Chim ưng đổi 150 ngày thống khổ lấy 30 năm tuổi thọ và bài học đắt giá cho những kẻ ưa nhàn hạ nơi công sở
Ở tuổi 40, chim ưng bắt đầu lão hoá và không thể săn mồi được nữa. Nó phải đối mặt với 2 lựa chọn khó khăn nhất cuộc đời.
- 20-03-2020Chuyện tranh cử của Tổng thống và bài học cho dân văn phòng: Ngoài quyết tâm, đôi khi phải biết cúi đầu để gặt hái thành công
- 18-03-2020Câu chuyện về thái độ sống của những người biết mình "sắp đi qua cuộc đời" và bài học sâu sắc: Hãy chiến đấu tới cùng!
Quả thật không ngoa khi nói, thời điểm mà chúng ta đang sống là kỷ nguyên của sự thay đổi. Nhờ sự tiến bộ mạnh mẽ của khoa học, kỹ thuật; mọi thứ thay đổi nhanh một cách chóng mặt. Những thứ ngày hôm qua vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm với nhiều người, vậy mà hôm nay đã trở nên lỗi thời, cũ kỹ và không còn được ứng dụng nhiều nữa.
Nhiều phát minh và công nghệ ra đời, thay đổi hoàn toàn bộ mặt cuộc sống và cách chúng ta làm việc. Rất nhiều dự đoán đã được đưa ra rằng, lượng lớn con người sẽ phải thất nghiệp và nhường chỗ cho máy móc cũng như công nghệ cao trong nhiều năm tới. Máy móc dần có thể thay thế vị trí của con người trong nhiều hạng mục công việc.
Câu hỏi được đặt ra ở đây đó chính là: “Vậy con người sẽ ở đâu trong nhiều năm tới”. Máy móc có thể thay đổi được cục diện, có thể thay thế được con người nhưng bản chất, con người mới chính là chủ nhân sáng tạo ra máy móc và công nghệ. Bản chất vấn đề nằm ở sự thay đổi và sự chuyển mình.
Tuy nhiên, thay đổi không chỉ đơn thuần là một khái niệm dễ dàng để thực hiện. Trong cuộc đời mỗi người, bắt đầu một quá trình làm mới chính mình chưa bao giờ là điều dễ dàng. Chúng ta phải vứt bỏ hết các thói quen cũ, những giá trị cũ, những thước đo cũ để hướng tới những bài học mới, những giá trị mới bởi vì, chỉ có như vậy chúng ta mới có cơ hội phát huy hết tiềm năng của bản thân và đón đầu tương lai.
Thay đổi là một quá trình khó khăn và đòi hỏi sự kiên trì. Câu chuyện về sự “thoát xác” của loài chim ưng bên dưới đây chính là minh chứng hùng hồn nhất cho sự quyết tâm buộc phải thay đổi và sự tưởng thưởng cho quá trình đầy gian nan ấy.
Chim ưng là loài chim trường thọ nhất trên thế giới. Tuổi thọ của nó có thể lên đến 70 tuổi. Nhưng muốn sống trường thọ như thế, thì đến 40 tuổi, nó phải có một quyết định rất quan trọng nhưng lại vô cùng khó khăn.
Khi chim ưng sống đến 40 tuổi, móng vuốt bắt đầu lão hóa, nó không thể vồ chộp con mồi có hiệu quả nữa. Mỏ nó trở nên vừa dài vừa cong, như sắp chạm vào diều. Đôi cánh nó trở nên nặng nề, vì lông mọc vừa dài lại vừa dày, khiến nó bay rất nhọc sức. Nó chỉ có 2 lựa chọn: Hoặc là đợi chết, hoặc là trải qua một quá trình biến đổi vô cùng thống khổ, kéo dài 150 ngày.
Nó phải nỗ lực bay lên đỉnh núi cao, rồi làm tổ trên vách núi hiểm trở. Nó dừng lại ở đó, không được bay nữa. Và nó phải dùng mỏ để mổ vào vách đá, cho đến khi cái mỏ hoàn toàn bị rụng rơi. Sau đó, nó phải tĩnh lặng đợi chờ cái mỏ mới sinh ra, rồi dùng cái mỏ mới sinh ra ấy mà nhổ từng cái móng vuốt.
Sau khi móng vuốt mới mọc ra, nó lại phải dùng móng vuốt để nhổ từng sợi lông. Sau 5 tháng, bộ lông mới đã mọc ra. Chim ưng bắt đầu bay, lại bắt đầu cuộc đời của Thần ưng sống thêm 30 năm nữa.
Có thể thấy, sau những khó khăn phải đối mặt, chim ưng đã có một cuộc đời mới huy hoàng và rực rỡ hơn. Nó tận hưởng cuộc sống mạnh mẽ hơn giai đoạn trước kia. Vì lẽ đó chim ưng cũng được xếp vào một trong những loài chim trường thọ nhất thế giới.
Còn trong cuộc sống loài người, chắc hẳn những ai làm trong môi trường công sở cũng từng nghe qua câu nói “Thay đổi hay là chết”. Chẳng cần đến sự chuyển biến nhanh của thời đại, bản chất công việc yêu cầu chúng ta thay đổi đều đặn mỗi ngày.
Bởi lẽ, chúng ta không thể cứ đều đặn làm đi làm lại một công việc bằng những cách thức giống nhau rồi mong cầu một cái kết huy hoàng hơn đến với bản thân mình. Để có được thứ bản thân hằng muốn, chinh phục những đỉnh cao mới, những vị trí mới, chúng ta buộc phải thử những cách trước giờ bản thân mình chưa dám thử. Chỉ có như vậy, chúng ta mới biết giới hạn của bản thân nằm ở đâu, những đỉnh cao mà mình có thể chinh phục.
Chẳng ai có thể phủ nhận, thay đổi là một quá trình khó khăn đi kèm theo đó là mồ hôi, nước mắt, danh dự. Tuy nhiên, nếu hỏi kết quả của việc thay đổi liệu có đáng để chúng ta thử hay không thì chắc hẳn nhiều người cũng không ngần ngại nói có. Vậy tại sao vẫn chưa thay đổi khi chúng ta biết những thứ đáng giá và huy hoàng hơn đang chờ ta ở phía trước. Thứ chúng ta cần là mạnh dạn dấn thân, chấp nhận rủi ro và dám tận hưởng thành quả.
Trí thức trẻ