MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược “xoay trục" của REE liệu có đang đi đúng hướng?

14-03-2017 - 12:51 PM | Doanh nghiệp

Có vẻ như REE đang tăng cường các hoạt động M&A theo chiến lược “dùng tiền để mua lấy sự tăng trưởng”. Tuy nhiên dù đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này nhưng hoạt động từ các công ty liên doanh liên kết vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, làm cho kết quả kinh doanh của REE trong mấy năm qua chưa bứt phá mạnh mẽ.

Năm 2016, doanh thu REE đạt 3.659 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2015. Tuy nhiên, lỗ từ các công ty liên doanh liên kết là 105 tỷ đồng.

Vấn đề đáng nói ở đây là theo BCTC ngày 31/12/2016 của công ty mẹ, REE đem 6.530 tỷ để đầu tư vào các công ty than, điện, nước.

Năm 2008, khủng hoảng tài chính xảy ra, REE lỗ 153 tỷ đồng LNST do trích lập dự phòng đầu tư chứng khoán và bán lỗ chứng khoán. Sa lầy vào đầu tư tài chính là vấn đề lớn của REE lúc đó. Phải mất đến 4 năm sau REE mới định hướng lại chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực cốt lõi, và dứt khoát từ bỏ mảng kinh doanh mạo hiểm đầy rủi ro. Bước đầu tiên trong chiến lược đó là đầu tư sang lĩnh vực năng lượng.

Bắt đầu từ năm 2011 - thời điểm TTCK lao dốc mạnh, REE đã tích cực nâng tỷ lệ sở hữu nhằm có ảnh hưởng quan trọng tại các công ty được đầu tư: Như mua thêm cổ phần B.O.O Thủ Đức tăng tỷ lệ sở hữu lên 42%; mua 35,48% cổ phần tại Thuỷ điện Thác Mơ; 24,32% cổ phần tại nhiệt điệt Ninh Bình; góp 30% cổ phần thành lập CTCP đầu tư và kinh doanh nước sạch Sài Gòn...

Năm 2016, nhà đầu tư chứng kiến việc REE chi rất mạnh tay để tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty thuỷ điện; liên tiếp mua vào cổ phiếu của Thuỷ Điện Miền Trung (CHP). Đầu năm 2017 này, REE lại công bố chi hơn trăm tỷ đồng mua thêm CHP. Công ty cũng chi gần 640 tỷ mua thêm cổ phiếu của Thuỷ điện Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH), rót tiếp 130 tỷ đồng mua thêm cổ phiếu của Thuỷ điện Miền Nam (SHP), và đặc biệt là nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Phong điện Thuận Bình lên 25% vốn điều lệ, công ty chuyên về năng lượng tái tạo sức gió.

Tại BCTC ngày 31/12/2016, tổng tài sản của REE đạt 11.414 tỷ, trong đó hơn 4.000 tỷ là đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết, 1.437 tỷ đồng góp vốn vào đơn vị khác, như vậy REE đang “vác" 5.436 tỷ đồng/7.373 vốn chủ để đi đầu tư vào các công ty khác. Trong đó đầu tư vào mảng điện chiếm 74% tổng danh mục, mảng nước chiếm 10%, BĐS chiếm 5%, than 3% và phần còn lại 7%.

năm 2016 là năm mà lợi nhuận của REE trở về mốc hơn 1.000 tỷ sau nhiều năm ngụp lặn dưới 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn còn không ít lăn tăn về tính hiệu quả của các khoản đầu tư vào liên doanh, liên kết.

Thực vậy, đầu tư mạnh tay là vậy nhưng điều đáng lưu ý là năm 2016, công ty chỉ thu được ~550 tỷ đồng từ cổ tức được các công ty liên kết chia. Trong khi đó, chính các công ty liên doanh, liên kết của công ty mang lại lỗ 121 tỷ đồng (theo báo cáo kiểm toán). Hơn 70% tổng danh mục của REE vẫn chưa thấy sự hiệu quả đáng kể nào.

Đơn cử như Nhiệt điện Phả Lại (PPC) mà REE nắm hơn 29% vốn (tương đương 1.276 tỷ rót vào PPC), kết quả kinh doanh của PPC bắt đầu lao dốc từ năm 2015 khi đồng Yên tăng giá làm PPC lỗ chênh lệ tỷ giá gần 300 tỷ đồng 3 Quý đầu năm 2016 PPC lại một lần nữa khiến cổ đông “đau tim” khi báo lỗ tỷ giá lên đến 762 tỷ đồng, rất may quý IV/2016 khi tỷ giá đồng Yên giảm PPC lãi lại 556 tỷ đồng, giảm lỗ luỹ kế chênh lệch tỷ giá xuống còn 202 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, Thuỷ điện Thác Mơ - đơn vị mà REE nắm gần 43% vốn (trị giá 453,8 tỷ) cũng trải qua một năm không mấy khả qua TMP đạt 448,6 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 20,6% so với cùng kỳ, LNST đạt 141 tỷ đồng, giảm 32,5% so với năm 2015

Nhiệt điện Quảng Ninh - Công ty mà REE nắm 9,35% - sắp lên sàn Upcom 16/3/2017 tới đây, cũng là một công ty làm ăn “bết bát", khi lỗ luỹ kế lên 1.484 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2016)

Tình hình cũng không mấy khả quan hơn tại Thuỷ điện Miền Trung (CHP) khi lợi nhuận năm 2016 giảm 21% so với năm 2015. Năm 2017 CHP đặt mục tiêu chỉ lãi bằng 86% năm 2016

Có vẻ như REE cố “xoay sở" bằng các hoạt động M&A theo chiến lược “dùng tiền để mua lấy sự tăng trưởng”. Tuy nhiên dù đã rót hàng nghìn tỷ đồng vào lĩnh vực này,hoạt động từ các công ty liên doanh liên kết vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, làm cho kết quả kinh doanh của REE trong mấy năm đều không nhiều bứt phá.

Những ngày gần đây, khi thông tin đối thủ cạnh tranh của REE là Tập đoàn Thành Thành Công sắp đưa doanh nghiệp CTCP Điện Gia Lai (GEC) là đơn vị chủ lực trong 3 mũi nhọn của tập đoàn là Mía đường - DU lịch và Năng Lượng lên sàn giao dịch cổ phiếu càng khiến nhà đầu tư để mắt đến REE nhiều hơn.

Mục tiêu đến năm 2020, GEC sẽ sở hữu trực tiếp và gián tiếp tổng công suất lắp đặt khoảng 150 MW, trong đó công suất phát triển mới thông qua đầu tư hoặc M&A là 150 MW. Công ty cũng đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời) sẽ đưa tối thiểu 5 nhà máy vào hoạt động với tổng công suất lắp máy khoảng 175MW.

Còn nhớ tháng 9/2016, GEC đã “đua" cùng REE trong cuộc đấu giá trọn lô 5 Công ty thuỷ điện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với giá 1.400 tỷ đồng. Xem ra cuộc đua giữa TTC và REE trong ngành năng lượng sẽ ngành một gay gắt.

Trong khi cạnh tranh ngày một gay gắt trong ngành năng lượng với GEC thì REE vẫn chưa chứng minh được hiệu quả đầu tư suốt 5 năm qua vào ngành năng lượng. Và, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi một minh chứng rõ nét hơn cho đà bứt phá của REE trong thách thức tăng trưởng những năm sắp tới.

Hoàng Đức Tân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên