào tháng 5.
Tại Suez, một số nhà khai thác tàu đã đình chỉ vô thời hạn các chuyến đi. Lực lượng Houthi đã tấn công hơn 50 tàu kể từ tháng 11 năm ngoái, trong đó có một tàu chở hàng chở phân bón bị chìm xuống Biển Đỏ và một tàu khác khiến 3 người thiệt mạng.
Hạn hán ở Panama
Khoảng 14% thương mại đường biển ra vào Mỹ đều đi qua kênh đào Panama. Một số quốc gia Mỹ Latinh sử dụng kênh đào này để vận chuyển khoảng một phần tư lượng hàng xuất khẩu của họ.
Hạn hán đồng nghĩa với việc có ít nước hơn để bơm cho các âu tàu. Hơn 50 triệu gallon nước bị cuốn ra biển mỗi khi tàu di chuyển qua âu tàu. Lượng nước đó được bổ sung từ một hồ chứa mà hiện đang cạn kiệt.
Ban quản lý kênh thường cho phép khoảng 36 tàu qua lại mỗi ngày. Nhưng họ đã giảm xuống còn 24 và thậm chí định cắt giảm xuống còn 18. Nhưng một lượng mưa nhất định đã phần nào giúp ổn định mực nước.
Một chuyến đi qua kênh đào Panama có giá khoảng 500.000 USD. Các công ty như Dorian – có trụ sở tại Connecticut, phải đấu thầu. “Chúng tôi đã trả thêm 2 triệu USD nhưng chúng tôi biết những bên khác đã trả thêm gần 4 triệu USD”, Hansen – phụ trách hoạt động của Dorian, nói. Và, chi phí chênh cao đó được chuyển sang cho khách hàng chịu.
Lượng tàu qua kênh Panama trong tháng 1 đã giảm 36% so với một năm trước đó. Đơn vị điều hành kênh muốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào các dự án xây dựng và kỹ thuật nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn dự trữ nước. Dự án đang chờ chính phủ phê duyệt và có thể mất nhiều năm để hoàn thành.
Kênh đào Panama cũng cung cấp nước cho khoảng 2,5 triệu người, tương đương khoảng một nửa dân số cả nước, và hạn hán cũng đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp địa phương.
Kênh Suez giữa bão công kích
Trên khắp thế giới, các chủ hàng đang phải đối mặt với giá cả tăng lên. Giá cước cho các chuyến đi từ châu Á đến châu Âu đã tăng 67%.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, khối lượng hàng hóa đi qua kênh đào Suez đã giảm hơn 40% trong tháng 12 và tháng 1 so với cùng kỳ năm trước. Kênh đào được sử dụng bởi hàng chục tàu vận chuyển hàng xuất khẩu của châu Á đến Bắc Âu và Địa Trung Hải, cùng với một số tàu chở dầu lớn nhất thế giới vận chuyển dầu từ Trung Đông.
Maersk, Hapag-Lloyd và các hãng vận tải đường biển lớn khác vẫn chưa quay trở lại Biển Đỏ, bất chấp các cuộc tấn công của liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Houthi.
Giám đốc điều hành Maersk Vincent Clerc cho biết: “Để quay trở lại, chúng tôi cần đảm bảo rằng thủy thủ đoàn và tàu không gặp rủi ro. Cho đến nay, tình hình ngày một leo thang và tôi không biết liệu các cuộc tấn công vào Houthi có giúp ích được gì hay không”.
Không phải tất cả các tàu đều rời bỏ Suez. Các nhà khai thác tàu muốn đi qua kênh này để đến Vịnh Aden hoặc Biển Ả Rập thường xuyên thuê lực lượng bảo vệ có vũ trang để giúp đẩy lùi các cuộc tấn công. Các chủ tàu cho biết, có thể tốn khoảng 40.000 USD để bảo vệ cho mỗi tàu khi đi qua Biển Đỏ.
Chủ tịch Cơ quan quản lý kênh đào Suez Osama Rabie cho biết, phí thu từ các tàu đi qua kênh Suez trong tháng 1 giảm xuống còn 428 triệu USD, so với 804 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Cùng với du lịch, kênh đào Suez là một trong những nguồn thu nhập từ nước ngoài chính của Ai Cập.
Tại kênh đào Panama, việc giảm số lượng lượt tàu qua kênh không làm giảm tổng doanh thu, một phần do phí trên mỗi chuyến tàu tăng lên. Con kênh đã mang về 3,3 tỷ USD tiền phí vào năm 2023, tăng so với hơn 3 tỷ USD của năm trước. Ban quản lý kênh có kế hoạch rà soát số lượt tàu được phép qua trong tháng 4, tùy thuộc vào lượng mưa trong tháng 3. Ảnh hưởng của hạn hán dự kiến sẽ làm giảm doanh thu của kênh đào Panama khoảng 200 triệu USD trong năm nay.
Theo WSJ
Nhịp Sống Thị Trường