Chính phủ “giục” bộ ngành, địa phương đẩy nhanh thoái vốn
Từ nay đến năm 2020, một loạt doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt.
- 21-08-2017Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản: Tháng này Chính phủ Việt Nam sẽ công bố danh mục 300 DN chuẩn bị thoái vốn
- 21-08-2017406 DN thoái vốn có Vietnam Airlines của Bộ Giao thông vận tải
- 12-08-2017Kết luận của Thủ tướng về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước
Chính phủ vừa phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020. Theo đó, từ nay đến năm 2020, một loạt DNNN phải quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã ký Quyết định số: 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Mục tiêu nêu rõ: để đẩy nhanh tiến độ bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ gắn với việc đảm bảo nguồn thu cho phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành lên kế hoạch đẩy nhanh việc bán vốn nhà nước
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý việc thoái vốn sẽ được thực hiện theo danh mục (có danh sách đính kèm) của công ty nông, lâm nghiệp và các công ty con và công ty liên kết của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thực hiện cổ phần hóa; doanh nghiệp thuộc: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội; Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; Bệnh viện Giao thông vận tải; Công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền hình số vệ tinh Việt Nam; Công ty Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam thực hiện theo Quyết định riêng của cấp có thẩm quyền.
Cùng đó, Chính phủ yêu cầu các đơn vị cơ quan chủ quản có tên trong danh mục phải quyết liệt tổ chức thực hiện thoái vốn theo tiến độ và tỷ lệ đã được phê duyệt tại Danh mục kèm theo Quyết định này theo đúng quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước theo Quyết định này.
Đồng thời, các bộ ngành địa phương phải lưu ý chủ động căn cứ tình hình thị trường và thực tế tại doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ và tăng tỷ lệ thoái vốn so với tỷ lệ tối thiểu hằng năm đã được phê duyệt; bổ sung thêm doanh nghiệp thực hiện thoái vốn sớm hơn nhưng đảm bảo hiệu quả, tính công khai, minh bạch.
Kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trường hợp không thể thực hiện thoái vốn theo Quyết định này vì lý do khách quan (điều kiện thị trường không thuận lợi, tính đặc thù khách quan của từng Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
Từ nay đến năm, 2020, Nhà nước sẽ bán vốn tại hàng trăm DN đã cổ phần hoá không cần nắm giữ
Đặc biệt, nghiêm túc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc diện chuyển giao theo quy định của pháp luật; Sau khi tiếp nhận Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước có trách nhiệm thực hiện thoái vốn theo Quyết định này.
Tại cuộc họp mới đây với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, tới nay đã có 96,5% số DN nhà nước được cổ phần hóa. Nhưng tổng số vốn cổ phần hóa chỉ có 8%, như vậy còn tới 92% vốn nhà nước vấn nắm giữ. Như vậy chưa thu hút được mạnh mẽ nguồn vốn của tư nhân tham gia vào các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ. Đặc biệt, tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước có tín hiệu chậm lại trong những tháng đầu năm 2017.
Trong giai đoạn tới, cả nước tập trung cổ phần hóa các DN nhà nước rất lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện cổ phần hóa các tổng công ty phát điện, hay cổ phần hóa Tập đoàn Cao su, Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).“Đây là những DN lớn mà Kiểm toán Nhà nước phải kiểm toán lại kết quả định giá để tránh thất thoát vốn, tài sản”, ông Huệ nói.
Trong danh sách kèm theo Quyết định Chính phủ ban hành, danh mục thoái vốn sẽ thực hiện lần lượt trong các năm, dkiến năm 2017 sẽ thực hiện thoái vốn tại 135 doanh nghiệp ; năm 2018 thực hiện thoái vốn tại 181 doanh nghiệp và 2019 sẽ thêm một số doanh nghiệp nằm tập trung tại các bộ Công thương, Giao thông vận Tải, Bộ Y tế…và một số địa phương.
Trước đó, tại hội nghị Người đại diện của Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đơn vị này cũng cho biết sẽ thực hiện thoái vốn tại 100 doanh nghiệp trong vòng từ nay đến năm 2020.
Tiền phong