MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiêu lừa đảo nguy hiểm nhất lịch sử "Ponzi" không bắt nguồn từ người đàn ông nó mang tên, mà là một phụ nữ: Cơn ác mộng của các chị em thế kỷ 19

05-09-2020 - 00:00 AM | Sống

Hóa ra, mô hình Ponzi đã xuất hiện từ trước khi được đặt theo tên của tay lừa đảo huyền thoại khiến nó nổi tiếng.

Kể từ khi bị bắt vào ngày 12/08/1920, tên tuổi của Charles Ponzi đã gắn liền với mô hình lừa đảo thế kỷ - thứ mà hắn dùng để chiếm đoạt 15 triệu USD của người dân Boston chỉ trong vòng 8 tháng. Mô hình Ponzi thực chất là một hình thức đầu tư giả, trong đó khoản tiền của người đầu tư sau sẽ được dùng để trả cho người đầu tư trước, để giúp doanh nghiệp trông có vẻ hợp pháp.  

Vào thời điểm đó, dịch vụ bưu chính triển khai dịch vụ phiếu hồi đáp quốc tế (IRC), cho phép người gửi thanh toán trước phí tem cho người nhận để gửi thư hồi đáp. Do sự chênh lệch tỷ giá, IRC mua ở nước ngoài có thể bán ra ở Mỹ với lợi nhuận khoảng 10%.

Ponzi đã thuyết phục các nhà đầu tư rằng hắn có thể mua IRC với giá rẻ rồi bán lại tại Mỹ để thu về số tiền khổng lồ. Kẻ lừa đảo này hứa sẽ trả các nhà đầu tư 50% lợi nhuận trong vòng 45 ngày và 100% lợi nhuận trong vòng 90 ngày. Kết quả là nhiều người nhẹ dạ đã sập bẫy hắn.

Dù mang tên của Charles Ponzi, mô hình lừa đảo này lại xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1979 ở thành phố Boston (Mỹ) bởi một cựu thầy bói. Bà ta tên là Sarah Howe - người thành lập công ty Ladies’ Deposit Company để hỗ trợ đầu tư cho phụ nữ.

Chiêu lừa đảo nguy hiểm nhất lịch sử Ponzi không bắt nguồn từ người đàn ông nó mang tên, mà là một phụ nữ: Cơn ác mộng của các chị em thế kỷ 19 - Ảnh 1.

Charles Ponzi - tay lừa đảo huyền thoại của thế kỷ 20.

Dụ dỗ phụ nữ nhẹ dạ với mức lãi suất khủng để làm giàu

Không quảng cáo, không công bố rộng rãi, Sarah Howe chẳng làm gì để thu hút khách hàng đến với ngân hàng mới mở của mình. Thay vào đó, bà ta tuyển chọn thành viên thông qua hình thức giới thiệu. Những người được lựa chọn là các phụ nữ độc thân, không giàu có hay sở hữu nhà riêng. Số tiền họ được gửi chỉ được dao động từ 200-1.000 USD, với mức lãi suất khoảng 8% mỗi tháng. Đó là mức lãi suất khá cao vào thời bấy giờ.

Công ty Ladies’ Deposit của Sarah Howe nhanh chóng nổi tiếng trong giới lao động nữ ở thành phố Boston. Nhờ sự kỹ tính trong quá trình tuyển chọn thành viên, bà ta được nhiều khách hàng tiềm năng yêu mến. Chưa kể, Howe còn trở thành hình mẫu đáng ngưỡng mộ trong mắt các chị em, do định kiến và văn hóa lúc bấy giờ thường khiến phụ nữ và tiền của họ rơi vào tay đàn ông. Bà ta thậm chí còn mời một vài phụ nữ nhất định đến ngồi cùng, tán gẫu và khen ngợi lẫn nhau. Một người cho biết, đó là một trải nghiệm "đầy sự thông cảm".

Đối với những người phụ nữ độc thân ở bang Massachusetts, Howe đã đem tới một cơ hội tuyệt vời để làm giàu trong một môi trường thân thiện với phụ nữ. Thế nhưng, tổ chức này lại không hề giống như vẻ bề ngoài của nó.

Công ty Ladies’ Deposit hoạt động chưa được bao lâu thì thu hút sự chú ý của tờ báo địa phương có tên là Boston Herald. Quá tò mò với mức lãi suất khủng mà ngân hàng này đưa ra, một nam phóng viên đã cải trang thành nữ và trà trộn vào hội chị em vào tháng 1/1880. Theo đó, Ladies’ Deposit tự nhận mình là "tổ chức từ thiện dành cho phụ nữ độc thân, cả già lẫn trẻ".

Tuy nhiên, khi được hỏi về tính khá thi của lãi suất, một thu ngân trả lời: "Chúng tôi không được phép tiết lộ phương thức kinh doanh của mình". Ngay cả Sarah Howe cũng né tránh vấn đề này khi thẳng thắn tuyên bố bà ta không thể cung cấp bất cứ thông tin nào mà không khiến cấp trên nổi giận.

Chiêu lừa đảo nguy hiểm nhất lịch sử Ponzi không bắt nguồn từ người đàn ông nó mang tên, mà là một phụ nữ: Cơn ác mộng của các chị em thế kỷ 19 - Ảnh 2.

(Ảnh: Hulton Archive / Getty Images)

Lạ thay, càng bị phóng viên chế giễu và chỉ trích thì Ladies’ Deposits càng phát triển lớn mạnh. Ở đỉnh cao nổi tiếng, Howe đã phục vụ ước tính 1.200 khách hàng nữ ở Boston, Buffalo, Chicago, Pittsburgh, Baltimore và Washington. 

Với số tiền kiếm được, người phụ nữ này đã mua một ngôi nhà sang trọng trị giá 40.000 USD ở Quảng trường Franklin bằng những cọc tiền mặt buộc dây chun. Chưa hết, bà ta còn mạnh tay chi vài nghìn USD để mua sắm cây cảnh và đồ trang trí độc lạ.

Vỡ nợ phải đi tù nhưng vẫn ngựa quen đường cũ

Ngày 25/9/1880, tờ Boston Daily Advertiser "nổ phát súng" đầu tiên, tung loạt phóng sự điều tra về Ladies’ Deposit. Các phóng viên miêu tả đây là "một tổ chức bí ẩn" chuyên đưa ra "mức lãi suất hấp dẫn" để dụ dỗ "những phụ nữ không được bảo vệ", đặc biệt là "không bao giờ tiết lộ cách thức làm ăn". Dù đáng ngờ như vậy nhưng Ladies’ Deposit chưa từng gặp rắc rối với pháp luật; chưa một khách hàng nào phàn nàn về chuyện mất tiền dù chỉ là 1 USD. Điều này khiến cuộc điều tra gặp nhiều khó khăn.

Ngay lập tức, nhiều chuyên gia tài chính đã dự đoán mô hình của Howe sẽ sớm sập. Bởi lẽ, bà ta chỉ có thể trả tiền cho khách hàng bằng tiền gửi của những phụ nữ khác – một cái giếng nước rồi cũng sẽ cạn. Tại thời điểm đó, không ai biết đây chính là "mô hình Ponzi" mà Charles Ponzi dùng để tạo nên phi vụ lừa đảo thế kỷ 40 năm sau đó.

Sau khi đọc những bài báo này, các nhà đầu tư trở nên nghi ngờ và đòi rút tiền khỏi quỹ. Howe chỉ chịu được cảnh này trong một thời gian ngắn trước khi phải tạm ngừng thanh toán. Các luật sư khẳng định bà ta có nghĩa vụ phải trả lại tiền cho các nhà đầu tư và không được chậm trễ. Vào ngày 16/10/1880, Sarah Howe chính thức bị bắt theo lệnh của tòa án địa phương, với mức bão lãnh lên tới 20.000 USD.

Chiêu lừa đảo nguy hiểm nhất lịch sử Ponzi không bắt nguồn từ người đàn ông nó mang tên, mà là một phụ nữ: Cơn ác mộng của các chị em thế kỷ 19 - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Tại tòa, Sarah Howe bị xét xử với tội danh "Gian lệnh và lừa đảo" 5 khách hàng cũ. Ngày 25/4/1881, Howe bị kết án 3 năm tù giam với tội danh "Gian lận và lừa đảo". Đến tháng 11 cùng năm, bà ta tuyên bố vỡ nợ sau khi cố gắng trả lại tiền cho khách hàng.

Dường như Sarah Howe vẫn chưa rút ra được bài học nào sau phi vụ Ladies’ Deposit. Sau khi ra tù vào năm 1884, bà ta lại thành lập doanh nghiệp mới – Woman’s Bank (Ngân hàng Phụ nữ) – trong một căn hộ nhỏ gọn ở phố Concord. Tổ chức này cũng nhắm đến đối tượng phụ nữ, nhưng chỉ hứa hẹn mức lãi suất 7% khiêm tốn hơn trước kia.

Woman’s Bank hoạt động thành công trong vòng 2 năm, trước khi một khách hàng nữ tại Maine phát hiện ra mình không thể rút khoản đầu tư ban đầu vào tháng 4/1887. Ngay lập tức, Sarah Howe bỏ trốn cùng với số tiền gửi lên tới 50.000 USD.  

Người phụ nữ này cũng phát triển mô hình tương tự tại Chicago. Tổ chức "Ladies Provident Aid" hoạt động với cùng cách thức, hứa hẹn mức lãi suất 7%/tháng, đồng thời trả trước lãi suất trong vòng 3 tháng. Buộc phải trốn chạy một lần nữa, Howe quay trở lại Boston và bị bắt vào năm 1888 theo lệnh của tòa án.

Đến tận cuối đời, Sarah vẫn không từ bỏ bản tính lừa lọc của mình. Sau khi mãn hạn tù vào năm 1889, bà ta quay lại làm thầy bói với mức giá 25 xu cho một lần xem.

Sarah Howe qua đời vào năm 1892 ở tuổi 65, hoàn toàn cô độc và không xu dính túi. Tuy nhiên, ngay cả khi đã sắp lìa đời, người phụ nữ này vẫn khăng khăng mình không có tội gì trong vụ án Ladies’ Deposit. "Không phải do tôi", bà ta phủ nhận. "Tôi không lừa đảo ai cả".

(Theo Mental Floss, Time)

Ngọc Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên