MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến thuật trả đũa mới của Nga: "Dùng chùa" tài sản trí tuệ của phương Tây

24-03-2022 - 11:51 AM | Tài chính quốc tế

Chiến thuật trả đũa mới của Nga: "Dùng chùa" tài sản trí tuệ của phương Tây

Theo Asia Times, các doanh nghiệp Nga có thể sử dụng tài sản trí tuệ như các phát minh, sáng chế hoặc thiết kế thời trang, mà không cần phải trả tiền hoặc mua quyền sở hữu.

Theo Asia Times, vào đầu tháng 3, chính phủ Nga đã ban hành một sắc lệnh tuyên bố, các công ty Nga không còn nghĩa vụ bồi thường cho chủ sở hữu các bằng sáng chế, mô hình hữu ích và kiểu dáng công nghiệp từ các quốc gia và vùng lãnh thổ "không thân thiện".

Đây là những quốc gia phương Tây đã ban hành lệnh trừng phạt chống lại Nga, bao gồm cả Anh và Mỹ.

Các công ty bị ảnh hưởng không thể thực thi các quyền về bằng sáng chế và thiết kế để kiện lại những "người bắt chước" ở Nga.

Chiến thuật trả đũa mới của Nga: Dùng chùa tài sản trí tuệ của phương Tây - Ảnh 1.

Thương hiệu phương Tây nổi tiếng McDonald’s hiện có nguy cơ bị vi phạm bản quyền trí tuệ ở Nga. Ảnh: Shutterstock

Năm ngoái, chính phủ Mỹ thêm Nga vào "danh sách theo dõi ưu tiên" về các quốc gia không bảo vệ đầy đủ các tài sản trí tuệ của Mỹ.

Động thái của Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng là một phản ứng trước các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây và việc đình chỉ các đặc quyền thương mại của Nga.

Đây cũng là câu trả lời cho việc nhiều công ty đa quốc gia quyết định ngừng giao dịch với các công ty Nga.

Asia Times cho biết, các lệnh trừng phạt và tẩy chay đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nga. Nước này hiện đang trên bờ vực phá sản với lãi suất tăng gấp đôi, thị trường chứng khoán vẫn đóng cửa trong nhiều tuần và đồng ruble đã rớt giá thảm hại.

Cuộc tấn công chưa từng có vào tài sản trí tuệ

Theo Asia Times, việc Nga đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ như một vũ khí kinh tế trong bối cảnh xung đột là chưa từng có, ít nhất là trong những thập kỷ gần đây.

Lịch sử của "loại vũ khí" này bắt nguồn từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi Mỹ đưa ra "Đạo luật giao dịch với kẻ thù".

Đạo luật này từng giúp Mỹ chiếm giữ các bản quyền và bằng sáng chế thuộc sở hữu của những nước đối địch, bao gồm cả bằng sáng chế cho thuốc giảm đau aspirin - một phát minh nổi tiếng của Đức.

Sau chiến tranh, nhãn hiệu Aspirin thuộc sở hữu của công ty dược phẩm Bayer của Đức đã được chuyển giao cho Mỹ, Pháp, Anh và Nga, như một phần của các khoản bồi thường chiến tranh của Đức được thỏa thuận trong Hiệp ước Versailles.

Chiến thuật trả đũa mới của Nga: Dùng chùa tài sản trí tuệ của phương Tây - Ảnh 2.

Một chuỗi nhà hàng của Nga gần đây đã đăng ký tại địa phương và sử dụng một logo rất giống với logo màu vàng nổi tiếng của McDonald’s. Ảnh: The Fashion Law

Quay lại thời điểm hiện tại, quan chức Nga ám chỉ rằng, những quyền sở hữu trí tuệ khác thuộc sở hữu của các nước phương Tây có thể sớm bị hạn chế, bao gồm cả phần mềm và nhãn hiệu.

Điều này có thể cho phép các doanh nhân địa phương nắm quyền kiểm soát và khai thác không cần xin phép và hoàn toàn miễn phí các thương hiệu như McDonald’s.

Các biện pháp trừng phạt cũng đã khiến một thẩm phán Nga bác bỏ đơn kiện vi phạm bản quyền và thương hiệu của công ty sản xuất phim hoạt hình Peppa Pig của Anh.

Thẩm phán Andrei Slavinsky nói trước tòa rằng, "những hành động không thân thiện của Mỹ và các nước có liên quan" đã ảnh hưởng đến quyết định của ông.

Trong khi đó, Ukraine cũng không ngừng hành động trong cuộc chiến sở hữu trí tuệ này. Bộ Quốc phòng nước này gần đây đã tấn công và làm rò rỉ các tài liệu mật mà họ cho là lấy được từ một nhà máy điện hạt nhân của Nga.

Có vi phạm luật pháp quốc tế không?

Asia Times nhận định, việc Nga ngừng bảo vệ bằng sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác thuộc sở hữu của các công ty phương Tây có thể vi phạm các điều ước quốc tế.

Tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cần tôn trọng các điều ước này và đảm bảo rằng, các doanh nghiệp nước ngoài có thể thực thi quyền sở hữu trí tuệ chống lại những "kẻ bắt chước".

Chiến thuật trả đũa mới của Nga: Dùng chùa tài sản trí tuệ của phương Tây - Ảnh 3.

Một trạm nhiên liệu của Shell tại Moscow năm 2020. Ảnh: CNN

Các quốc gia bị thiệt hại do biện pháp này của Nga có thể đưa Nga ra tòa án WTO và yêu cầu áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung. Điều này một lần nữa sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Nga, đặc biệt là những doanh nghiệp dựa vào thương hiệu và công nghệ được cấp bằng sáng chế, cũng như lĩnh vực công nghiệp sáng tạo.

Cách duy nhất mà Nga có thể biện minh cho biện pháp này là dựa vào một ngoại lệ an ninh do chính WTO đưa ra.

Ngoại lệ này cho phép các quốc gia thực hiện bất kỳ hành động nào mà họ cho là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng nó chưa bao giờ được viện dẫn bởi bất kỳ quốc gia nào trong bối cảnh xung đột vũ trang, và do đó chưa bao giờ được kiểm nghiệm thực tế trước các cơ quan tài phán của WTO.

Nhưng nếu Nga bị trục xuất khỏi WTO như yêu cầu của một số nước, thì nghịch lý thay, điều đó sẽ cách ly nước này khỏi những thách thức về sở hữu trí tuệ toàn cầu. Không quốc gia nào có thể đưa Nga ra trước tòa án của một tổ chức mà nước này không còn là thành viên.

https://soha.vn/chien-thuat-tra-dua-moi-cua-nga-dung-chua-tai-san-tri-tue-cua-phuong-tay-2022032209231455.htm

Theo Nam Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên