MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược mới về chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia: Co hẹp nhưng không phải là tinh giản!

26-07-2019 - 09:30 AM | Tài chính quốc tế

Các tập đoàn đa quốc gia buộc phải có được những kỹ năng hoàn toàn mới để có thể thích nghi với chuỗi cung ứng đang được định hình lại trong 1 thế giới "ít phẳng" hơn, gập ghềnh hơn.

Trong những năm 1990, khi toàn cầu hóa bùng nổ, một trong những ý tưởng đã trở thành chân lý chính là thế giới đã trở thành một thế giới phẳng mà trong đó biên giới ngăn cách giữa các quốc gia bị lu mờ vì hoạt động thương mại và sản xuất gắn bó chặt chẽ với nhau.

Ý tưởng này trở nên phổ biến đến nỗi "các công ty có thể được xây dựng ở bất cứ nơi đâu". Ngày nay, khi mà triển vọng toàn cầu hóa trở nên u ám, các tập đoàn đa quốc gia lại buộc phải có được những kỹ năng hoàn toàn mới để có thể thích nghi với chuỗi cung ứng đang được định hình lại trong 1 thế giới "ít phẳng" hơn, gập ghềnh hơn.

Theo một khảo sát trên 600 tập đoàn đa quốc gia (MNC) tại khắp châu Á thực hiện bởi công ty luật Baker McKenzie, gần một nửa cho biết họ đang xem xét thực hiện những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng. Hơn 10% dự định sẽ thay đổi hoàn toàn. Ở nhiều lĩnh vực, điều này có nghĩa là suy nghĩ lại về vai trò của Trung Quốc trong việc cung cấp nguồn lực. Và có 2 lý do để cho rằng sau vài thập kỷ không ngừng mở rộng thì giờ đây các chuỗi cung ứng sẽ bị rút ngắn lại. Đầu tiên, rõ ràng là 1 chuỗi cung ứng quá dài dù có thể giúp giảm chi phí sản xuất nhưng lại đem đến rất nhiều rủi ro. Và thứ hai là hiện nay hoạt động thương mại toàn cầu không còn bó hẹp trong những hàng hóa hữu hình mà dịch vụ cũng chiếm một phần không hề nhỏ.

Về rủi ro, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia không biết tường tận gốc rễ của chuỗi cung ứng đang cung cấp hàng hóa dịch vụ cho mình. Tuy nhiên có 1 điều chắc chắn là họ dễ dàng trở thành con tin nếu như 1 nhà cung ứng ở nơi xa xôi nào đó không thể hoàn thành nghĩa vụ.

Mối nguy hiểm thỉnh thoảng sẽ được đem ra ánh sáng nhờ những cú sốc bên ngoài. Có trường hợp đó là thiên tai. Ví dụ, sau thảm họa động đất sóng thần ở Nhật Bản năm 2011, 1 ông lớn trong ngành sản xuất chip đã cố gắng vẽ ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng của mình. Kết quả là hơn 100 người đã mất hơn 1 năm để tìm ra các công ty nằm trong mạng lưới cung ứng quá rộng lớn của công ty.

Trong thời gian gần đây, các cú sốc lại thường đến từ chính trường. Brexit – quá trình rời Liên minh châu Âu đầy hỗn loạn của nước Anh được đặt lịch vào cuối tháng 10 – có thể làm náo loạn chuỗi cung ứng kết nối Anh với toàn châu lục. Các tập đoàn đa quốc gia đã cảnh báo họ có thể thu hẹp hoạt động ở Anh. Một nghiên cứu của Viện Cung ứng Anh cho thấy 20% doanh nghiệp châu Âu sẽ đòi hỏi khoản chiết khấu lớn từ các nhà cung ứng Anh nếu hàng hóa bị tắc lại ở biên giới dù chỉ 1 ngày.

Người Mỹ sẽ không cần phải chờ đến tận tháng 10 mới nhìn thấy những tác động của cú sốc chính trị, khi mà thuế quan của Tổng thống Trump đã tác động trực tiếp đến đời sống. Theo ước tính đến cuối năm 2018 các loại thuế đánh vào nhôm, thép nhập khẩu và vào hàng hóa Trung Quốc đã gây thiệt hại cho người tiêu dùng Mỹ 1,4 tỷ USD mỗi tháng. Các nhà bán lẻ đang bị bóp nghẹt, với Walmart và Target cảnh báo sẽ tăng giá. Nhà sản xuất máy móc nông nghiệp Caterpillar dự báo thuế quan khiến hãng thiệt hại 250-350 triệu USD trong năm nay.

Bất chấp hai bên đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn, thuế quan của ông Trump vẫn còn đó và tương lai của Huawei vẫn còn mờ mịt. Trung Quốc đã áp thuế trả đũa và đe dọa sẽ trừng trị những công ty nước ngoài "không đáng tin cậy" cũng như ngừng xuất khẩu đất hiếm – nguyên liệu cực kỳ quan trọng đối với các nhà sản xuất đồ điện tử.

Nói một cách ngắn gọn, 1 cuộc chiến tranh thương mại toàn diện có thể chưa nổ ra nhưng đã kịp gây ra những hậu quả nặng nề. Moody’s ước tính "tai họa" này có thể khiến GDP thực của Mỹ mất 1,8% 1 năm sau khi bước vào chiến tranh thương mại, ở châu Á mức sụt giảm là 1% hoặc hơn. OECD dự đoán chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại 600 tỷ USD đến năm 2021. IMF cũng cảnh báo nhiều quốc gia, kể cả những nước được hưởng lợi từ sự chuyển hướng trong dòng chảy thương mại, sẽ bị thiệt hại nhiều hơn là được lợi.

Kể cả nếu kết quả này được ngăn chặn thì những động thái của Tổng thống Trump hiện đã ảnh hưởng đến các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp châu Âu tham gia khảo sát của Credit Suisse cho biết dự định sẽ để những khoản đầu tư mới ở châu Âu chứ không phải ở bên ngoài châu Âu như trước. Các tập đoàn đa quốc gia sẽ không còn thiết lập chuỗi cung ứng dựa trên yếu tố chi phí.

Chuỗi cung ứng toàn cầu còn thay đổi vì sự nổi lên của dịch vụ. Năm 2017, thương mại hàng hóa toàn cầu đạt 17.300 tỷ USD và thương mại dịch vụ cũng đã tăng lên 5.100 tỷ USD. IMF tin rằng nếu xét theo giá trị gia tăng thì tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu sẽ cao gấp đôi so với con số chính thức.

McKinsey ước tính tăng trưởng thương mại dịch vụ nhanh hơn 60% so với thương mại hàng hóa trong thập kỷ vừa qua, và tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin còn gấp 2-3 lần. Không giống như đối với hàng hóa, các công ty sẽ không cần phải tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ nhất.

Sẽ là sai lầm nếu cho rằng chuỗi cung ứng thu hẹp đồng nghĩa với chúng sẽ trở nên đơn giản hơn. Thực tế hoàn toàn ngược lại: sự cần thiết phải đến gần hơn với khách hàng khiến các công ty phải tăng cường sáng tạo, rút ngắn thời gian giao hàng và tinh tế hơn trong khẩu tùy chỉnh sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu của khách hàng.

Và không phải ai cũng đồng ý rằng toàn cầu hóa đang chậm lại. Frank Appel, CEO của Deutsche Post dhl Group, công ty vận tải và giao nhận lớn của Đức, quả quyết với những lực đẩy dài hạn như sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu trên toàn cầu và làn sóng số hóa sẽ thôi thúc các nền kinh tế hội nhập toàn cầu.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên