Chiến tranh thương mại leo thang nhưng người nông dân trồng táo Mỹ vẫn "khỏe re", vì sao?
Khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung leo thang, Bắc Kinh đã tuyên bố dừng mua các sản phẩm nông nghiệp Mỹ.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp Mỹ . Kể từ năm ngoái khi Bắc Kinh bắt đầu tăng thuế đối với nông sản Mỹ thì đến tháng 8 năm nay, nước này tiếp tục tuyên bố ngừng mua các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Theo VOA, chính sách biến động của Trung Quốc đã tạo ra nhiều bất ổn trong lĩnh vực nông nghiệp Mỹ.
Vào mùa thu, nhiều loại trái cây bước vào vụ thu hoạch. Vậy chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến nông dân Mỹ như thế nào?
Trung Quốc là một thị trường quan trọng đối với các loại trái cây và các loại hạt của Mỹ, theo Liên đoàn nông nghiệp Mỹ, vào năm 2017 trước khi bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại, tổng giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc đạt gần 230 triệu USD.
Tiểu bang Washington là nhà xuất khẩu lớn về các sản phẩm trái cây sang Trung Quốc. Xuất khẩu cherry và táo chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu của bang. Năm 2018, bang này đã xuất khẩu gần 68 triệu USD cherry tươi và khoảng 13,5 triệu USD táo tươi sang Trung Quốc.
Wenatchee, Washington, từng được biết đến là thủ đô táo của thế giới, là một trong những địa phương sản xuất táo lớn của Mỹ. Nhiều vườn cây ở đây đã trồng nhiều gốc táo Red Delicious mà người Trung Quốc yêu thích.
Chính phủ Mỹ hỗ trợ nông dân
Nông dân địa phương cho biết, Trung Quốc có yêu cầu cao hơn đối với trái cây nhập khẩu từ Mỹ. Ví dụ, một thùng táo thường chứa tổng cộng 20 kg nhưng Trung Quốc yêu cầu 64, 80 hoặc 88 quả táo trong hộp này. Nếu như nhiều hơn hoặc ít hơn tiêu chuẩn này, điều đó có nghĩa là trái táo quá nhỏ hoặc quá lớn để bán cho Trung Quốc.
Nông dân Mỹ đang chịu ảnh hưởng ít nhiều từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Jesse Costa
Đồng thời nông dân Mỹ cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc còn đặt yêu cầu về hình dáng, màu sắc của trái táo Red Delicious nên thông thường trong 10 quả táo sẽ chỉ có 1 đáp ứng được yêu cầu của khách hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, họ cũng cho rằng, dường như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nông dân trồng trái cây Mỹ không quá mạnh mẽ, bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra một số chương trình hỗ trợ, chẳng hạn như trợ cấp trực tiếp cho nông dân trồng anh đào theo tỷ lệ tương ứng và mua táo trực tiếp từ nông dân trồng táo.
Dữ liệu cho thấy kể từ tháng 10/2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã mua khoảng 3.500 xe tải táo, trị giá 83,5 triệu USD để được tặng cho các trường học v.v... Thông báo mới nhất được công bố vào tháng 7/2019 cho biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ mua thêm 88 triệu USD táo trong khoảng thời gian từ tháng 10/2019 đến tháng 10/2020.
Nông dân cho rằng các chương trình như vậy đã giúp họ rất nhiều.
"Những chính sách do chính phủ đưa ra rất hiệu quả, rất hợp lý. Họ mua hàng triệu thùng táo, giúp đỡ những người nông dân trồng lê, cherry. Nông dân đã chịu ảnh hưởng từ việc tăng thuế hoặc mất đi thị trường Trung Quốc nhưng chính phủ đã giúp đỡ họ ít bị ảnh hưởng từ việc này. Chính phủ mua các loại trái cây sau đó phân phát cho người nghèo và học sinh. Điều này rất đáng khen ngợi. Trái cây sẽ không bị lãng phí", một giám đốc địa phương chia sẻ.
Bà Jolie McCall - một nông dân trồng cherry cho biết: "Tôi rất hài lòng với những chính sách này. Chúng giúp chúng tôi tăng thu nhập và giúp đỡ những người nông dân trồng táo".
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng nỗ lực phát triển thị trường ở các quốc gia khác để bù lỗ ở thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số hiệp hội ngành nông nghiệp không quá lạc quan. Họ nói rằng từ góc độ quốc gia, các chính sách bổ sung này không thể bù đắp hoàn toàn sự mất mát từ thị trường Trung Quốc và rất khó để duy trì trong một thời gian dài.
Phó chủ tịch điều hành của Liên đoàn nông nghiệp Mỹ cho biết: "Những biện pháp hỗ trợ thương mại tuy hiệu quả nó chưa thể khiến người nông dân và các chủ trang trại đặt được thu nhập dự kiến. Vì thề, các biện pháp này chỉ có thể tạm thời duy trì cuộc sống của người dân trong thời điểm khó khăn nhất mà thôi".
Vào đầu mùa thu này, những tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung -đang thay đổi liên tục - đối với ngành trái cây Mỹ sẽ mất một thời gian mới thể hiện rõ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích chỉ ra rằng, do chu kỳ sản xuất dài của ngành trồng trọt, chính sách thương mại không ổn định hiện tại có thể có tác động lớn đến quyết định đầu tư trong tương lai của nông dân trồng trái cây.
Theo VOA, cả nông dân và các hiệp hội ngành công nghiệp trái cây đều hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể giải quyết tranh chấp thương mại càng sớm càng tốt để các sản phẩm trái cây của Mỹ có thể cạnh tranh công bằng với các sản phẩm của những nước khác tại thị trường Trung Quốc.
"Chúng ta cần khiến các quan chức Trung Quốc trở lại bàn đàm phán, chúng tôi đã thúc giục các quan chức chính phủ Mỹ cố gắng hết sức để đạt được mục tiêu này, bởi vì chúng ta phải giải quyết cuộc chiến thương mại này", Phó chủ tịch điều hành của Liên đoàn nông nghiệp Mỹ nói.
Trong khi đó, người nông dân Mỹ cho biết, họ không muốn khoản hỗ trợ này, họ muốn tiến hành giao dịch thương mại tự do và bình đẳng.
Trí thức trẻ