MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Chiến thần" livestream cũng bán hàng giả

19-10-2024 - 10:20 AM | Thị trường

Liên tiếp các vụ việc người nổi tiếng livestream bán hàng nhái, hàng giả bị phát hiện, trở thành thực trạng đáng báo động.

Đầu tháng 10 vừa qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên. Kênh TikTok này có tới gần 5 triệu lượt theo dõi, có nhiều video hàng triệu lượt xem và chủ kênh thường xuyên tổ chức livestream bán hàng với doanh số rất lớn.

Bắt nhiều vụ hàng giả

Ngay sau đó, TikToker Phan Thủy Tiên đã khóa bình luận trên trang TikTok. Trên trang Facebook Phan Thị Thủy Tiên có 651.000 người theo dõi, giới thiệu là giám đốc đại diện thương hiệu Zenpali T. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kênh cũng như chủ thương hiệu Zenpali không xuất trình được các hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng chục ngàn sản phẩm nước hoa nói trên.

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên  (Ảnh do Tổng cục QLTT cung cấp)

Lực lượng quản lý thị trường phát hiện và thu giữ hơn 10.000 sản phẩm nước hoa không rõ nguồn gốc được bán trên tài khoản TikTok Phan Thủy Tiên (Ảnh do Tổng cục QLTT cung cấp)

Trao đổi với Báo Người Lao Động về vụ việc trên, đại diện Tổng cục QLTT cho biết các đối tượng đã hết sức tinh vi trong việc cất giấu hàng hóa vi phạm. Những người này đã thuê một gian hàng phía sau trụ sở làm việc của một công ty để ngụy trang, nhằm trốn tránh các lực lượng chức năng.

Trong khi đó, phía TikTok Việt Nam khẳng định nền tảng này có chính sách về việc đăng tải sản phẩm của nhà bán hàng hoạt động trên TikTok Shop, cũng như có đội ngũ chuyên trách để thực thi các chính sách và áp dụng chế tài, bao gồm: gỡ bỏ sản phẩm, tạm thời đình chỉ hoặc chấm dứt hợp đồng với nhà bán hàng trong từng trường hợp cụ thể. Việc này nhằm bảo đảm quá trình vận hành của TikTok Shop luôn tuân thủ theo quy định hiện hành. "Khi nắm được thông tin các hành vi vi phạm của nhà bán hàng, dù là thông qua các kênh truyền thông hay nhận được yêu cầu hợp lệ từ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ chủ động rà soát sản phẩm và cam kết phối hợp với cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam" - phía TikTok cam kết.

Không chỉ vụ việc nói trên, thời gian qua, lực lượng QLTT liên tục phát hiện các vụ việc vi phạm tương tự. Điển hình, ngày 26-8-2024, Đoàn Kiểm tra Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh của một TikTok Shop có tên Hương Anh Food & Nest tại căn hộ số 2011 tầng 20 của một tòa chung cư trên địa bàn phường Hồng Hải, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Kết quả kiểm tra cho thấy từ đầu tháng 8, TikTok Shop Hương Anh đã thu mua hơn 4.500 gói hạt mix và gần 1.000 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất để livestream bán trên TikTok kiếm lời. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn, chứng từ và tài liệu kèm theo.

Trước đó, ngày 18-6-2024, Đội QLTT số 6 - Cục QLTT tỉnh Cà Mau phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Nguyễn Mai Store do bà Nguyễn Thị Mai - SN 1993, thường trú tại tỉnh Cà Mau - làm chủ. Bên ngoài địa điểm kiểm tra này là địa chỉ của quán tạp hóa kinh doanh sữa, bỉm và nhiều đồ tiêu dùng thiết yếu khác. Tuy nhiên, toàn bộ hoạt động livestream, chốt đơn sản phẩm và đóng gói hàng hóa được thực hiện phía sâu bên trong quán tạp hóa, rất khó để lực lượng chức năng tiếp cận và phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Các sản phẩm được giới thiệu trên livestream chủ yếu là quần áo, túi xách, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng có giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng/sản phẩm. Phần lớn hàng hóa tại cơ sở kinh doanh không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhập lậu, một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ; ước tính số lượng tang vật và hàng hóa vi phạm bị tạm giữ lên tới 10 tấn.

Siết kiểm tra hoạt động livestream

Nhận định các hành vi vi phạm bán hàng giả, TS Đào Cẩm Thủy, Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Viện Quản trị Kinh doanh - Trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), đánh giá những TikToker, Facebooker đều là những người biết xây dựng và sử dụng thương hiệu cá nhân thông minh. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cá nhân để nhằm mục đích bán sản phẩm giả, kém chất lượng là vi phạm pháp luật, rủi ro cho khách hàng. Người cất công xây dựng thương hiệu cá nhân sẽ tự tay đốt thương hiệu của mình. Đó là cách xây dựng thương hiệu cá nhân thiếu bền vững, "ăn xổi".

Cùng với đó, TS Thủy cho rằng các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng xuyên biên giới cần có quy chế kiểm soát chất lượng hàng hóa thông qua bộ lọc, nếu lực lượng chức năng vào cuộc phải khóa ngay tài khoản vi phạm, tránh tình trạng sau khi bị xử phạt hành chính lại quay trở lại bán sản phẩm khác. Với người tiêu dùng, không nên chạy theo tâm lý đám đông, người bán hàng là người nổi tiếng nhưng chưa chắc sản phẩm của họ bán đã tốt vì vậy cần cân nhắc, tránh mua phải hàng kém chất lượng.

Để lĩnh vực này phát triển bền vững và trong sạch hơn, TS Đào Cẩm Thủy khuyến nghị cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn như xử lý hình sự đối với các hành vi bán hàng giả, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Các nền tảng xuyên biên giới cần phải khóa tài khoản vi phạm, không cho người bán vi phạm quay trở lại bán hàng, tránh tình trạng nộp phạt hành chính, sau đó "tẩy trắng" quay lại bán hàng.

Tổng cục QLTT thừa nhận thực trạng bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thông qua việc livestream đang diễn biến rất phức tạp. Có những tổ chức, cá nhân do kém hiểu biết vô tình thực hiện việc bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, tuy nhiên cũng có những tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện nhằm mục đích trục lợi.

Theo đại diện Tổng cục QLTT, cơ quan đã chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử nói chung cũng như hoạt động livestream nói riêng. Cục QLTT các tỉnh, thành phố đã ban hành quyết định thành lập Tổ Thương mại điện tử và chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra về hoạt động thương mại điện tử.

Liên quan đến những vi phạm về bán hàng trên mạng, luật sư Nghiêm Quang Vinh, Giám đốc Công ty Luật Nghiêm Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho biết tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP với số tiền từ 10-20 triệu đồng/hành vi. Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo điều 192 Bộ Luật Hình sự 2015. 

Ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến thương mại điện tử, bổ sung quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên website, ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng. Khuyến khích người tiêu dùng cẩn trọng, nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, thông tin người bán hàng trong giao dịch trên mạng, không ham hàng giá rẻ mà bỏ qua khâu kiểm tra thương hiệu chất lượng.

Cuối cùng là xây dựng các giải pháp, trang bị công cụ, thiết bị và các hệ cơ sở dữ liệu tập trung các bộ, ngành cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác phát hiện sớm, đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, lừa đảo, gian lận và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử.


Theo Lê Thúy

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên