MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chim khôn lựa nhánh lựa cành, người khôn xa lánh 4 kiểu quan hệ hạ thấp trình độ sau đây

30-11-2020 - 15:10 PM | Sống

Vật tụ theo loài, người thân theo nhóm. Nếu không biết tinh lọc những kiểu quan hệ tiêu cực xung quanh, bạn rất dễ bị người khác xếp vào nhóm có giá trị thấp, không đủ ưu tú và bị đánh giá thấp trình độ.

Người xưa đã dạy: “Thân quân tử, xa tiểu nhân.”

Tức là, chỉ kết giao với người quân tử tốt tính, tránh xa những kẻ tiểu nhân âm hiểm.

Nếu gặp phải những mối quan hệ tiêu cực, không có giá trị, thậm chí còn làm hạ thấp trình độ cá nhân, hẳn là tìm mọi cách tránh xa và hạn chế tiếp xúc. Nếu cứ kết giao thân thiết với những người như vậy, sự tiêu cực của đối phương có thể lây nhiễm và lan truyền cho chính bạn.

Phải biết rằng, không phải ai cũng là đóa sen trắng, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Bản thân chúng ta cũng giống như mọi người bình thường khác, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường xung quanh. Trong đó, bạn bè và những mối quan hệ là một phần quan trọng.

Một người bạn thường xuyên nói những lời phàn nàn, luôn mồm chửi rủa, nảy ra những ý tưởng xấu, lan truyền năng lượng tiêu cực thì thân là một người nghe, bạn cũng phải chịu tác động ít nhiều. Cho dù không dính hẳn vào bùn thì tiếp xúc trong thời gian dài, bạn cũng không tránh được mùi “hôi tanh” ngấm vào quần áo và cơ thể. Lâu dần, tâm trí của bạn cũng sẽ bị thay đổi và đồng hóa mà chính bạn cũng không phát hiện ra.

Do đó, khi lỡ gặp những mối quan hệ như vậy, nhất định phải tìm cách thoát thân, hạn chế tiếp xúc hết mức có thể. Chim khôn chọn cành mà đậu, người khôn phải chọn bạn mà chơi. Thà không có nhiều bạn, nhưng ở mỗi người bạn phải tồn tại giá trị đáng giá học tập và kết giao.

Còn với 4 kiểu quan hệ sau đây, thà lấy ít còn hơn lấy bừa.

1. Kiểu người rất dễ mất bình tĩnh, thường xuyên nổi nóng

Khi trí tuệ cảm xúc (EQ) lần đầu xuất hiện, nó đóng vai trò là mắt xích còn thiếu trong một phát hiện đặc biệt: đa số thời gian thì những người có IQ trung bình lại có thành công vượt trội hơn những người có IQ cao nhất. Trí tuệ cảm xúc EQ là nhân tố ảnh hưởng đến cách kiểm soát hành vi, thể hiện tính cách con người. Việc thường xuyên bực bội, cáu kỉnh và tức giận vô cớ, hay vì một lý do nhỏ nào đó, cũng gián tiếp cho thấy EQ của bạn không cao.

Chim khôn lựa nhánh lựa cành, người khôn xa lánh 4 kiểu quan hệ hạ thấp trình độ sau đây - Ảnh 1.

Hơn thế nữa, người ta có câu: “Giận quá mất khôn!” Mất bình tĩnh cũng khiến tư duy và lý trí của một người bị ảnh hưởng. Họ không thể suy nghĩ rõ ràng mà luôn bị cảm xúc khống chế, điều hướng tư duy, làm sai lệch kết quả cuối cùng, từ đó đưa ra những quyết định và sự lựa chọn sai lầm.

Khía cạnh cảm xúc lại vô cùng dễ “truyền nhiễm” cho những người thân thiết xung quanh. Làm bạn với một người dễ kích động, căng thẳng và nổi nóng thì bạn cũng sẽ dần có khuynh hướng này giống họ.

2. Kiểu người thích đưa chuyện, hóng hớt

Một người hay đưa chuyện, thích hóng hớt tạo drama, thường có thói “thêm mắm dặm muối” để tạo nên câu chuyện hấp dẫn, bất chấp đương sự câu chuyện có đồng ý với điều đó hay không.

Họ cũng là tuýp người lãng phí quá nhiều thời gian cá nhân cho người khác hơn là đầu tư vào bản thân. Đại đa số năng lượng của họ cũng chỉ “cống hiến” cho những câu chuyện drama bên lề.

Tuýp người này là nhân tố tạo ra rất nhiều tin đồn từ thật tới giả trong môi trường xung quanh họ. Ví dụ như anh A ngoại tình với cô B, chị vợ phát hiện đánh ghen tới tận công ty; hoặc như cô C có hiềm khích với cô D, làm việc cùng nhau nhưng bằng mặt không bằng lòng, toàn đi nói xấu sau lưng…

Ngụ ngôn có câu “Tò mò hại chết mèo”. Cuộc đời đủ phức tạp rồi, bạn không cần thêm một kẻ ném thêm rắc rối vào mình.

3. Kiểu người không có lòng khoan dung và độ lượng

Một người có trình độ càng thấp càng tự ti về bản thân, hệ quả là càng dễ ganh tỵ với người khác. Sự nhỏ nhen khiến họ trở nên xấu tính, hay tính toán chi ly, đối xử hẹp hòi, không biết tới hai chữ “khoan dung” và “độ lượng” viết như thế nào.

Một chuyện nhỏ như con thỏ có thể từ nhỏ hóa thành không, nhưng với tuýp người này thì ngược lại, luôn muốn xé to thêm. Nếu không đáp trả bằng hành động thực tiễn thì họ cũng “ghim” trong lòng.


Chim khôn lựa nhánh lựa cành, người khôn xa lánh 4 kiểu quan hệ hạ thấp trình độ sau đây - Ảnh 2.

Tâm lý “ăn miếng trả miếng”, “nợ một trả mười” này rất dễ bị “tiêm nhiễm” vào tư duy của những người không có chính kiến rõ ràng. Nếu kết hợp cùng nguồn năng lượng tiêu cực, nó đủ sức để thôi thúc một người làm ra hành vi nguy hiểm chỉ vì mục tiêu “trả đũa”.

Phải biết rằng, trong cuộc sống ai cũng sai lầm, cũng có xung đột. Hãy đặt vị trí mình vào người đó, để ta hiểu sâu những vấn đề, để ta nhìn thấy những gì mà họ nhìn thấy, để sự khoan dung độ lượng hình thành từ tấm lòng. Đây mới là nguồn năng lượng tích cực mà ta nên tiếp nhận và học tập để phát triển bản thân.

4. Tuýp người dễ dàng từ bỏ bản thân, từ bỏ lý tưởng

Mỗi người đều trải qua khoảnh khắc khi cuộc sống dường như rất khắc nghiệt hay khoảnh khắc khi ta cảm thấy từ bỏ là sự lựa chọn duy nhất.

Thế nhưng, khi đấu tranh với sự tiêu cực, sắp xếp lại suy nghĩ, thay vì nghĩ rằng "Mình không thể nào làm được điều đó, có lẽ nên bỏ cuộc tại đây", hãy thử nghĩ theo một hướng khác tích cực hơn ví dụ như là "Có lẽ đây không phải giá trị mà họ tìm kiếm, mình phải học thêm kỹ năng ABC để phát triển thêm!"

Những lối suy nghĩ mở đầu tiêu cực và chấm dứt tiêu cực cho bản thân hay cho người khác đều vô cùng nguy hiểm. Trong khi bạn đang nỗ lực hết sức, người bên cạnh lại buông lời "Đừng cố nữa! Cố mãi cũng chỉ vậy thôi!", rất có khả năng sẽ đẩy tinh thần của bạn vào vực thẳm thất bại.

Mà càng thất bại thì con người ta càng tìm đủ mọi cớ để bỏ cuộc, trốn tránh và cuối cùng rơi vào một vòng tuần hoàn ác tính. Cuối cùng, chịu sự tác động lâu dài từ tâm lý từ bỏ, bạn sẽ đánh mất cả mục tiêu, lý tưởng và bản thân mình.

Có thể thấy rằng, người xưa từng nói: “Quân tử không đứng dưới bức tường đổ.”

Khi thấy việc có thể nguy hại tới bản thân, hãy cẩn trọng giữ mình và tìm mọi cách tránh xa.

Người khôn ngoan luôn biết tìm ra và phát huy những ưu điểm của mình để tối ưu hóa mọi giá trị của bản thân. Đồng thời, những nhược điểm, những mặt tiêu cực cần hạn chế hết mức có thể để nó không tác động quá mức tới tư duy, cuộc sống và sinh hoạt hiện tại. Việc tránh xa những mối quan hệ kể trên cũng là một phần trong quá trình đó.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên