MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam

Trao đổi với BizLIVE, các chuyên gia và nhà kinh tế đều cho rằng, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là thấp. Trong trường hợp nổ ra, Việt Nam sẽ chịu tác động nhưng cũng có thể tận dụng được những cơ hội trong đó.

Việt Nam vẫn có thể tận dụng cơ hội từ chiến tranh thương mại

(GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài - VAFIE)

Chiến tranh thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 1.
Chiến tranh thương mại hiện hay chưa xảy ra, bởi Mỹ và Trung Quốc còn chờ đến tháng 7 năm nay khi đó các tuyên bố về thuế mà hai nước dự kiến áp đặt mới có hiệu lực. Dự kiến còn nhiều thay đổi trong vòng 3 tháng tới, nhất là Tổng thống Donald Trump được biết đến là người đưa ra các thay đổi rất nhanh chóng. Một số chuyên gia quốc tế nhận định rằng, trong trường hợp nổ ra chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ hai phía.

Cụ thể, nếu thuế suất được áp đặt, giá hàng hóa nhập khẩu từ mỗi nước sẽ tăng, và giá hàng hóa nhập vào Việt Nam cũng tăng theo. Thứ hai, các nguyên liệu sản xuất bị áp thuế cao sẽ tăng giá, từ đó dẫn tới chi phí sản xuất tăng lên. Do đó, giá hàng hóa Việt Nam mà sử dụng nguyên liệu đầu vào từ Mỹ và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng.

Tôi chia sẻ với những ý kiến đó. Tuy vậy, nếu một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, chúng ta cần nhìn nhận vấn để ở hai mặt, cả thách thức lẫn cơ hội.

Với tầm ảnh hưởng của 2 nền kinh tế đó, cả thị trường hàng hóa thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ không là ngoại lệ, trong đó có cả xuất nhập khẩu từ/sang Trung Quốc và Mỹ.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn có cơ hội trong đó. Trong trường hợp xuất khẩu giữa hai bên bị ảnh hưởng (quy mô thương mại giữa hai nước là hơn 600 tỷ USD), đó là cơ hội cho những nước có thể tranh thủ được khoảng trống về xuất khẩu và nhập khẩu giữa hai nước. Nếu tranh thủ tốt và có khả năng cạnh tranh, Việt Nam cũng có thể tận dụng được các khoảng trống này để “chen chân” vào, tăng xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.

Về đầu tư, tôi cho rằng chúng ta sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện Mỹ là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ 10 tại Việt Nam, nếu tính cả con số đầu tư từ Mỹ từ nước thứ ba thì tổng đầu tư sẽ là 13 tỷ USD. Ước lượng vốn thực hiện từ Mỹ cao nhất là 7 tỷ USD, chỉ chiếm phần nhỏ trong số hơn 170 tỷ USD vốn thực hiện của tất cả các nước đầu tư vào Việt Nam.

Vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam có xu hướng tăng lên, trong đó có những lĩnh vực mà chúng ta đang cần thu hút như năng lượng sạch như điện mặt trời và gió. Tôi cho rằng xu hướng đầu tư từ Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh thương mại bởi thị trường Trung Quốc rất rộng lớn và các khoản đầu tư từ Trung Quốc chủ yếu từ các tỉnh lân cận với Việt Nam, còn các tỉnh ở sâu trong nội địa chưa nhiều.

Các bên đều thua nếu tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại

(TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM)

Chiến tranh thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 2.

Nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xảy ra, thì các bên đều thua, đó là về nguyên tắc.

Còn trên thực tế, đối với các quốc gia nhỏ hơn thì bao giờ cũng có 2 câu, một là “trâu bò đánh nhau” thì mình cũng thiệt, bởi họ là đối tác, là thị trường,…Nhưng cũng có câu nói “toạ sơn quan hổ đấu”, tức là trong hoàn cảnh khó khăn ấy, bất lợi, các bên đều thua thì cũng đặt ra rất nhiều vấn đề mới. Và việc Việt Nam nên ứng xử như thế nào để giảm thiểu rủi ro và tận dụng được những cơ hội lâu dài là bài toán lớn đối với nước ta.

Tác động trước mắt của cuộc chiến tranh thương mại vẫn là những câu chuyện về dòng đầu tư, dòng thương mại, dòng du lịch,…

Đặc biệt, nếu xảy ra chiến tranh thương mại thì chắc chắn tăng trưởng kinh tế thế giới giảm, chưa nói đến suy thoái và Việt Nam là một nền kinh tế mở thì việc kinh tế thế giới hứng khởi hay suy thoái chắc chắn sẽ tác động tích cực hay không tích cực.

Tuy nhiên, mình là nước nhỏ thì sẽ phải tính đến bài toán chuyển hướng, ứng phó với cú sốc và trong khó khăn ấy thì phải lựa chọn những cơ hội mới để giảm thiểu rủi ro, hạn chế những tác động bất lợi.

Chiến tranh thương mại ảnh hưởng đến thị trường tài chính Việt Nam

(TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng)

Chiến tranh thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 3.
Một cuộc chiến thương mại toàn cầu xảy ra thì tất cả mọi người đều thua, không có ai thắng trong cuộc chiến tranh thương mại, vì tất cả các quốc gia sẽ rút vào trong tình trạng bảo hộ thương mại.

Vì thế, tất cả các bên trong cuộc chiến thương mại đó sẽ giới hạn lại mậu dịch thương mại của mình với ít nhất vài nước khác. Tình trạng đó sẽ đưa đến việc xuất khẩu hoặc nhập khẩu bị ảnh hưởng, từ đó tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Do đó, trong một cuộc chiến tranh thương mại về mặt thương mại và mậu dịch không có kẻ thắng, chỉ có kẻ thua.

Tuy nhiên, về mặt chính trị lại có lợi thế khác. Với một số quốc gia mạnh, nếu họ làm chủ được tình hình thì họ sẽ có lợi thế về mặt chính trị. Chẳng hạn như Mỹ, nếu Mỹ từ trước đến giờ vẫn cho rằng Trung Quốc là người khuynh đảo về mậu dịch và những biện pháp trừng phạt của Mỹ đưa đến uy thế về mặt chính trị thì về mặt chính trị có thể có người thắng kẻ thua, nhưng về mặt thương mại và mậu dịch thì tất cả đều thua.

Với Việt Nam, chiến tranh thương mại nếu nổ ra sẽ chắc chắn có hại nhiều hơn có lợi. Tuy nhiên, có một số điểm sẽ có lợi cho Việt Nam dưới một vài khía cạnh. Chẳng hạn, các nước bảo hộ thị trường của họ thì những nước không bán được hàng sang thị trường được bảo hộ đó có thể đi tìm thị trường nhỏ về bán hàng.

Ví dụ, Trung Quốc không thể bán được hàng hóa sang Mỹ như trước, họ có thể đi tìm thị trường ở bên cạnh, trong đó có Việt Nam để bán hàng. Ngược lại phía Mỹ cũng vậy.

Vì vậy, dưới một vài khía cạnh Việt Nam có lợi thế nhất định khi một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu nổ ra. Tuy nhiên, với vị thế mậu dịch rất nhỏ của mình trên thị trường toàn cầu thì có lẽ khi cuộc chiến tranh thương mại nổ ra sẽ bất lợi cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam chịu thiệt hại nhiều hơn là có lợi.

Đối với thị trường tài chính Việt Nam đứng trước cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không bị ảnh hưởng trực tiếp, nhưng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua các ngân hàng thương mại hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sang các nước khác.

Và khi thay đổi thị trường xuất nhập khẩu, chẳng hạn trước đó Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc sẽ áp dụng một tỷ giá khác so với tỷ giá áp dụng cho hàng nhập khẩu từ Mỹ. Từ đó sẽ tác động lên cung - cầu ngoại tệ và ảnh hưởng lên tỷ giá dài hạn.

Căng thẳng thương mại ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn ngoại

(Ông Nguyễn Đức Hùng Linh- Giám đốc bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân - Công ty chứng khoán Sài Gòn - SSI)

Chiến tranh thương mại mang lại cả thách thức lẫn cơ hội cho Việt Nam - Ảnh 4.
Theo tôi, hiện tại vẫn là những động thái nắn gân nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trước khi sắc thuế mới có hiệu lực thực sự. Tác động dài hạn của cuộc chiến thương mại này tới Việt Nam sẽ cần đánh giá cụ thể thêm.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ nhìn vào góc độ tiêu cực nếu chiến tranh thương mại xảy ra. Ví dụ như ngành đồ điện tử, nếu như Mỹ áp thuế các mặt hàng này từ thị trường Trung Quốc thì Việt Nam có cơ hội hưởng lợi bởi nhiều nhà máy của Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặt tại Việt Nam.

Trước mắt, căng thẳng trong quan hệ kinh tế 2 cường quốc đang có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Theo thống kê của EPFR Global, xu hướng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Việt Nam đã bắt đầu vào tuần thứ 2 của tháng 2, cùng thời điểm với sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu và kéo dài cho đến cuối tháng 3. Tuần đầu tháng 4, inflow (vốn vào) nhỏ quay trở lại, tương đồng với inflow gia tăng ở khu vực các thị trường Emerging Markets tại châu Á và thế giới.

Thống kê dòng vốn của EPFR Global có sự liên hệ khá rõ với dòng vốn ở 3 quỹ ETF chính của Việt Nam. Tăng mạnh trong tháng 1 và bắt đầu giảm dần kể từ tháng 2.

Tính từ 8/2/2018, ước tính đã có 1,3 nghìn tỷ đồng rút khỏi 3 ETF của VFM, VanEck và Deutsche Bank, con số này bằng 36% tổng lượng vốn đổ vào 3 ETF từ đầu năm tính đến 7/2/2018 là 3,85 nghìn tỷ.

Theo PV

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên