“Chiến dịch” củng cố thị trường gạo
Xuất khẩu gạo của Việt Nam đã và đang bị cạnh tranh gay gắt từ các thị trường.
- 09-08-2016Thái Lan giành lại vị trí quán quân thế giới về xuất khẩu gạo
- 02-08-2016Việt Nam xuất khẩu gạo lại nhập ngô khoai - “Vào lỗ hà ra lỗ hổng”
- 30-07-2016Xuất khẩu gạo: Đích còn xa
Không chỉ vậy, nhiều nước đang tăng tốc sản xuất, tiến tới tự túc về lương thực khiến thị trường ngày bị thu hẹp. Củng cố lại thị trường XK gạo, xác định mục tiêu chiến lược XK cho mặt hàng này là vấn đề đang được Bộ Công Thương triển khai.
Thua từ chất lượng, giá cả
Năm 2012, XK gạo tăng 8,27% về lượng nhưng giảm 1,99% về giá trị so với năm 2011. Năm 2013-2014, XK gạo giảm sâu cả về sản lượng và giá trị, đáng chú ý năm 2013, giảm tới 13,45% về sản lượng và 16,23% về giá trị so với năm 2012. Năm 2016, nếu theo đúng dự báo, XK gạo cả năm chỉ đạt 5,65 triệu tấn thì đây là lần đầu kể từ năm 2009, XK gạo nước ta dưới ngưỡng 6 triệu tấn.
Suốt hơn 2 thập kỷ qua, sản lượng lúa gạo của Việt Nam liên tục gia tăng, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam. Việt Nam liên tục là một trong 3 nước có lượng gạo XK lớn nhất trên thế giới. Hiện gạo Việt đã có mặt ở trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều loại sản phẩm như gạo hạt dài, gạo hạt ngắn, gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ...; bước đầu thâm nhập được các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông, Hoa Kỳ, châu Âu...
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, nhất là từ năm 2013, XK gạo liên tiếp phải đối mặt với những khó khăn khiến lượng gạo XK không đạt được như kỳ vọng, có những thời điểm Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) còn phải hạ chỉ tiêu XK. Cạnh tranh gay gắt từ các thị trường là nguyên nhân chính của sự sụt giảm XK gạo.
Trong số các nước XK truyền thống, Ấn Độ là nước có sự bứt phá mạnh mẽ nhất trong XK gạo và trở thành quốc gia XK gạo lớn nhất thế giới. Những năm gần đây, Ấn Độ đã mở rộng được thành công thị phần XK gạo sang Nam Phi và có thể cạnh tranh ngang sức với Thái Lan ở thị trường này. Ở châu Á, Campuchia và Myanmar đang có mức tăng trưởng mạnh về XK gạo, cạnh tranh trực tiếp với các nước XK gạo truyền thống. Thêm vào đó, xu hướng tự lực về cung cấp lúa gạo tại các nước NK gạo (ví dụ rõ nhất là châu Phi) cũng là một yếu tố bất lợi cho gạo Việt Nam có cơ hội thâm nhập thị trường này.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương thừa nhận, XK gạo của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn như cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng, thương hiệu. Pakistan, Ấn Độ với lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, luôn có giá bán cạnh tranh tại thị trường châu Phi, Trung Đông. Cạnh tranh về chất lượng còn đến từ Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Ấn Độ. Sự tham gia của nhiều nước vào sản xuất, XK gạo đã làm cho thị trường XK gạo của Việt Nam bị “lung lay”. Chỉ yếu tố giá đã khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với gạo Thái Lan ở các thị trường như châu Phi, Philippines, chứ chưa kể đến yếu tố chất lượng. Ngoài ra, lượng gạo Việt Nam tiếp tục gia tăng càng làm thị trường ứ đọng, bị người mua dìm giá.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), thị trường XK gạo phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào Trung Quốc. Các thị trường truyền thống, lợi thế trước đây bị đánh mất vào tay các nước XK khác. Trong khi đó, Thái Lan nhờ đa dạng hóa thị trường với nhiều sản phẩm chất lượng nên có thế mạnh riêng ở mỗi thị trường từ khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu, Trung Quốc đến thị trường cấp thấp như châu Phi.
Trông vào thị trường gạo chất lượng cao
Sự bất lợi này sẽ ngày càng gia tăng khi các nước không ngừng nâng cao chất lượng, tập trung đầu tư vào sản xuất lúa gạo. Vì thế, một chiến lược phát triển thị trường XK gạo của Việt Nam giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030 đã được Bộ Công Thương khởi động, dù muộn.
Theo bản dự thảo do Bộ Công Thương xây dựng, mục tiêu mà chiến lược đặt ra là, trong giai đoạn 2016-2020 ổn định các thị trường XK gạo đảm bảo kim ngạch XK gạo đạt mức 3 tỷ USD/năm vào năm 2017, tăng trưởng và đạt mức 3,5 tỷ USD vào năm 2020, với lượng gạo XK hàng năm từ 6-7 triệu tấn; góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; cơ cấu thị trường XK gạo của Việt Nam chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng phân khúc thị trường gạo có chất lượng, giá trị cao, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, gạo đặc sản, có thương hiệu quốc gia và sản phẩm chế biến từ gạo.
Đến năm 2020, phân khúc thị trường XK gạo trắng chất lượng thấp giảm còn 15% tổng lượng gạo XK và giảm dần qua các năm; đến năm 2025, phân khúc thị trường gạo trắng chất lượng thấp còn dưới 10%, phân khúc gạo trắng chất lượng trung bình chiếm 20%, phân khúc gạo trắng chất lượng cao và gạo thơm, nếp chiếm khoảng 60%, tăng dần phân khúc các sản phẩm từ gạo có giá trị gia tăng cao như gạo dinh dưỡng, gạo đồ, thực phẩm dinh dưỡng chế biến từ gạo và mỹ phẩm từ gạo.
Sản phẩm gạo XK thời gian tới đây sẽ tập trung vào phát triển sản xuất và chế biến các nhóm sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng loại gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao (5-10% tấm), giảm tỷ trọng loại gạo trên 15% tấm; tăng tỷ trọng các loại gạo thơm, gạo đồ, gạo Japonica; đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo, trong đó có gạo dinh dưỡng sẽ được tiêu thụ nhiều tại các thị trường cao cấp như châu Âu, Bắc Mỹ. Nguồn cung cho thị trường XK chủ yếu ở các vùng nguyên liệu chuyên canh đã được quy hoạch để sản xuất phục vụ XK tại đồng bằng sông Cửu Long với các giống lúa đồng nhất, đảm bảo chất lượng đồng đều, đáp ứng các yêu cầu và thị hiếu của các nhóm thị trường tiêu thụ nhất định.
Về thị trường, Bộ Công Thương chủ trương tăng dần tỷ trọng tại các thị trường có giá trị gia tăng cao như Đài Loan, Hồng Kông, Malaysia, Singapore, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Hoa Kỳ, Australia đều có tỷ trọng về trị giá XK cao hơn tỷ trọng về lượng. Đây là những thị trường mà Việt Nam XK được các sản phẩm gạo có phẩm cấp và giá cao hơn các thị trường khác. Song song với đó, các thị trường có giá trị gia tăng và lợi nhuận XK thấp như châu Phi, Indonesia, Philippines, Trung Quốc sẽ giảm dần tỷ trọng.
Cụ thể, tiếp tục củng cố, giữ vững thị phần các loại gạo có chất lượng trung bình trở lên tại các thị trường tập trung truyền thống: Philippines, Malaysia, Indonesia, Timo Leste (gạo trắng hạt dài, thơm hoặc không thơm); đẩy mạnh XK gạo chất lượng cao sang các thị trường Singapore, Malaysia, Timo Leste, Brunei (gạo trắng chất lượng cao, kích cỡ đồng đều).
Với thị trường Trung Quốc, từng bước đưa gạo có chất lượng, thương hiệu và có giá cao hơn vào các kênh phân phối chính thức, trực tiếp và bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo của Việt Nam tại thị trường nội địa Trung Quốc (gạo trắng, gạo thơm, dẻo cơm; gạo nếp, gạo làm bún, bánh). Với thị trường châu Phi, Trung Đông, gạo chất lượng, chế biến sâu (gạo thơm, gạo đồ) được tiếp tục triển khai để XK sang Ai Cập, Algeri, Maroc, Cộng hòa Nam Phi, Angola, Mozambique, Bờ Biển Ngà, Ghana, Nigeria, Senegal, Ethiopia, Kenya, Tanzania, Cameroon, Congo. Với các thị trường châu Âu, châu Mỹ, gạo chất lượng cao cũng được chú trọng để tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký như FTA Việt Nam- EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Giải pháp để phát triển thị trường được Bộ Công Thương đưa ra là: Theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, động thái chính sách, chiến lược của các nước XK, NK gạo trên thế giới để có các chính sách về thị trường XK phù hợp với từng giai đoạn, nâng cao khả năng cạnh tranh, thâm nhập thị trường của sản phẩm gạo Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương nhằm đạt được các thỏa thuận mở cửa thị trường đối với mặt hàng gạo, gỡ bỏ các rào cản thương mại, tạo thuận lợi cho XK gạo của Việt Nam, đặc biệt tại các thị trường đang đánh thuế rất cao đối với gạo XK Việt Nam; phát huy vai trò của Cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài trong công tác phát triển thị trường XK gạo; tăng cường nâng cao hiệu quà tìm kiếm thông tin của các cơ quan ngoại giao, thương mại tại nước ngoài nhằm thường xuyên, kịp thời cung cấp các thông tin diễn biến tình hình thị trường, nhất là các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng gạo NK và các rào cản khác đối với hoạt động NK gạo của các quốc gia, vùng lãnh thổ.
Báo hải quan