MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tới kinh tế TPHCM

Cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể có ảnh hưởng lớn đến kinh tế TPHCM.

Chiều 1/10, tại cuộc họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 của UBND TPHCM, các chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến kinh tế thành phố.

PGS. TS. Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến phức tạp, có thể liên tục leo thang hoặc dừng lại, rất khó dự báo trước. Ở góc độ vĩ mô, có thể thấy rõ rệt nhưng vi mô về quản lý của địa phương thì cần phải có số liệu cụ thể để kịp thời đưa ra những giải pháp ngăn chặn ảnh hưởng tiêu cực của tranh chấp thương mại Trung – Mỹ đến kinh tế cả nước nói chung và thành phố nói riêng.

Theo chuyên gia này, vừa qua, Mỹ đánh thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thì có rất nhiều mặt hàng tương đồng với Việt Nam, cụ thể như sản phẩm các ngành gỗ, thép, da giày… Vì vậy, Sở Công thương TPHCM phải nắm được danh mục sản phẩm cụ thể mà Trung Quốc bị đánh thuế. Từ đó, Cục Hải quan thành phố phải xem xét những mặt hàng nào biến động trong thời gian gần đây về xuất nhập khẩu đi qua địa bàn thành phố, do thành phố sản xuất, để nắm được biến động khác biệt.

Theo dự đoán, dưới tác động của cuộc tranh chấp này, sẽ xảy ra tình trạng Trung Quốc xuất khẩu hàng qua Việt Nam nhằm né thuế, sau đó dùng mác nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu qua Mỹ. Thậm chí nếu TPHCM kiểm soát chặt, Trung Quốc sẽ lách bằng cách đưa hàng qua các tỉnh thành khác, di chuyển đến TPHCM rồi từ đó xuất khẩu qua Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc vào TPHCM tăng hơn 20%, dự kiến đến cuối năm nay sẽ tăng lên nhiều hơn.

“Đơn đặt hàng da giày rồi đơn đặt hàng gỗ tăng lên rất nhiều, nhưng vấn đề là tự chúng ta sản xuất hay nguồn gốc từ Trung Quốc đưa qua họ sản xuất xong, tháo ra đưa về Việt Nam rồi ráp lại, mời bên kia về chứng kiến là chúng ta sản xuất, rồi lại tháo ra mang đi xuất khẩu?”, PGS. TS. Nguyễn Văn Trình lo ngại.

Theo Kim Dung

VOV

Trở lên trên