“Chiến lược mới” cho FDI
Dù tăng trưởng sáu tháng đầu năm 2018 đạt kỷ lục 7,08%, là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011, tuy nhiên vẫn có nhưng lo ngại việc tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.
Cụ thể, ngành công nghiệp, xây dựng, tăng trưởng 9%, đóng góp gần 49% vào tăng trưởng chung, là khu vực có mức đóng góp lớn nhất. “Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02%, là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm”, Tổng cục Thống kê cho biết. Trong đó, riêng hai ông lớn FDI là Samsung và Formosa đã đóng góp 28% giá trị sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo tính toán của TS. Trần Hoàng Ngân, trong 30 năm qua, kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987, chúng ta đã thu hút được trên 370 tỷ USD và giải ngân được 172 tỷ USD. Hiện nay vẫn còn khoảng 24.800 dự án đang tiếp tục có hiệu lực. Có thể nói, đầu tư nước ngoài đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế nước ta với khoảng 20% GDP.
Tuy nhiên, những lo ngại vẫn còn đó khi hoạt động đầu tư nước ngoài còn nhiều tồn tại cần khắc phục, như vấn đề môi trường, tình trạng chuyển giá, gian lận thương mại, chuyển giao công nghệ… FDI chúng ta vẫn rất cần, nhưng theo ông Ngân, phải đưa ra một chiến lược định hướng thu hút FDI và ưu tiên vào các tiêu chí như đảm bảo môi trường sạch. Ông cũng nhấn mạnh, cần đảm bảo lý lịch của doanh nghiệp không có những “vết nhơ” trong hoạt động kinh doanh, không có vấn đề về trốn thuế, gian lận thương mại. Cùng với đó, cần có bàn tay hữu hình của Chính phủ, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài.
Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm thì cho rằng, thu hút thành công FDI là nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong cải thiện môi trường đầu tư và cần thiết trong điều kiện của Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế đang chịu sự chi phối của các doanh nghiệp FDI, nhưng lại chưa khai thác hết lợi thế từ FDI. Các doanh nghiệp trong nước, nhất là khu vực tư nhân còn nhiều hạn chế về năng lực sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, việc chuyển giao công nghệ cũng như liên kết của các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn.
Đề cập đến vấn đề FDI tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nhìn nhận “tích cực, khách quan” đối với khu vực đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ khu vực kinh tế FDI đã trở thành một thành phần không thể thiếu đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Mặt khác, cần đặt vấn đề làm thế nào để khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển nhanh hơn, bắt kịp tốc độ phát triển của khu vực FDI, tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo lập được sự liên kết chặt chẽ giữa hai khu vực để hỗ trợ, bổ trợ cho nhau.
Giải pháp trọng tâm được ông Nguyễn Chí Dũng nêu ra, trên cơ sở tổng kết thực tiễn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ sẽ có những “định hướng mới”. Qua đó sẽ chuyển hướng tập trung và lựa chọn những dự án, nhà đầu tư có trình độ công nghệ cao, sử dụng ít đất đai, ít tài nguyên và có khả năng lan tỏa chuyển giao công nghệ và liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.
Tiền phong