Chính phủ không hề có động thái nào về nới lỏng kiểm soát lạm phát
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã khẳng định điều này khi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ lo ngại về việc chỉ số lạm phát năm 2019 được Chính phủ để ở mức "khoảng 4%".
- 27-10-2018TS. Vũ Tiến Lộc: Chính phủ lạc quan về tăng trưởng nhưng chưa tự tin về kiềm chế lạm phát
- 26-10-2018Kiểm soát lạm phát cơ bản ở mức 1,5% - 1,6%
- 17-10-2018Diễn biến phức tạp, liệu lạm phát cuối năm có "nổi loạn"?
Tham gia thảo luận tại hội trường, bên cạnh những lạc quan về tăng trưởng, ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) băn khoăn về việc Chính phủ có vẻ như còn thiếu tự tin đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Ông Lộc dẫn chứng, trong 3 năm qua, đặc biệt là trong năm 2018 vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4% bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm và tỷ giá diễn ra đồng thời.
"Đó là một trong những thành tựu quan trọng bậc nhất, thể hiện bản lĩnh và năng lực điều hành kinh tế của Chính phủ. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. Vậy tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%.", ĐBQH Lộc đặt vấn đề.
Theo Chủ tịch VCCI, với việc Chính phủ đặt mục tiêu lạm phát "khoảng 4%" thay cho "dưới 4%" trong năm 2019 cũng không rõ, tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1 - 4,2%, thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu là 4,3 - 4,4 - 4,5% thì có còn gọi là hoàn thành nhiệm vụ được không?
"Tôi cho rằng việc chuyển từ một mục tiêu cứng và rõ ràng (dưới 4%) sang một mục tiêu mềm và có phần mơ hồ hơn (khoảng 4%) là một bước lùi trong hoạch định chính sách. Và hậu quả sẽ khó lường.", ông Lộc thẳng thắn.
Lo ngại của Chủ tịch VCCI còn ở chỗ, khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong thực hiện sẽ giảm đi nhiều. Các bộ, ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới... Nếu Chính phủ bằng lòng với mức lạm phát trên 4%, thì người dân sẽ có quyền đặt câu hỏi: liệu trong tương lai, mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành "khoảng 5%" hay "khoảng 6%"? Và liệu các nhà đầu tư có còn tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô vẫn luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ? Rồi lãi suất, tỷ giá liệu có "té nước theo mưa" cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát theo đề xuất của Chính phủ?
"Tóm lại, khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ "dưới 4%" thành "khoảng 4%", Chính phủ dường như đang rút khỏi một cam kết "vàng" đang được người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Và với sự điều chỉnh này, Chính phủ sẽ khó bảo đảm thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về việc đưa lạm phát về mức dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này", ông Lộc nhấn mạnh.
Giải trình với Quốc hội vào chiều 27/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định: “. Chính phủ phải đẩy mạnh xã hội hoá việc cung cấp các dịch vụ công nên việc đặt ra kiểm soát lạm phát khoảng 4% là cần thiết”.
Kiểm soát lạm phát cũng là một trong các giải pháp để tiếp tục kiên định chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội đã xác định ngay từ đầu nhiệm kỳ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh ổn định vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ, bảo đảm các cân đối lớn về thu chi ngân sách, cung cấp điện, thanh toán vãng lãi, dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức 60 tỷ USD, giữ mặt bằng lãi suất và giảm lãi suất ở những lĩnh vực ưu tiên, điều hành tỷ giá thận trọng, theo tín hiệu thị trường, phối hợp tốt các giải pháp điều hành chính sách tài khoá, tiền tệ và ngoại thương.
“Đặc biệt, Chính phủ nhất quán chính sách ổn định giá trị đồng tiền. Để hỗ trợ cho xuất khẩu, Chính phủ không bao giờ, chưa bao giờ có chủ trương phá giá đồng tiền”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Hải quan