MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược thương mại "trên trời"

Chiến lược phát triển thương mại trong nước chưa nhìn ra được tác động của công nghệ đến thị trường cũng như khả năng dư thừa lao động có thể xảy ra.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035. Dự thảo đưa ra tầm nhìn dài hạn nhưng nội dung lại bị đánh giá là lạc hậu khi chưa làm bật được vị trí của thương mại điện tử (TMĐT), thanh toán hiện đại.

Thương mại điện tử: Mờ nhạt!

Nêu quan điểm phát triển ngành tại dự thảo chiến lược, Bộ Công Thương cho rằng nhà nước tạo nền tảng pháp lý phù hợp cho các loại hình thương mại hiện đại theo hướng bảo đảm quyền tự do kinh doanh của mọi tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế, khuyến khích các hình thức thương mại dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bộ cũng nhấn mạnh mục tiêu xây dựng, phát triển TMĐT hiện đại, tăng trưởng nhanh, bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước.

Tuy vậy, với mục tiêu cụ thể, cơ quan soạn thảo chỉ đưa ra tỉ trọng chung của thương mại trong giai đoạn thực hiện chiến lược là 9,61% tổng GDP cả nước; tốc độ tăng bình quân của ngành 12,6%, mà không đặt mục tiêu cụ thể cho TMĐT. Con số duy nhất được đề ra là phấn đấu trên 60% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tham gia TMĐT trong giai đoạn trước 2031 và tăng lên 80%-90% ở giai đoạn 2031-2035.

Nhắc đến nhóm giải pháp hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại, Bộ Công Thương nhìn nhận các chính sách, quy định hiện không còn phù hợp với sự phát triển TMĐT; cần bổ sung ban hành các quy định mới nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, bộ cũng nêu một số định hướng về hướng dẫn DN, hộ kinh doanh tham gia thương mại hiện đại nhưng chưa thực sự rõ ràng.

Nhận xét về chiến lược này, một số chuyên gia thương mại cho rằng ngành công thương đã có ý thức quan tâm đến thương mại hiện đại, trong đó có TMĐT nhưng mục tiêu và định hướng phát triển còn chung chung, chưa cụ thể.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sự vùng dậy của TMĐT cùng với thanh toán điện tử đã khiến cho bức tranh thương mại thay đổi rất nhiều so với cách đây chỉ vài năm. Dự kiến, TMĐT, xuất nhập khẩu trực tuyến, thị trường ứng dụng… sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy, khi hạ tầng thay đổi, phương thức thay đổi, việc làm và thu nhập thay đổi thì bắt buộc quản lý cũng phải thay đổi. "TMĐT nên được nhấn mạnh như là định hướng toàn bộ cấu trúc thương mại thay đổi" - ông Thiên nói.

Theo đó, Bộ Công Thương khi đưa ra bản chiến lược cũng cần phải đặt TMĐT vào vị trí trọng tâm để từ đó xây dựng định hướng phát triển chung của toàn ngành, xác định cơ cấu hợp lý của TMĐT so với thương mại truyền thống, cũng như chỉ rõ cơ chế, chính sách nào cần thay đổi để phù hợp.

Chiến lược thương mại trên trời - Ảnh 1.

Dự thảo Chiến lược phát triển thương mại trong nước của Bộ Công Thương bị cho là khá chung chung, lạc hậu khi chưa nhìn ra được tác động mạnh mẽ của công nghệ đến thị trường. Ảnh: TẤN THẠNH


Chiến lược "vô thưởng, vô phạt"

PGS-TS Đào Văn Hùng, Học viện Chính sách công (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đánh giá bản dự thảo đã nêu được đầy đủ số liệu định tính và định lượng về toàn cảnh ngành thương mại trong nước. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một điểm quan trọng là sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa thương mại hiện đại với thương mại truyền thống sẽ tác động lớn đến nhu cầu lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ đang chi phối tất cả các ngành kinh tế, vấn đề dư thừa lao động lại càng đáng báo động.

"Công nghệ làm thế giới thay đổi quá nhanh. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất như Alibaba lại không có một cửa hàng nào, hãng vận tải lớn nhất cũng không sở hữu chiếc xe nào hay công nghệ thanh toán hiện đại cũng không cần đến thu ngân… Do đó, chiến lược đưa ra phải tiên đoán được. Dù có đề cập qua nhưng dự thảo chưa thể hiện rõ lo lắng về thay đổi công nghệ với chính sách về thị trường, khả năng dư thừa lao động có thể xảy ra" - ông Đào Văn Hùng góp ý.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất Việt Nam, nói thẳng: "Trong thời đại thay đổi nhanh như thế mà ta xây dựng chiến lược đến năm 2025-2035 thì rất khó chính xác. Thần đồng cũng không làm nổi! Bộ Công Thương muốn chắc chắn làm được cần có tầm nhìn một năm thôi".

Để chứng minh cho nhận định này, "ông trùm" bán lẻ nêu thực trạng hệ thống phân phối của Việt Nam đang rất bi đát. Hiện, tất cả kênh phân phối hiện đại, từ siêu thị đến cửa hàng tiện lợi đều lỗ. Thậm chí, có DN đầu tư cho TMĐT cũng lỗ đến vài ngàn tỉ đồng. "Bức tranh thương mại cho thấy DN đang giành nhau miếng bánh thị phần nhưng lao đầu vào làm mà không có chiến lược. Chính sách của Bộ Công Thương phải đi từ DN, lấy ý kiến DN để biết được vướng mắc đang ở đâu, xu thế thị trường đang như thế nào" - ông Đoàn nói và khẳng định nếu cho ra đời bản chiến lược như dự thảo, DN sẽ cho rằng "chiến lược này có cũng được, không có cũng được".


Theo Thùy Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên